Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thu hút FDI năm 2007 sẽ đạt kỷ lục cao nhất - trên 16 tỷ USD
01 | 12 | 2007
Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cho biết, 11 tháng qua, cả nước đã thu hút được 15,03 tỷ USD vốn đầu tư đã đăng ký, tăng 38,4% so với cùng kỳ trước, vượt 15% kế hoạch (dự kiến cả năm 13 tỷ USD).

Ông Thắng phân tích, cơ cấu FDI năm 2007 rất khả quan, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng, điện, điện tử, viễn thông, và tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ cao. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ, hiện đại hoá đô thị, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, chế biến nông lâm hải sản…  cũng được các nhà đầu tư quan tâm phát triển. Tỷ lệ giải ngân năm 2007 cao hơn năm 2006, khoảng trên 5 tỷ (đạt 30%).

Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam năm 2007 với số vốn đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 29% tổng vốn đăng ký. Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của các nhà đầu tư Hàn Quốc tăng lên, trải rộng trong các địa phương trong cả nước từ Bắc-Trung-Nam. British Virgin Islands đứng thứ hai với số vốn đăng ký 3,5 tỷ USD. Singapore đứng thứ ba với số vốn đăng ký 1,55 tỷ USD. Đài Loan đứng thứ tư với số vốn đăng ký 1,14 tỷ USD, chiếm 14% về số dự án và 9% tổng vốn đăng ký. Nhật Bản tuy chỉ đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, với số vốn đăng ký 771,8 triệu USD, nhưng lại là nước có số có số vốn tăng thêm tại các dự án đang hoạt động lớn nhất, đạt hơn 315 triệu USD.

TP Hồ Chí Minh đứng đầu trong 52 địa phương thu hút được dự án ĐTNN (trừ dầu khí) với số vốn đăng ký 1,73 tỷ USD, chiếm 24% về số dự án và 13% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tỉnh Phú Yên vươn lên đứng thứ hai (từ vị trí thứ 44/51 theo kết quả của 10 tháng đầu năm 2007) với số vốn đăng ký 1,7 tỷ USD.  Bà Rịa-Vũng Tàu đứng thứ ba với số vốn đăng ký 1,069 tỉ USD. Bình Dương đứng thứ tư với số vốn đăng ký 1,020 tỉ USD. Hà Nội đứng thứ năm với số vốn đăng ký 963 triệu USD.

Đáng chú ý, trong 11 tháng đầu năm 2007 quy mô vốn đầu tư bình quân cho một dự án đạt trên 10 triệu USD (cao hơn mức bình quân cùng kỳ năm trước-8,5 triệu USD). Nhiều địa phương đã thu hút được các dự án FDI có quy mô lớn, từ các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể: Phú Yên có dự án xây dựng nhà máy lọc dầu Vũng Rô, công suất 4 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD của Công ty Technostar Management (B.V.Islands) và Công ty Telloil (Nga); Bà Rịa Vũng Tàu dự án nhà máy sản xuất thép của Ấn Độ trên 527 triệu USD, Cảng quốc tế của Singapore 266,9 triệu USD, Cảng SP-SPA Cái Mép của Singapore 165 triệu USD.
 
Hà Nội có dự án khách sạn-căn hộ cao cấp Keangnam của Hàn Quốc 500 triệu USD. Vĩnh Phúc sẽ trở thành tỉnh công nghiệp với sự hiện diện của nhiều dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp có quy mô lớn như: Tập đoàn Intelligent Universal, là thành viên của Tập đoàn Điện tử Compal-Đài Loan đầu tư sản xuất máy tính xách tay, công suất 40 triệu sản phẩm/năm với tổng vốn đăng ký 500 triệu USD, Công ty Muto (Nhật Bản) đầu tư 150 triệu USD để sản xuất khuôn mẫu chính xác, sự xuất hiện lần đầu tiên của Tập đoàn Piaggio (Italia) đầu tư nhà máy sản xuất xe máy Vespa với vốn đầu tư ban đầu 45 triệu USD...

TP Hồ Chí Minh với hàng loạt dự án trong lĩnh vực bất động sản: Công ty Yon Woon-Vạn Phúc có vốn đầu tư 250 triệu USD, Công ty GS Nhà Bè 188,9 triệu USD, địa ốc Đại Quang 160 triệu USD, Liên doanh Pine & Đại Tư 150 triệu USD, Liên doanh Estella có vốn đầu tư 106 triệu USD.

Ông Phan Hữu Thắng đánh giá: “Trong 1 tháng còn lại của năm 2007 sẽ có rất nhiều dự án có quy mô vốn lớn được cấp phép, khả năng thu hút FDI sẽ đạt 16 tỷ USD, vượt hơn 50% so với năm 2006”. Đây là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI.

 



Theo www.baothuongmai.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường