Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su thiên nhiên thế giới tuần 3-7/12: giá giảm
12 | 12 | 2007
Tuần qua, giá cao su thiên nhiên liên tục giảm. Đến cuối tuần, ngày 7/11, cao su kỳ hạn tại Tokyo (TOCOM) hồi phục trở lại mức cao nhất của một tuần, tăng gần 3% so với ngày hôm trước do hoạt động mua đầu cơ sau khi dầu mỏ tăng giá và yên giảm giá, song cao su physical tại các nước sản xuất vẫn tiếp tục xu hướng giảm do nguồn cung tăng lên.
Tại TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 5/08 đạt 273,4 Yên (2,46 USD)/kg, mức cao nhất kể từ 30/11/07.
Hiệp hội Giao dịch Cao su Nhật Bản cho biết dự trữ cao su thô của nước này tính đến ngày 20/11 đã tăng 15% lên 10.298 tấn, so với mức 8.950 tấn ngày 10/11. Dự trữ cao su, thường được thông báo sau 10 ngày, đã tăng ổn định và tăng thêm khoảng 37% kể từ mức thấp nhất trong 2 năm qua là 7.511 tấn ngày 30/9.
Trên thị trường physical, nguồn cung cao su physical từ Thái Lan và Malaysia – hai nước sản xuất lớn thứ nhất và 3 thế giới, đang dần được cải thiện, và do vậy giá mủ cao su đã giảm xuống. Tuy nhiên, khả năng cung cao su ở Indonexia sẽ giảm khi mùa mưa đến - từ nay tới tận tháng 4 năm sau. Mưa ở Indonexia đang làm gia tăng nỗi lo về tình hình nguồn cung của nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới này. Mưa gây khó khăn cho việc thu hoạch mủ cao su ở Indonexia, làm giá mủ tăng trên 5% trong tuần qua, hiện đạt 19.500 Rupiah (2,1 USD/kg) ở đảo Sumatra. Trong khi đó, giá mủ cao su 60% của Thái Lan có giá bán vẫn ổn định ở 1.550 -1.570 USD/tấn. Mùa mưa năm nay ở miền Bắc Sumatra đến sớm hơn mọi năm, bất lợi cho sản lượng cao su, thậm chí còn ảnh hưởng xấu tới quá trình hồi phục của cây cao su sau mùa đông khô hạn. Sản lượng cao su thiên nhiên Indonexia năm 2008 dự báo sẽ vững ở 2,8 triệu tấn như năm 2007, chứ không đạt mục tiêu 2,9 triệu tấn đề ra trước đây, bởi thời tiết thất thường chắc chắn sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp.
Về nhu cầu, Trung Quốc và Trung Đông đang tìm mua cao su. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá giảm, họ giữ thái độ chờ đợi, với hy vọng giá sẽ giảm hơn nữa. Trung Quốc đang cần làm đầy kho dự trữ của mình. Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, đang có mặt trên thị trường cao su thiên nhiên để tìm mua hàng kỳ hạn giao tháng 12/07. Từ nhiều tuần nay, Trung Quốc tìm mua hàng kỳ hạn giao tháng 12, song do nguồn cung khan hiếm nên người bán cũng không có hàng để bán. Họ chỉ muốn bán các hợp đồng kỳ hạn giao tháng 2 và 3/2008. Họ đang tìm mua cao su STR20 của Thái lan với giá khoảng 2,31 USD/kg, C&F, song chỉ có một số ít thương gia có thể bán bởi người bán cũng hy vọng giá sẽ tăng trở lại, trong khi nguồn cung cũng chưa dồi dào.
Ở Thái Lan, thời thiết đang khô dần sau khi mưa lớn kéo dài hồi tuần trước, ngay lập tức thu hút khách hàng tới mua. Song cũng như các thương gia Indonexia, các thương gia Thái Lan chỉ muốn bán hợp đồng kỳ hạn giao tháng 1 và 2/2008 chứ không muốn bán kỳ hạn tháng 12 cho khách hàng Trung Quốc. Nước này đã nhập khẩu 1,35 triệu tấn cao su thiên nhiên trong giai đoạn tháng 1-10/2007, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Thái Lan, Indonexia, Malaysia và Việt Nam. Các hãng sản xuất lốp xe lớn như Bridgestone Corp, Goodyear Tire & Rubber và Michelin cũng đang có mặt trên thị trường để làm đầy kho dự trữ hiện đang còn rất ít của mình. Họ tìm mua hàng giao vào tháng 2/2008. Tuy nhiên, các khách hàng đang trả giá thấp sau khi nhận thấy giá giảm trên thị trường Tocom, Nhật Bản.
Nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới không ngừng tăng do kinh tế tăng trưởng, kéo theo sự phát triển của các ngành ô tô, dược phẩm và máy móc thiết bị. Nhu cầu tăng sẽ tập trung vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.
Ấn Độ đã bỏ qua Thái lan về năng suất sản xuất cao su, với năng suất 1.879 kg/hécta năm 2006. Với mục tiêu tập trung vào phát triển công nghệ, Ấn Độ sẽ có ngành lốp xe phát triển mạnh trong tương lai. Trong khi tiêu thụ cao su trung bình người ở Ấn Độ mới chỉ 0,92 kg thì mức trung bình của thế giới là 3,28 kg và của những nước phát triển là 10-12 kg. Dự kiến đến năm 2020 Ấn Độ sẽ chiếm vị trí thứ 2 thế giới về tiêu thụ cao su, chỉ sau Trung Quốc, và vượt Mỹ. Sản lượng cao su Ấn Độ thập kỷ qua tăng trung bình 4,7%, song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, và kết quả là giá tăng mạnh trên thị trường nội địa gây khó khăn cho các nhà tiêu thụ cao su. Chính phủ Ấn Độ ủng hộ việc kiểm soát giá cao su kỳ hạn mà họ cảm thấy là nhân tố góp phần đẩy giá cả tăng lên trong thời gian qua. Giá cao su tại thị trường Ấn Độ hiện đang được mua bán ở mức 96 rupi/kg, tăng mạnh so với mức 80 rupi/kg cách đây 5 tháng, kết quả là nhập khẩu lốp xe còn rẻ hơn là mua cao su để sản xuất lốp. Hiện Ấn Độ đánh thuế 20% đối với cao su, nhưng chỉ áp thuế 10% đối với lốp xe. Trước tình hình đó, Chính phủ Ấn Độ sẽ sớm công bố kế hoạch trọn gói hỗ trợ người trồng cao su trồng lại 35.000 ha cao su trong vòng 5 năm tới nhằm tăng sản lượng cao su trong nước đồng thời kiềm chế tăng giá cao su.
Giá cao su physical:

Loại
7/12
3/12
Thai RSS3 (2/08)
2,40 USD/kg
2,45 USD/kg
Thai STR20 (2/08)
2,35 USD/kg
2,38 USD/kg
Malaysia SMR20 (2/08)
2,36 USD/kg
2,40 USD/kg
Indonesia SIR20 (2/08)
1,04 USD/lb
1,06 USD/lb



Nguồn: vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường