Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp Việt: Hãy mang chuông đi đánh xứ người!
02 | 01 | 2008
Khi cuốn lịch trên tường báo hiệu đã bước sang tháng cuối cùng của một năm, cũng là lúc doanh nhân trên toàn thế giới rộn rịp chuẩn bị cho đợt bán hàng cao điểm đón chào năm mới. Dè dặt bước ra "biển lớn", DN Việt vẫn có thể hoàn toàn tự tin với những hàng hóa chất lượng cao, giá thành hạ, và quan trọng nhất là những sản phẩm đặc trưng, phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới.

Không chỉ các doanh nghiệp, cửa hàng, thương nhân... mà kể cả người tiêu dùng cũng náo nức đón chờ, bởi một lẽ đơn giản: đây là mùa “hạ giá”, “đại hạ giá”, có thể mua được “hàng hiệu” với giá rẻ, thậm chí là...cực rẻ!

Điều quan trọng với các doanh nhân đó là dịp “cộng sổ cuối năm”, giải quyết lượng hàng tồn kho của năm cũ, chuẩn bị để tung ra những mẫu mã mới, giao lưu để thu hút khách hàng qua việc quảng bá thương hiệu, chuẩn bị kế hoạch cho một mùa kinh doanh của năm mới…

Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, hàng hóa Việt Nam đã bước đầu thâm nhập thị trường thế giới, ví dụ như thị trường Trung Đông, và đạt những kết quả tốt. Hàng mây tre đan, quần áo thể thao, bóng đèn phích nước Rạng Đông... đã “có mặt” ở các nước trong khu vực và được đánh giá cao. Đã có thương nhân Ai Cập “phàn nàn” một cách... đáng yêu - nghe mà “mát lòng mát dạ” - rằng: “Người Ai Cập bây giờ mắc nghiền hạt tiêu Việt Nam mất rồi! Tôi chào các loại hạt tiêu khác, nhưng họ chỉ đòi hạt tiêu Việt Nam thôi!”.

Ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE), người sở tại rất khoái mì ăn liền, sốt cà chua (ketchup), thậm chí còn đặt mua cả tủ sắt đựng hồ sơ tài liệu cho các văn phòng. Tôi đã lang thang ở các siêu thị Kuwait (thủ đô Kuwait có 7 siêu thị lớn, mở cửa 24/24 giờ, vì lẽ nóng quá; bởi thế sang đây đi siêu thị lúc 2, 3 giờ sáng là chuyện bình thường), thấy những chậu trồng hoa, trồng cây cảnh của Việt Nam xếp từng chồng cao ngất, và bán rất chạy.

Một mặt hàng mà có lẽ không ai ngờ tới, đó là đất màu trồng cây, đóng thành từng bao 20, 30 kg, bán chạy như... tôm tươi! Có chuyện độc đáo đó vì Kuwait là xứ sa mạc, nóng kinh khủng (mùa hè có lúc lên tới trên 50 độ C). Bởi thế, hầu như mọi trụ sở, nhà ở... đều phải có hàng chục chậu cây xanh ở trong nhà, hành lang... cây thì nhập được, chậu trồng cây cũng nhập của Việt Nam, nhưng xung quanh toàn cát là cát, lấy đâu ra đất để đổ vào chậu? Vậy là một công ty của Việt Nam xuất khẩu... đất màu, trộn thêm một ít phân vi sinh, và có lúc... không kịp cung cấp đủ!

Một lợi thế nữa của Việt Nam là xuất khẩu lao động. Đặc điểm chung của các quốc gia ở khu vực này (trừ Ai Cập) là thiếu lao động ghê gớm. Vào các cơ quan của bạn, có thể thấy cả đến cấp trưởng, phó phòng... cũng là người nước ngoài (Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ...). Vì thế, tại Kuwait, đã có lúc có tới hơn 2.000 lao động Việt Nam chủ yếu trong ngành xây dựng, ở Dubai có cả lao động Việt Nam làm bảo dưỡng máy lạnh, quạt điện và phục vụ trong các khách sạn 5 sao. Chuyến thăm chính thức vừa qua của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tới các quốc gia Qatar, Bahrain, Oman đều được bạn đặt vấn đề đưa lao động Việt Nam sang làm việc, với số lượng khá lớn.

Nhưng nhìn chung, các doanh nhân VN chưa khai thác được nhiều vào các thị trường đầy tiềm năng này. Tôi sang Israel, tận mắt thấy rất nhiều lao động Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ... nhưng chưa có lao động Việt Nam. Từng là đại sứ của Việt Nam ở khu vực Trung Đông, tôi xin có một vài góp ý với các DN nước ta khi có ý định vào khu vực này:

1. Muốn thâm nhập một thị trường mới lạ, việc đầu tiên và hết sức quan trọng là việc khảo sát, tìm hiểu thị trường.

Chuyện này nêu lên, có lẽ cũng “xưa như trái đất”, nhưng trong thực tiễn, việc khảo sát thị trường Trung Đông của chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Dù cho các cơ quan đại diện, thương vụ các nơi có gửi về hàng xấp tài liệu giới thiệu, hàng trăm bản fax thì theo tôi cũng không thể đầy đủ dữ liệu cho một giám đốc công ty, không thể thay thế cho một chuyến đi “trăm nghe không bằng một thấy” của người trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Việc khảo sát không chỉ gói gọn trong các thủ tục, qui định của nước sở tại (thuế má ra sao, phí vận chuyển, giới thiệu, bảo quản như thế nào...) mà tôi nghĩ rằng còn phải tìm hiểu về nền văn hóa, phong tục tập quán của các “thượng đế” mà ta muốn bán hàng.

Một ví dụ nhỏ: quần áo của các tầng lớp giàu nghèo ở đây ra sao? Tại sao ở xứ sa mạc, nhiệt độ mùa hè trên dưới 50 độ C, nhưng người ta lại rất thích quần áo sặc sỡ với những gam màu nóng? Bản thân tôi đã tổ chức, mời đón và tiếp nhiều DN từ TP.HCM sang dự các hội chợ quốc tế và khảo sát thị trường Trung Đông. Nhiều người đã thành thực phát biểu: “Thế mà tôi cứ tưởng... tôi cứ nghĩ...”. Những chuyến đi khẩn trương, làm việc và tìm hiểu “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” đạt kết quả rất tốt.

Đã có những DN sau chuyến khảo sát, đã có tới 5 lần sang dự hội chợ và xuất khẩu hàng hóa - mà đó là DN ngoài quốc doanh, (nếu không đạt lợi nhuận cao thì chắc chẳng ai đi lần thứ 2!).

Chắc chắn đi khảo sát có tốn kém, nhưng ông bà mình đã tổng kết, nếu không “thả con săn sắt” thì làm sao “bắt được cá rô”?

2. Hầu hết mọi hàng hóa ở đây là nhập khẩu, vì các quốc gia này có nguồn vốn “trời cho” hết sức phong phú, đó là dầu mỏ. Bởi thế, đây là một thị trường hấp dẫn, có đủ mặt các “đại gia” trên thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Mỹ và cả các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines...

Điều tất yếu diễn ra là một cuộc cạnh tranh quyết liệt về giá cả và chất lượng. Ta là người đến sau, là “lính mới”, nên chắc chắn không thể chào giá cao hơn so với các nước kể trên. Liệu trong cuộc chơi này, các DN Việt Nam có thể so tài về giá cả và chất lượng? Câu trả lời là “được” bởi thực tế đã có những hàng hóa “made in Vietnam” vào đây, như đã kể ở phần trên.

Trong một kỳ hội chợ quốc tế Dubai, cùng “so tài” với 32 quốc gia khác, mà gian hàng Việt Nam bán hết hàng đầu tiên, thậm chí còn “thuê” lại luôn cả gian hàng của một nước khác kề bên để bày hàng ra bán!

3. Ai Cập được mệnh danh là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại thời cổ đại. Kuwait là một trong ba trung tâm tài chính lớn của khu vực (gồm Kuwait, Beirut của Lebanon, Cairo của Ai Cập). Dubai là khu vực tự do thương mại của cả khu vực, có hạ tầng cơ sở rất hiện đại (cảng biển, đường giao thông...). Điều đáng rút ra ở đây là các DN của bạn có truyền thống buôn bán từ rất lâu, rất “siêu” về kỹ thuật buôn bán, thương mại, tài chính. Trong khi đó, các DN Việt Nam mới chỉ biết “sơ sơ” về thị trường này. Phải nhìn thẳng vào điều đó để định hướng tìm hiểu, khảo sát một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Ngoài ra không có cách nào khác cả!

Còn nhiều điều đáng bàn, đáng quan tâm về thị trường này, kể từ hàng hóa tiêu dùng đến lao động xuất khẩu, nhưng chỉ xin nêu những vấn đề “cơ bản” nhất, ai cũng biết nhưng ít người chịu làm, chịu đi (và cả chịu chi). Xin đừng quên là “thế giới Ả Rập” có trên 230 triệu người, và là những “đại gia” về vốn, về tài nguyên dầu mỏ. Lang thang trong các “đại siêu thị” Kuwait, Dubai 7,8 tầng lầu rộng mênh mông, bạn có thể thấy họ phải nhập khẩu từ cái tăm xỉa răng đến những chiếc nhẫn kim cương, còn hàng sản xuất trong nước hầu như... chẳng có gì cả.

Vậy mà ở trong nước, ta cứ ngồi than thở với nhau là “không có đầu ra”! Vấn đề cốt lõi là các DN của ta có mạnh dạn “xông” vào không (mà những năm qua, đã có những người “xông” vào rồi, và chưa một ai phàn nàn về thị trường này cả).

Nguyễn Lê Bách (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, Israel, Kuwait, Syria và Palestine)



Theo vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường