Sau 11 năm đàm phán, thương lượng với nổ lực đầy quyết tâm để gia nhập WTO, ngày 7 tháng 11 năm 2006 Việt Nam đã chính thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Ký kết các Hiệp định khu vực và song phương cùng với việc trở thành thành viên của WTO đã đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Phía trước là cả một con đường rộng thênh thang nhưng đầy thử thách cho sự phát triển kinh tế đất nước nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Đảng, nhà nước và toàn bộ lực lượng xã hội đã không lưỡng lự trước ngã ba lịch sử mà chúng ta đã lựa chọn con đường tiến lên cùng nhân loại. Ai cũng biết rằng cơ hội sẽ đến nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực, lựa chọn các quyết sách thông minh. Và cũng được cảnh báo rằng sẽ có nhiều thách thức, chướng ngại, rủi ro chờ đợi chúng ta ở phía trước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Cơ hội tiềm năng đã có, rủi ro đang rình rập, vậy làm thế nào để chúng ta biến cơ hội tiềm năng thành hiện thực và khai thác tối đa lợi ích của nó, đồng thời hạn chế đến mức tối thiểu những nguy cơ. Để dóng góp tiếng nói, đóng góp ý tưỏng cho các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý nông nghiệp nông thôn, trên diễn đàn đối thoại chính sách trên trang thông tin điện tử của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, chúng tôi nêu lên một số câu hỏi lớn cần những đề xuất về phương diện xây dựng chính sách thể chế, rất mong được sự trao đổi, chia sẻ của các diễn giả, đọc giả:
1. Chúng ta cần hoàn thiện và xây dựng những chính sách mới gì để hài hoà hoá và hợp chuẩn chính sách nông nghiệp và nông thôn phù hợp với khuôn khổ và chuẩn mực quốc tế?
2. Cần có những chính sách gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam, của các doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn và của các ngành hàng nông lâm sản, đặc biệt là các ngành hàng nông lâm sản chủ lực? Hay nói một cách khác là cần có những chính sách và cơ chế gì để thúc đẩy sự phát triển của ngành, của doanh nghiệp của sản phẩm ngành nông nghiệp, nông thôn?
3. Liệu chúng ta có phải điều chỉnh lại các định hướng chiến lược phát triển trong cơ cấu ngành nông lâm nghiệp không? Nếu có chiến lược điều chỉnh đó là gì, thể chế chính sách gì để khuyến khích sự điều chỉnh này?
4. Chúng ta cần có cơ chế và chính sách gì để tận dụng và khai thác triệt để các qui định, các công cụ của WTO nhằm bảo vệ và hỗ trợ nền nông nghiệp và nông thôn nước ta trước sự cạnh tranh của nông sản thế giới? Các biện pháp và công cụ này đương nhiên là phù hợp với qui định của Wto và cam kết của nước ta khi gia nhập.
5. Gia nhập WTO và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra xu thế phân công lại các ngành, phân công lại lao động xã hội và phân công lại nguồn lực. Sự phân công này diễn ra theo cơ chế thị trường, không phải tác động trực tiếp bằng điều tiết hành chính. Vậy nhà nước chúng ta phải dự báo như thế nào và chuẩn bị các chính sách gì để tạo môi trường chu chuyển, vận động của lao động và nguồn lực một cách thuận lợi nhất?
6. Chúng ta cần đón đầu nghiên cứu xây dựng chính sách an sinh xã hội gì để hạn chế các tổn thương khi các tầng lớp dân cư, các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của việc gia nhập WTO gây nên?
Diễn đàn rất mong được sự chia sẻ, nhận được sự trao đổi và đóng góp nhiều ý tưởng và gợi ý chính sách cụ thể để cùng góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn nước nhà.
Gia nhập WTO , Cơ hội thách thức