Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản nuôi
05 | 01 | 2008
Trước mối quan ngại ngày càng gia tăng về chất lượng và an toàn thủy sản, ngày 27/12/2007, Trung Quốc thông báo sẽ đưa ra các tiêu chuẩn mới cho ngành này, trong đó có một số biện pháp nhằm nâng cao an toàn sản phẩm và chống lại việc sử dụng thuốc thú y bất hợp pháp.
Bộ Nông nghiệp cho biết, các tiêu chuẩn mới sẽ bao gồm 100 hạng mục, từ nuôi trồng, sản xuất thủy sản đến việc ngăn chặn dịch bệnh và kiểm soát thuốc kháng sinh.
Quyết định được thông báo lần đầu tại hội nghị thủy sản ở Bắc Kinh ngày 31/12, là động thái mới nhất đối với vấn đề an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo với người tiêu dùng trong nước và các nhà nhập khẩu thực phẩm Trung Quốc rằng sản phẩm của họ an toàn và lành mạnh.
Năm nay, Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi một loạt vụ tiêu hủy sản phẩm do vấn đề an toàn như kem đánh răng, thức ăn cho vật nuôi nhiễm khuẩn và đồ chơi có chì.
Ngành thủy sản Trung Quốc còn bị ảnh hưởng do việc Mỹ cấm nhập khẩu một số thủy sản của Trung Quốc, trong đó có cá chình và cá rôphi từ tháng 6, sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông báo số thủy sản Trung Quốc bị phát hiện có dư lượng thuốc thú y bị cấm ngày càng gia tăng.
Trước tình hình đó, Trung Quốc đã đưa vào danh sách đen một số công ty xuất khẩu thủy sản, đóng cửa một số công ty khác và tiến hành thanh tra các nhà máy chế biến thủy sản trên toàn quốc. Chiến dịch này của chính phủ có thời điểm rất quyết liệt nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Việc quản lý ngành thủy sản Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Nước này có hơn 14 triệu trại nuôi thủy sản và hàng nghìn nhà máy chế biến thủy sản.
Thực tế, từ khi Mỹ thông báo việc cấm nhập khẩu một số thủy sản của Trung Quốc, FDA vẫn tiếp tục từ chối các lô thủy sản của các nhà sản xuất Trung Quốc đã từng xuất những lô hàng có hàm lượng cao dư lượng kháng sinh cấm.
Ví dụ năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã cấm Công ty thực phẩm Fuqing Weilong xuất khẩu thủy sản sang Mỹ do trốn kiểm dịch và kiểm tra. Nhưng theo báo cáo từ chính phủ Mỹ, trong tháng 10 và tháng 11/2007, công ty đã xuất sang Mỹ cá chình nướng đông lạnh có kháng sinh và thuốc trừ sâu cấm.
Các công ty khác nằm trong danh sách cấm cũng vẫn xuất được thủy sản sang Mỹ. Một số công ty Trung Quốc đã bị cấm xuất khẩu nhưng đôi khi vẫn xuất qua trung gian hoặc qua các công ty ít hoặc không sản xuất thủy sản. Theo thống kê mới nhất của FDA, công ty Wenzhou Xinxin Sunglasses Company ở tỉnh Chiết Giang đã bị trả lại lô hàng tôm hùm đông lạnh bị nhiễm bẩn. Nhưng ông Fang Changqing, giám đốc phụ trách xuất khẩu của công ty này đã phủ nhận việc công ty kinh doanh thủy sản.
Tuy nhiên, để cải tiến các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh, Trung Quốc còn phải nỗ lực nhiều trong việc cải cách cách thức sản xuất thủy sản.
Nhiều người nuôi thủy sản Trung Quốc thừa nhận rằng họ đã sử dụng kháng sinh cấm trong những năm qua để chống dịch bệnh và tăng tỷ lệ sống cho thủy sản nuôi nhằm thu lợi nhuận cao hơn.
Chính phủ Trung Quốc và các quan chức ngành thủy sản khẳng định rằng việc sử dụng kháng sinh đang giảm đi; họ cho rằng Mỹ và Nhật áp dụng kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ một phần là để bảo vệ ngành thủy sản của họ trước sự cạnh tranh của nước ngoài, nhất là các nước Châu Á như Trung Quốc.
Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới với gần 9 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2006. Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng mạnh trong thập kỷ qua, một phần do nước này sử dụng lao động giá rẻ trong nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Năm nay, Trung Quốc sản xuất được khoảng 54 triệu tấn thủy sản, nhiều hơn cả tổng sản lượng năm 2006 của 9 nước sản xuất lớn tiếp theo. Mỹ chỉ sản xuất được 5 triệu tấn thủy sản/năm.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cho biết năm nay tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1999, mặc dù sản lượng tăng cao kỷ lục.
Nuôi trồng là lĩnh vực chi phối ngành thủy sản lớn mạnh của Trung Quốc, nhưng do phần lớn nguồn nước của nước này bị ô nhiễm nặng bởi chất thải sinh hoạt, chất thải của ngành nông nghiệp và các nhà máy nên các nhà sản xuất thủy sản thường trộn thuốc thú y cấm với thức ăn thủy sản để khắc phục. Các chuyên gia cho rằng, những tồn tại về môi trường của nước này có liên quan chặt chẽ đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Một số chuyên gia chỉ trích Trung Quốc quản lý ngành nuôi trồng quá lỏng lẻo. Nhưng tuần qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường thực thi luật của ngành này, trong việc sử dụng giấy chứng nhận, giấy phép sản xuất và bán thuốc kháng sinh có kiểm soát. Chính phủ cũng cho biết họ sẽ nỗ lực để tạo ra một mô hình sản xuất thủy sản thân thiện với môi trường.


Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường