Tuy nhiên, cây quít ở Tràng Định từ nhiều năm qua vẫn trồng theo hướng quảng canh, chưa có sự tác động của khoa học kỹ thuật nên chu kỳ sai quả bấp bênh, năng suất thấp và không ổn định, chất lượng chưa cao. Để khai thác tiềm năng này, các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà nông đang vào cuộc để quy hoạch vùng sản xuất theo hướng hàng hoá, xây dựng các quy trình tuyển chọn, chăm sóc, quản lý chất lượng và đội ngũ lao động tiên tiến.
Thế mạnh cây quýt Tràng Định
Cây quít Tràng Định được trồng nhiều ở các xã Kim Đồng, Tân Tiến, Chí Minh, Chi Lăng, Cao Minh, Đoàn Kết... đem lại giá trị hơn so với các cây ăn quả khác. Quít Tràng Định có 2 dạng: quả quít tròn, vỏ mỏng trung bình, mầu vàng ươm, vị ngọt đậm, trọng lượng quả từ 100 - 150g, được nhiều người ưa dùng nhưng giống này còn rất ít. Loại quả thứ hai có hình tròn dẹt, vị ngọt hơi chua, trọng lượng từ 150 - 200g. Theo các chủ hộ trồng quít tại đây thì giá quít bán tại vườn vào thời điểm cuối tháng 11 dương lịch từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg tại vườn, vào dịp Tết Nguyên đán bán trên 25.000 đồng/kg, trong đó các giống quít khác chỉ bán 8.000 - 10.000 đồng/kg. Quít Tràng Định ở độ tuổi từ 7 đến 10 năm cho năng suất trung bình từ 40 đến 80kg/cây và giá trị đạt 600.000 - 1 triệu đồng/cây; như vậy hiệu quả của cây quít gấp 14 - 15 lần so với trồng cây lúa, cây ngô. Giá trị kinh tế cao như vậy nhưng cây quít chỉ tập trung ở 3 xã Kim Đồng, Tân Tiến và Chí Minh với diện tích trên 60 ha và năng suất hiện tại chỉ đạt 15tấn - 16 tấn/ha. Hiện trạng về quy mô, chất lượng, năng suất... đều thấp là do giống quít Tràng Định hầu hết đều trồng theo phương pháp gieo hạt và chiết cành được trồng "quảng canh" trên sườn đồi, góc vườn.
Ba "Nhà" vào cuộc
Sở Khoa học Công nghệ Lạng Sơn, Viện cây ăn quả Trung ương và Phòng kinh tế huyện Tràng Định đã đi đầu trong việc tìm ra nguyên nhân gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển cây quít Tràng Định thông qua các phương pháp: Lựa chọn bốn mô hình thuộc ba thôn ở xã Kim Đồng, từ đó triển khai các thí nghiệm trên 300 cây quít; phân tích mẫu đất, mẫu quả và tiến hành các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây từ tháng 8/2007 (đúng thời vụ ra hoa kết quả). Các đơn vị trên đã xây dựng vườn nhân giống với hơn 3.000 cây gốc ghép và tổ chức Hội thi tuyển chọn cây quít ưu tú vừa diễn ra ngày 30/11/2007, thu hút 18 thôn bản thuộc 4 xã trung tâm để từ đó chọn ra cây giống tốt làm vật liệu phục vụ cho công tác nhân giống và mở rộng diện tích trồng mới cây quít trên địa bàn huyện Tràng Định.
Theo "nhà khoa học", để phát triển cây quít Kim Đồng, trước tiên phải chọn cây ưu tú để nhân giống, trồng mới, cải tạo vườn tạp và xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao. Nhân giống bằng phương pháp ghép, cây gốc ghép sử dụng giống tại địa phương, mắt ghép lấy từ cây ưu tú để tạo ra giống quýt có sức sinh trưởng tốt, chịu hạn hán, thích nghi trồng trên đất đồi. Đối với "nhà nông", việc tiếp thu, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây quýt thông qua các lớp tập huấn theo quy trình kỹ thuật của Viện cây ăn quả Trung ương. Đối với "Nhà nước", trong tháng 11/2007, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định chính sách khuyến khích và hỗ trợ mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển cây ăn quả tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay ngân hàng thương mại theo thời điểm vay vốn trong thời hạn không quá 10 năm. Như vậy, cây quýt Kim Đồng đặc sản của Tràng Định lại có thêm nhiều điều kiện cần và đủ để bảo tồn giống đặc sản và tiếp tục mở rộng phát triển.