Từ giữa tháng 9, xã vùng cao Ea Bar của huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) rộn ràng vào vụ thu hoạch cà-phê. Chúng tôi có mặt vào giữa vụ mùa, công việc của mọi người đang tất bật. Ðất đỏ ba-dan lầy lội với những cơn mưa nặng hạt nhưng trong những lô cà-phê không ngớt tiếng người tiếng máy. Giám đốc Công ty cà-phê Ea Bá, Ðặng Văn Trung phân trần: Cà-phê đang chín rộ, bà con phải đội mưa để thu hoạch đấy. Giống cà-phê chè này phải thu hái khi vừa chín đỏ mới bán được giá nên trên một diện tích người ta thường thu hái từ ba đến bốn đợt. Do vậy vụ thu hoạch cà-phê thường kéo dài hơn hai tháng, thu hút thêm cả nghìn lao động từ miền xuôi lên tham gia hái cà-phê. Còn Chủ tịch UBND xã Ea Bar, Ma Rin, bảo: Cây cà-phê chè là một trong những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Vụ này cà-phê được mùa tăng từ hai đến ba tấn/ha, lại được công ty mua với giá 4.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg cho nên bà con phấn khởi lắm. Tính ra, mỗi ha cà-phê đạt giá trị hơn 60 triệu đồng, trong đó người trồng lãi 50%. Ngoài ra, bà con tham gia hái cà-phê hằng ngày cũng được trả công 30.000 - 35.000 đồng. Có việc làm, thêm thu nhập nên mọi người vui lắm.
Thời điểm huyện Sông Hinh thành lập (1985), trên địa bàn huyện cũng bắt đầu xuất hiện những nông trường cà-phê ở vùng đất ba-dan phía tây huyện, nơi tiếp giáp Tây Nguyên, có độ cao hơn 300 m so với mặt nước biển. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng khí hậu của phía đông Trường Sơn, thời điểm cây cà-phê vối (Robusta) ở đây ra hoa thường gặp mưa nên tỷ lệ đậu trái không cao; do vậy năng suất thấp, bình quân chưa đến một tấn nhân/ha, chỉ bằng nửa so với cà-phê trồng ở Tây Nguyên. Dù vậy, những người chủ nông trường ngày ấy vẫn không chịu bỏ cuộc, họ tìm đến giống cà-phê chè (Arabica). 1,5 ha trồng thử nghiệm cho kết quả rất khả quan, năng suất đạt gần 2,5 tấn nhân/ha, gấp ba lần so với giống cà-phê vối. Ðiều quan trọng hơn cà-phê chè khắc phục được nhược điểm của cây cà-phê vối, không đòi hỏi nước tưới nhiều và vẫn ra hoa, kết trái bình thường trong mùa mưa, hơn nữa lại được giá, gấp 1,5 đến hai lần so với loại cà-phê vối. Từ năm 2002, toàn bộ diện tích cà-phê vối của nông trường lần lượt được thay thế bằng giống cà-phê chè. Người dân trong vùng cũng học theo nông trường đưa diện tích cà-phê của huyện lên hơn 800 ha, trong đó có hơn 50 ha được trồng mới trong năm nay. Diện tích cà-phê của huyện miền núi Sông Hinh được trồng tập trung ở các xã Ea Bar, Ea Bá, Ea Ly và Sông Hinh. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây cũng đã nắm bắt được kỹ thuật và trồng thâm canh loại cây công nghiệp này mà trở nên khá giả, tiêu biểu như Ma Min ở buôn Thứ (Ea Bar). Giám đốc Trung khẳng định: Năng suất cà-phê tươi trong khu vực công ty đầu tư trồng tập trung không dưới 15 tấn/ha, tăng hai tấn/ha so với vụ trước; còn ở khu vực của người dân trồng tiểu điền ước đạt bình quân 13 tấn/ha. Khu vực nông trường cà-phê Ea Bá trước đây nay thuộc ba thôn của xã Ea Bar có hơn 460 hộ dân sinh sống với nguồn thu nhập chính từ 500 ha cây cà-phê. Anh Dương Quang Quý quê ở Nghĩa Hưng (Nam Ðịnh), thuộc lớp người sớm có mặt ở Nông trường cà-phê Ea Bá, tiêu biểu cho những người đang "ăn nên làm ra". Anh vui vẻ cho biết, gia đình anh có ba ha cà-phê, năm vừa qua thu nhập hơn 75 triệu đồng; năm nay sẽ lãi không dưới 100 triệu đồng. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh vội bảo: "Gần 50% số hộ trong nông trường có thu nhập như vậy".
Từ khi cây cà-phê chè khẳng định vị thế vững chắc trên vùng đất ba-dan Sông Hinh, cũng là lúc Nông trường cà-phê Ea Bá được Tổng công ty Cà-phê Việt Nam đầu tư xây nhà máy chế biến cà-phê hiện đại, theo công nghệ chế biến ướt của Bra-xin có công suất 80 tấn/ngày. Năm vừa qua, sau khi thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Tổng công ty Cà-phê Việt Nam, đổi tên thành Công ty cà-phê Ea Bá; đơn vị đã đầu tư thêm bốn tỷ đồng mở rộng quy mô nhà máy, nâng công suất lên 150 tấn/ngày nhằm chế biến kịp thời lượng cà-phê thu hoạch ngay trong ngày, bảo đảm cà-phê nhân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Giám đốc Trung cho biết, phương thức thu mua của công ty rất linh hoạt, người dân được ứng tiền trước khi ký gửi và được chọn thời điểm bán cà-phê được giá. Vụ này công ty có hợp đồng thu mua chế biến hơn 8.000 tấn cà-phê tươi, tăng 40% so với năm trước.
Rời những lô cà-phê trĩu hạt mọng đỏ đang đem lại sự sung túc ấm no cho nhiều người dân huyện miền núi Sông Hinh, tôi nhận ra rằng cây cà-phê chè bám rễ vững chắc nơi đây còn nhờ có nhà máy chế biến nằm bên cạnh lo "đầu ra" ổn định tạo thuận lợi cho người dân yên tâm gắn bó với loại cây công nghiệp dài ngày này.