Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản: Quẩn quanh với tư duy làng, xã
21 | 11 | 2007
"Hàng thủ công Việt Nam vẫn còn nghèo nàn về kiểu dáng Nghệ nhân Việt Nam có bàn tay khéo léo nhưng suy nghĩ, tầm nhìn vẫn chỉ quanh quẩn trong làng, ngoài xã...”. Đó là nhận xét của các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nhật tại hội thảo tư vấn xuất khẩu hàng thủ công sang thị trường Nhật Bản cuối tuần qua.

Chưa có ý thức làm thị trường

Chuyên gia tư vấn thiết kế người Nhật Bản, ông Shinichi Yamamura đã ba lần đến Việt Nam tham gia triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ. Theo ông, điểm mạnh của nghệ nhân Việt Nam là biết bảo vệ những sản phẩm truyền thống. Rất nhiều sản phẩm đã để lại ấn tượng tốt với các nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Shinichi Yamamura nói: "Nếu thợ thủ công chỉ làm sản phẩm theo cảm nhận, theo ý thích của mình, chưa mạnh dạn khai thác các sản phẩm mới thì rất khó đưa hàng ra nước ngoài. Các doanh nghiệp thành đạt trên thế giới đều phải cùng lúc làm hai việc, bảo vệ sản phẩm cũ, thiết kế sản phẩm mới. Dù việc này không có tiền ngay, nhưng lâu dài, nó sẽ quyết định sự tồn tại của hàng thủ công đó".

Bổ sung quan điểm này, bà Yoko Kawaguchi - Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Nhật Bản gợi ý: Để hàng thủ công Việt Nam vào được thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công phải quan tâm đến thói quen sinh hoạt, thời tiết, ý thích của người Nhật. Vấn đề lớn nhất của hàng thủ công Việt vẫn là kiểu dáng. Người Nhật hiện nay sống nhiều trong các chung cư chật hẹp. Họ không thể mua những sản phẩm trang trí nhà cửa quá lớn. Hay người Nhật thích cuộc sống thân thiện với môi trường, trong khi đó hàng thủ công Việt Nam lại trang trí bằng quá nhiều mầu sắc rực rỡ. Theo bà Yoko Kawaguchi: “Các nghệ nhân nên bớt số lượng mầu trong mỗi sản phẩm, tận dụng tốt những sắc mầu của nguyên liệu và chú ý nhiều hơn đến kiểu dáng. Làm được những điều này, tôi tin, thị trường Nhật Bản sẵn sàng mở rộng cửa để đón hàng thủ công Việt Nam".

Rất cần có trung tâm tư vấn thiết kế mẫu

Theo Phòng Thương mại - Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, trong hai năm gần đây, sản lượng hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản có xu hướng giảm. Dù nhà nước đã ưu tiên, dành nhiều kinh phí đưa các doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản, nhưng hiệu quả của những chuyến đi này vẫn chưa cao. Ông Đào Quang Lợi - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: "Các doanh nghiệp Việt sang Nhật Bản mới chỉ có mục đích bán hàng, tìm đối tác mua hàng chứ chưa có ý thức tìm hiểu thị trường này. Họ không hiểu người Nhật thích gì, nghĩ gì về sản phẩm. Họ chỉ bán những cái họ có chứ không bán cái mà thị trường cần".

Vẫn theo ông Lợi, chất lượng, mẫu mã của hàng thủ công Việt Nam vẫn còn nghèo nàn. Trong khi đó, thợ thủ công Việt Nam lại rất khó khăn trong việc tiếp cận thông tin mới. "Cần thiết phải có một trung tâm tư vấn, thiết kế mẫu cho thợ thủ công Việt Nam" - ông Lợi nhấn mạnh.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, nhu cầu nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản rất lớn (khoảng hai tỷ USD/năm) vì người Nhật có thói quen tặng quà hàng ngày và vào các dịp lễ. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (gồm: gỗ khảm, dát, sản phẩm làm từ rơm, cỏ giấy hoặc từ các loại vật liệu tết bện khác, dây tết bện và các sản phẩm bằng vật liệu tết bện, hàng mây tre, liễu gai, gốm sứ) của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 54 triệu USD, chiếm 3% kim ngạch nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản.

 



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường