Tại cuộc tham vấn chính sách về đầu tư nước ngoài của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Diễn đàn về Thương mại và Đầu tư của Liên hợp quốc (UNCTAD) tổ chức mới đây tại Hà Nội, một lần nữa những vấn đề cam kết của Việt Nam lại được “xới lên” bởi rất nhiều các chuyên gia kinh tế đến từ các tổ chức quốc tế.
Trần hay sàn?
Đại diện của Dự án Star Việt Nam đề cập đến một thực tế: trong quá trình Chính phủ Việt Nam thực thi các cam kết WTO, luôn luôn có hai luồng suy nghĩ: WTO là trần hay sàn. Rất nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam nói rằng WTO là công cụ để đạt được mục đích phát triển, WTO không phải là mốc trần. Tuy nhiên, trong thực tế, trước những vấn đề gì quy định không được làm, những gì trái với điều ước quốc tế mà không có hướng dẫn, thì đương nhiên trong quá trình thực thi chính sách các cam kết của WTO, một số cơ quan ở cấp thấp hơn lại thường hiểu và căn cứ theo mức trần.
Chuyên gia của dự án Star đã cho biết kinh nghiệm quốc tế của việc mở cửa thị trường, phát triển kinh tế. Theo chuyên gia này thì “nên xem cam kết WTO trong bối cảnh rộng để làm sao tận dụng được các cơ hội do WTO mang lại, thay vì gò bó để tự chúng ta lại buộc chân chúng ta”.
Theo đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, không thể kỳ vọng rằng các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ phù hợp cho tất cả các thời kỳ, cho mọi tình huống. Nhất là khi tới đây, lĩnh vực dịch vụ đang được coi là điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam.
“Theo tôi, các cam kết với WTO nên được coi là cam kết sàn để tạo nên sự phấn khích của giới đầu tư về khả năng thực hiện cao hơn cam kết của Việt Nam. Nếu như vậy, Chính phủ cũng cần phải chuẩn bị năng lực để xây dựng hệ thống chính sách phù hợp, đảm bảo nguồn vốn vào được và phát huy hiệu quả”, vị đại diện này phân tích.
Thực ra, ngay từ thời điểm Việt Nam vừa gia nhập WTO, vấn đề trần hay sàn trong cam kết WTO đã là một chủ đề nóng, gây tranh luận giữa các địa phương, giữa các bộ ngành. Khi đó, việc thực thi ở một số địa phương khá bất đồng, có nơi coi cam kết là sàn, có nơi cho đó là trần.
Phát biểu với báo giới về thực tế này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng vấn đề vẫn là ở chỗ có những cách hiểu khác nhau về khái niệm “mở” và “đóng”. Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã phải tính rất kỹ đến những tác động đối với nền kinh tế, khả năng cạnh tranh các doanh nghiệp trong nước trước khi đưa ra lộ trình mở cửa thị trường của mình.
“Tất nhiên, nói như vậy không phải chúng ta sẽ cứ cứng nhắc theo đúng cam kết. Cam kết mở cửa thị trường khi gia nhập WTO là giới hạn tối đa cho việc mở cửa và căn cứ vào tình hình thực tế, sẽ có những lĩnh vực chúng ta có thể mở cửa sớm hơn so với lộ trình đã cam kết. Và “mở” lúc đó sẽ thật sự là mở, không phân biệt đối xử với bất kỳ đối tác, nhà đầu tư nào”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đưa ra những dẫn chứng và hướng giải quyết cụ thể, ông Võ Trí Thành, Trưởng ban nghiên cứu chính sách Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: đối với thuế quan, Việt Nam đưa ra cam kết trần song hoàn toàn có quyền thực hiện thấp hơn nhưng phải theo nguyên tắc MFN.
Ví dụ, Việt Nam cam kết mức thuế của thép 40% nhưng có thể thực hiện 25% và như vậy bất kỳ nước nào xuất khẩu thép vào Việt Nam cũng chỉ chịu thuế 25%. Điều đó cho thấy Việt Nam có toàn quyền quyết định, vấn đề đặt ra ở đây chỉ còn là phân tích mức thuế nào có lợi cho các ngành kinh tế Việt Nam để áp dụng.
Cũng như vậy, trong lĩnh vực dịch vụ, Việt Nam cam kết sàn nên hoàn toàn có thể tăng mức độ mở cửa một số lĩnh vực dịch vụ nếu cần nhưng vẫn phải theo nguyên tắc MFN. Ông Thành cho rằng nếu làm được như vậy thì Việt Nam hoàn toàn thực hiện đúng các cam kết WTO nhưng lại vẫn tương thích với các cam kết khác.
Song phương hay đa phương?
Mức độ cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và sự tương thích với các hiệp định song phương mà ông Thành đề cập ở trên đang đặt ra không ít thắc mắc cho các nhà đầu tư. Các cam kết song phương nhiều khi thông thoáng hơn, ít hạn chế hơn so với cam kết trong WTO.
Ông Jonathan Pincus, điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam bình luận: Việt Nam đã ký khoảng 48 hiệp ước song phương và những cuộc thảo luận về tác động của các thoả thuận song phương có ảnh hưởng đến các hoạt động trong khuôn khổ đa phương đang được các nhà đầu tư quan tâm.
“Khi ký kết các hiệp định song phương thường có xu hướng đối tác song phương đó sẽ được hưởng những ưu đãi hơn so với cam kết đa phương. Vì vậy, việc xem xét các hiệp định song phương và các tác động của nó đối với hiệp định đa phương là hết sức cần thiết”, ông Pincus nhấn mạnh.
Với cách nhìn nhận của chuyên gia nghiên cứu về chính sách đầu tư của Việt Nam và cũng là tác giả của bản báo cáo đánh giá về chính sách đầu tư của UNCTAD, ông Quentin Dupriez khẳng định: trên thực tế, phần lớn những hiệp định song phương liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông, trong các hiệp định song phương Việt Nam đã ký kết không có quy định cụ thể liên quan đến vệc lĩnh vực nào mở cửa cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài và lĩnh vực nào không cho phép. Cho nên phần lớn không có xung đột hay mâu thuẫn với những hiệp ước đa phương mà Việt Nam đã ký kết và cũng đảm bảo được nguyên tắc đãi ngộ quốc gia và tối huệ quốc. “Những hiệp ước về đầu tư song phương thực chất cung cấp thêm tầng bảo vệ nữa cho các nhà đầu tư từ quốc gia đối tác đó”, ông Quentin Dupriez chỉ rõ.
Giải thích chi tiết hơn, ông Quentin Dupriez cho biết: các hiệp định song phương mà Việt Nam đã ký kết về đầu tư có 3 loại. Thứ nhất là các hiệp định đầu tư song phương nhằm bảo vệ và xúc tiến đầu tư. Trong đó không có quy định cụ thể liên quan đến việc xem lĩnh vực nào được đầu tư và lĩnh vực nào không được đầu tư. Việt Nam đã ký kết hiệp định loại này với rất nhiều nước.
Thứ hai là hiệp định tránh đánh thuế hai lần nhằm đảm bảo cho luồng đầu tư được suôn sẻ và trôi chảy. Thứ ba là các hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA), trong đó có một hợp phần liên quan đến việc thúc đẩy đầu tư cũng như giải quyết các tranh chấp đầu tư.
Khẳng định không xảy ra tình trạng xung đột giữa cam kết song phương và đa phương của Việt Nam, song chuyên gia của UNCTAD cũng lưu ý rằng Việt Nam phải chứng tỏ cho các nhà đầu tư thấy rằng Việt Nam có những cam kết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và có những chính sách cụ thể để kiểm soát những vấn đề có thể kìm hãm việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Muốn có những chính sách đó thì trước tiên Việt Nam phải xác định được đâu là vấn đề tồn tại, vướng mắc. Chính sách đầu tư phải thiết thực, không ban hành chính sách với mục đích chỉ để ban hành mà phải đảm bảo nó thực sự đi vào cuộc sống và phải xem xét bối cảnh đang diễn ra xung quanh. Làm như vậy Việt Nam mới có thể huy động vốn đầu tư hiệu quả để chuyển lên một nấc thang mới của sự phát triển.