Tại Việt Nam, giá chỉ đạo gạo xuất khẩu cũng tăng lên do nguồn cung khan hiếm. Lệnh cấm ký hợp đồng xuất khẩu mới tiếp tục được duy trì để đảm bảo đủ gạo thực hiện những hợp đồng đã ký với Indonexia và Philippine. Khả năng lệnh cấm ký hợp đồng xuất khẩu mới sẽ kéo dài tới tháng 2 năm tới, khi nguồn cung tăng lên.
Tuy bước vào vụ thu hoạch chính song phải đến cuối tháng 12 thóc gạo vụ mới của Thái Lan mới thực sự có mặt nhiều trên thị trường. Nhu cầu gạo Thái lan tiếp tục tăng lên do thiếu vắng những nguồn cung khác như Ấn Độ hay Việt nam. Nhu cầu mạnh và cung khan hiếm đẩy giá tăng lên. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đồ từ 2 tháng trước khiến khách hàng truyền thống của Ấn Độ phải tìm tới Thái lan để mua loại gạo này. Song nguồn cung ở Thái lan cũng đang lâm vào tình trạng khan hiếm. Dự kiến cung gạo Thái lan sẽ tăng lên vào cuối tháng 12, khi thu hoạch cao điểm. Hầu hết các nhà xuất khẩu đã nhận hợp đồng xuất khẩu tới tận đầu 2008, nên không muốn ký thêm hợp đồng mới vào lúc này. Các nhà xuất khẩu đang chờ đợi chính phủ bán gạo dự trữ ra để giảm sức ép về nguồn cung khan hiếm. Xuất khẩu gạo Thái Lan từ ngày 1/1 đến 30/11/2007 tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8,42 triệu tấn. Riêng trong tháng 11 xuất khẩu tăng 72% đạt 1,14 triệu tấn. Khả năng xuất khẩu trong cả năm nay sẽ vượt 9 triệu tấn, trị giá khoảng 3,4 tỷ USD.
Chương trình can thiệp giá thóc vụ chính niên vụ 2007/08 (1/11/07 đến 29/2/08) của Thái lan không hiệu quả bởi giá trên thị trường trong nước cao hơn so với giá can thiệp của chính phủ. Chính phủ đặt ra giá thóc trắng là 6.600 Baht/tấn, và giá thóc hương nhài là 9.000-9.300 Baht/tấn, song giá thóc trên thị trường nội địa còn cao hơn, cụ thể giá thóc trắng là 7.200-7.500 Baht/tấn, còn giá thóc hương nhài là 9.600-9.700 Baht/tấn.
Sản lượng gạo của Hàn Quốc năm 2007 dự kiến sẽ ở mức thấp nhất trong 27 năm qua, 4,41 triệu tấn, giảm 5,8% so với 4,68 triệu tấn của vụ mùa năm ngoái, do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Mức thấp kỷ lục của sản lượng gạo Hàn Quốc là 3,55 triệu tấn vào năm 1980.
Phó Tổng thống Inđônêxia Jusuf Kalla tuyên bố rằng năm 2008 Chính phủ nước này sẽ không nhập khẩu gạo vì sản lượng gạo trong nước đã tăng. Tuy nhiên, ông cho hay chính phủ có thể vẫn cho phép nhập khẩu khoảng 1-1,5 triệu tấn gạo một năm để ngăn chặn giá gạo trong nước tăng. Đến nay, chính phủ Inđônêxia cũng đã hỗ trợ nông dân 110 triệu USD để mua lúa giống
Philippine có thể nhập khẩu 1,5-2 triệu tấn gạo năm 2008 nhằm đáp ứng nguồn cung cho thị trường nội địa. Hiện Bộ Nông nghiệp Philippine chưa đưa ra số liệu dự báo chính thức, nhưng khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra nếu căn cứ vào triển vọng cung cầu năm tới. Trong trường hợp sản lượng gạo năm 2007 của Philippine có thể đạt mức dự báo của Bộ Nông nghiệp, khoảng 16 triệu tấn thóc, tương đương với 9,6 triệu tấn gạo, thì nguồn cung vẫn có khả năng thiếu hụt tới 2 triệu tấn do nhu cầu tiêu thụ nội địa ước đạt 11,6 triệu tấn. Là nước nhập khẩu gạo lớn tại châu Á, Philippine có thể sẽ nhập khẩu tới 1,87 triệu tấn gạo trong năm nay, chủ yếu từ Việt Nam. Philippine đặc biệt chú trọng nhập khẩu gạo để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường trong các tháng giáp vụ (tháng 7-9/07).
Theo Bộ Nông nghiệp Philippine, mưa do những cơn bão gây ra ở nước này có thể sẽ có lợi cho sản xuất lúa gạo của họ trong năm tới, bởi những cơn bão Hagibis và Mitag đã đem lại đủ nước cho các hồ chứa ở Magat và Pantabangan - những hồ chứa nước ở các tỉnh trồng lúa chính của miền bắc Philippine. Năm nay, hai cơn bão này đã gây thiệt hại cho mùa màng ở Philippine ước khoảng 109,7 triệu Peso (2,5 triệu USD), trong đó riêng lĩnh vực lúa gạo thiệt hại khoảng 56,8 triệu Peso.
Diễn biến giá gạo
| Loại | 6/12 | 28/11 |
Gạo Việt nam | 5% tấm | 355 USD/tấn | 325 USD/tấn |
Gạo Thái lan | 100% B | 365-372 USD/tấn | 370 USD/tấn |
| 5% | 355-363 USD/tấn | 359 USD/tấn |