Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế Mỹ canh cánh nỗi lo 2.000 tỷ USD
30 | 11 | 2007
Mới chỉ vài tháng trước đây, giới phân tích cho rằng, cơn bão trên thị trường thế chấp dưới tiêu chuẩn của Mỹ sẽ khiến kinh tế nước này phải gánh chịu khoản thiệt hại từ 50 đến 100 tỷ USD, một con số lớn nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, một báo cáo vừa công bố của Goldman Sachs cho rằng, cơn bão này sẽ cuốn phăng khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới không dưới 400 tỷ USD. Đáng ngại hơn, đó vẫn chưa phải là giới hạn cuối cùng của thảm họa này. Theo các chuyên gia của Goldman Sachs, vì khủng hoảng, các ngân hàng và tổ chức cho vay tại Mỹ có thể cắt giảm lượng vốn cho vay tới 2.000 tỷ USD.

Nếu là sự thật, sự cắt giảm này chắc chắn sẽ là một cú sốc lớn đối với kinh tế Mỹ, vì người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ sẽ không thể vay được số tiền mà họ cần để duy trì sức khỏe của nền kinh tế. “2.000 tỷ USD tương đương với 7% tổng lượng nợ mà khu vực phi tài chính của Mỹ vay. Việc cắt giảm lượng tiền như vậy sẽ là một trở ngại rất lớn đối với các hoạt động kinh tế”, chuyên gia kinh tế cao cấp Jan Hatzius của Goldman nhận định.

Tại sao 400 tỷ USD lỗ đậm trên thị trường tín dụng lại có thể khiến các ngân hàng và tổ chức cho vay tại Mỹ cắt giảm 2.000 tỷ USD khỏi lượng tiền cho vay?

Theo tính toán của Cục Dự trữ bang New York, các ngân hàng, quỹ phòng vệ và các công ty chứng khoán thường vay ít nhất 10 USD tính trên 1 USD mà họ sử dụng trong giao dịch. Khi hoạt động đầu tư diễn ra suôn sẻ, việc vay nợ giúp đem lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, khi hoạt động đầu tư có vấn đề, việc vay nợ sẽ khiến tình trạng thua lỗ càng nặng nề thêm và khiến các chủ nợ dè dặt hơn trong tương lai.

Chuyên gia Hatzius tính toán rằng, khoảng phân nửa trong số lỗ 400 tỷ USD sẽ rơi xuống vai những nhà đầu tư vay nợ nhiều như các ngân hàng đầu tư, các quỹ phòng hộ và các công ty môi giới. Ông cho biết, khi giá trị tài sản của họ thâm hụt, những tổ chức này sẽ phải cắt giảm hoạt động cho vay nhằm duy trì tỷ lệ như mong muốn của vốn so với lượng tiền cho vay. Nếu bị lỗ 200 tỷ USD, họ sẽ phải giảm lượng vốn cho vay theo tỷ lệ giảm 10 USD cho vay trên 1 USD thua lỗ. Kết quả, số tiền cho vay sẽ giảm 2.000 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng tín dụng là một đòn giáng mạnh vào những ngân hàng đầu tư. Merrill Lynch đã báo lỗ 8,4 tỷ USD và giới phân tích dự báo, con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới. Citigroup cũng báo lỗ 6,5 tỷ USD trong quý 3 và cho biết, có thể lỗ thêm 11 tỷ USD trong quý 4. Nếu các ngân hàng giảm lượng tiền cho vay, tác động tiêu cực sẽ lan rộng sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp có thể tăng nếu các công ty không thể vay tiền để quay vòng nợ.

Nhiều chuyên gia khác cũng đồng ý với quan điểm của Goldman Sachs cho rằng những khoản thua lỗ khổng lồ trên thị trường tín dụng có thể khiến các ngân hàng hạn chế cho vay. “Các ngân hàng có thể sẽ phải giảm cho vay để duy trì tỷ lệ vốn của họ”, Martin Senn, Giám đốc đầu tư của Zurich Financial Services, công ty hiện đang quản lý 200 tỷ USD, nhận định.

Ông nói thêm: “Nếu các ngân hàng buộc phải cắt giảm cho vay, điều đó sẽ là một áp lực lớn đối với kinh tế Mỹ. Tôi nhận thấy rủi ro suy thoái đối với kinh tế Mỹ đang tăng lên”. Zurich Financial Services vẫn dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trong năm 2008, nhưng với tốc độ chậm hơn, vào khoảng 2%, bằng nửa tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong quý 3.

Các chuyên gia cho rằng, mức độ ảnh hưởng của thiệt hại dự báo 400 tỷ USD trên thị trường tín dụng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn tốc độ xuất hiện của khoản lỗ này. Nhà kinh tế Hatzius của Goldman Sachs nhận định, nếu số lỗ 400 tỷ USD đổ xuống trong thời gian là 1 năm, cú sốc có thể gây ra một đợt suy thoái lớn. Còn nếu khoản lỗ này xuất hiện dần trong 2 - 4 năm, hậu quả sẽ là sự tăng trưởng ì ạch của kinh tế Mỹ.

Một số chuyên gia có cái nhìn lạc quan vẫn cho rằng, thiệt hại này có thể được bù đắp nhờ sự tăng trưởng bất ngờ của các khu vực khác của nền kinh tế hoặc nhờ sự can thiệp của Chính phủ. Mặc dù vậy, giới quan sát cũng cho rằng, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng cũng có thể trầm trọng hơn do cộng hưởng của những nhân tố tiêu cực khác.

“Giá dầu là một rủi ro lớn. Nếu giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng, nền kinh tế sẽ lâm vào tình trạng xấu”, Joe LaVorgna, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Deutsche Bank nhận định. Chuyên gia này vẫn cho rằng, kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái, nhưng những lo sợ trước khủng hoảng tín dụng vẫn còn đó trên thị trường. Cũng theo chuyên gia này, giá dầu cao có thể khiến kinh tế Mỹ giảm tốc độ tăng trưởng thêm 0,015%.

Không lâu trước đây, một số nhà phân tích chỉ coi những vấn đề trên thị trường tín dụng Mỹ chỉ là một giai đoạn uể oải nhất thời của mùa hè. Họ kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi sau ngày Quốc tế Lao động 1/5. Và khi FED cắt giảm lãi suất vào tháng 9, có vẻ như những nhà phân tích này đã đúng. Tuy nhiên, lúc này, những kỳ vọng về sự phục hồi nhanh chóng đó đã tan biến đi nhanh chóng.

 



www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường