Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau an toàn Phước Hải - sản phẩm thiếu đầu ra
28 | 12 | 2007
Từ năm 2004 đến nay, nhờ chuyên canh sản xuất rau an toàn (RAT), Hợp tác xã Phước Hải (xã Tân Hải huyện Tân Thành) trở thành vùng sản xuất RAT đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, nhiều mô hình sản xuất RAT đã được áp dụng như: sản xuất rau trong nhà lưới, giàn leo trồng rau ăn quả, sản xuất rau hữu cơ trong nhà màng...Tiêu chuẩn sạch và chất lượng bảo đảm là yếu tố hàng đầu của HTX sản xuất RAT Phước Hải. Nhờ đó sản phẩm RAT của Phước Hải đã được nhiều người tiêu dùng biết đến.
* Nguồn lợi lớn
Hiện nay, xã Tân Hải có 8 ha đất trồng RAT trong tổng số 115 ha đất trồng rau của xã. Đất trồng RAT với thành phần chủ yếu là đất thịt nhẹ pha cát, tơi xốp dễ trồng. Nguồn nước ngầm tự nhiên dồi dào, trong sạch không bị nhiễm kim loại. Với diện tích trên, trung bình một ngày xã Tân Hải có thể cung cấp cho thị trường 7-10 tấn RAT đủ các loại như: Rau ăn lá, rau ăn quả, rau gia vị, đặc biệt là rau mầm hữu cơ được coi là loại rau hiếm... Đó là chưa kể tới một số loại rau có nguồn gốc ôn đới cũng được trồng tại đây có năng suất và chất lượng không thua kém so với các loại rau nhập từ Đà Lạt (súp lơ, su hào...).

Theo tính toán của người dân trồng rau ở xã Tân Hải, nếu trồng rau ăn lá: cải ngọt, cải xanh, tần ô... cứ khoảng 25-27 ngày là cho thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa với năng suất 20-25 tấn/ha. Giá bán bình quân 1.500 đồng/kg, mỗi năm người dân có thể thu về 300-400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 30 lần so với trồng lúa. Theo những người trồng rau nơi đây cho biết, hiện xã Tân Hải có dư điều kiện để mở rộng diện tích đất trồng RAT, đủ cung cấp cho toàn tỉnh sử dụng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là do chưa có sự phân biệt “minh bạch” giữa RAT và rau thông thường trên thị trường nên việc tiêu thụ RAT rất khó khăn. Với sản lượng 7-10 tấn/ ngày, nhưng RAT của HTX Phước Hải chỉ mới cung cấp ổn định cho một số đơn vị như: suất ăn công nghiệp 848- Rạch Dừa; nhà máy thép Phú Mỹ, với giá khá ổn định, còn lại được thương lái mua tại vườn và đưa đi nhiều khu vực khác tiêu thụ, dù sản phẩm RAT nơi đây đã được đóng gói và đăng ký mã vạch.

* Làm thế nào để khách hàng tìm đến RAT

Người tiêu dùng được coi là nhân tố quyết định đến sự phát triển vùng RAT. Dù hàng tốt đến cỡ nào đi nữa mà không có người mua thì vẫn là thất bại. Làm thế nào để người tiêu dùng tìm đến RAT không phải chuyện đơn giản. Người đi chợ thường "quen hàng, quen giá", chỉ cần những thay đổi nhỏ như không tiện đường, giá hơi cao... đều làm cho họ ngại đến với quầy RAT. Bà Nguyễn Thị Phương, một xã viên HTX Phước Hải phân trần: "Giá RAT cao hơn rau thường, nhưng cũng chỉ cao hơn 15-20%. "Tiền nào của nấy", rau trồng bằng phân tươi, phân rác, chăm bón trực tiếp, hay trồng theo công nghệ siêu tốc dùng chất kích thích một tuần một lứa, thì giá thành và cả giá bán thấp hơn RAT trồng trong điều kiện tưới nước sạch, trừ sâu bằng thuốc vi sinh là lẽ đương nhiên.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Tân Hải cho biết: "Để có được sản phẩm rau an toàn, chúng tôi áp dụng quy trình quản lý và kiểm soát toàn diện từ khâu sản xuất cho đến lúc đưa ra thị trường. Đối với bà con xã viên, mỗi lần gieo trồng phải có phiếu ghi rõ loại, giống, ngày tháng gieo, sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào? Từ đó ban Chủ nhiệm HTX nắm được ngày thu hoạch của từng hộ, người trồng rau sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Chi phí trồng RAT cao hơn cho nên nếu không ký được những hợp đồng tiêu thụ lớn, phải bán trôi nổi trên thị trường thì không có lãi. Như thế dễ dẫn đến tình trạng bà con xã viên quay trở về với cách trồng rau truyền thống".

Mặt khác, theo ý kiến của người tiêu dùng: để phát triển RAT, thì từ khâu sản xuất cho tới khâu tiêu thụ phải nhắm vào số đông, đó là những người hàng ngày mua rau ở chợ phổ thông chứ không phải nhắm vào số ít những người thường đi siêu thị. Muốn thế, người sản xuất RAT phải tìm nơi bán RAT thuận tiện cho người mua. Đó là các trung tâm buôn bán đông người, các chợ lớn nên có những cửa hàng bán rau củ, quả sạch, mỗi sản phẩm khi bán ra đều có bao bì ghi rõ nơi sản xuất. Có như thế, RAT mới đến gần với người tiêu dùng hơn.





Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường