Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh nghiệm chuyển đổi ở một Viện nghiên cứu theo 115
20 | 11 | 2007
Năm 2005, Viện Kinh tế Nông nghiệp đổi tên thành Viện Chính sách và Chiến lược. Chức năng của Viện thay đổi hẳn, từ hoạt động chủ yếu là nghiên cứu đơn thuần sang nghiên cứu là công cụ để thực hiện ba chức năng cơ bản tham mưu chính sách, tư vấn và dịch vụ công với những nội dung mở rộng từ lĩnh vực nghiên cứu kinh tế nông nghiệp thêm các lĩnh vực mới như xã hội, điều tra, thử nghiệm mô hình, thông tin
Năm 2005, Viện Kinh tế Nông nghiệp đổi tên thành Viện Chính sách và Chiến lược. Chức năng của Viện thay đổi hẳn, từ hoạt động chủ yếu là nghiên cứu đơn thuần sang nghiên cứu là công cụ để thực hiện ba chức năng cơ bản tham mưu chính sách, tư vấn và dịch vụ công với những nội dung mở rộng từ lĩnh vực nghiên cứu kinh tế nông nghiệp thêm các lĩnh vực mới như xã hội, điều tra, thử nghiệm mô hình, thông tin. Bản thân thay đổi tên gọi và chức năng sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu chính trong lòng nó không có những sự chuyển mình. Trong ý nghĩ của tôi sau hơn hai năm ở Viện Chính sách IPSARD đã diễn ra rất nhiều biến chuyển, còn theo một số đồng nghiệp của tôi lại cho rằng chúng ta đang tăng trưởng nóng nên không tránh khỏi bất cập. Dù theo thước đo nào đi nữa cũng có thể nhận thấy có những dấu hiệu chuyển mình. Những thay đổi chính có thể gói gọn lại trong 3 chữ C: Chủ động; Cơ chế; Con người là trung tâm
Chủ động
Tôi cho rằng phương châm xuyên suốt của IPSARD trong hai năm qua đó là luôn cố gắng phát huy tinh thần chủ động đến với những chủ thể mà mình hướng tới. Một nguyên tắc kinh tế đã trở nên phổ biến trong lý thuyết nhưng hay bị bỏ qua trong thực tiễn đó là luôn hướng tới phục vụ khách hàng. Người nghiên cứu cũng không phải là một ngoại lệ. Tôi còn nhớ, trong rất nhiều cuộc họp giao ban đầu tuần, lãnh đạo Viện luôn đề cập đến việc cần phải định hướng lại khách hàng trực tiếp nhất của đơn vị nghiên cứu chính sách chính là các nhà hoạch định chính sách, để làm sao chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành các đề xuất chính sách, rồi từ đó mang lại lợi ích cho khách hàng quan trọng nhất là những người dân nông thôn. Để làm được điều này, lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của Viện đã chủ động gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo của Bộ ngành, các Cục Vụ những đơn vị đang phải xây dựng các chính sách để từ đó hướng các đề tài nghiên cứu trả lời trực tiếp các câu hỏi này.
Một ví dụ khác trong việc tăng cường tính chủ động của IPSARD đó là kết nối với truyền thông. Nhiều cán bộ nghiên cứu thường có xu hướng thiếu chủ động đưa ra ý kiến trước cộng đồng. Trong xu thế hiện nay, truyền thông báo chí ngày càng trở nên một kênh quan trọng gây ảnh hưởng trong xã hội và tác động ngược trở lại vào quá trình hình thành chính sách. Thời gian qua, nhiều báo chí đã đến với Viện Chính sách cho ra nhiều bài phỏng vấn, bình luận xác thực có chưa xác thực cũng có, tạo ra dư luận thiện chí có và dư luận thiếu thiện chí cũng có. Sau những lần đấy, có nhiều ý kiến cả trong Viện cũng như bên ngoài cho rằng nên cẩn thận với báo chí, lợi bất cập hại. Nhưng tập thể lãnh đạo Viện vẫn kiên trì cho rằng, truyền thông có những tác dụng bất lợi đối với người phát ngôn và trong nhiều trường hợp sẽ ở ngoài tầm kiểm soát, nhưng đó là điều tất yếu, và trên hết đây là một kênh hết sức hiệu quả để phản ánh những ý tưởng, suy nghĩ của người nghiên cứu trước thời cuộc, và qua đó tăng tiếng nói và ảnh hưởng ra công chúng rồi ảnh hưởng ngược trở lại đến quá trình xây dựng và triển khai chính sách. Hơn nữa, trong thời buổi kinh tế sôi động như hiện nay, những thuật ngữ PR, tiếp thị, thương hiệu…đã trở nên tối quan trọng đối với một tổ chức thì việc tiếp xúc với truyền thông cũng là một phương thức hiệu quả để đánh bóng hình ảnh và nâng cao vị thế của Viện Chính sách IPSARD. Tôi vẫn nhớ một câu nói rất thiết thực “hữu xạ tự nhiên hương, nhưng hương thơm thiếu gió sẽ không bay xa được”. Có lẽ chính vì những nỗ lực kết nối với truyền thông mà cái tên IPSARD mặc dù mới những cũng đã dần trở nên quen thuộc trong giới nghiên cứu, hoạch định chính sách và công chúng quan tâm đến ngành nông nghiệp nông thôn.
Cơ chế
Trước đây, hoạt động của Viện vẫn dựa 100% kinh phí từ Bộ, chưa trở thành đơn vị sự nghiệp có thu. Nhưng cùng với việc Bộ NN sắp xếp lại các đơn vị nghiên cứu, tăng đầu tư cho KH&CN và từ 9/2005, khi Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP, Viện đã đề xuất với Bộ NN&PTNT để chuyển đổi sang mô hình đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có thể nói rằng, trong làn gió đổi mới 115, những cố gắng đổi mới đã làm cho Viện Chính sách trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong ngành nông nghiệp và các đơn vị nghiên cứu chiến lược chính sách. Trả lời Tia Sáng (số…) TS Đặng Kim Sơn khẳng định “Viện chúng tôi xuất thân từ Viện Kinh tế Nông nghiệp còn áp dụng cơ chế quản lý rất cũ...Cơ chế này một mặt trở thành gánh nặng cho Nhà nước, mặt khác cản trở sự phát triển của Viện. Đó là lý do khi chuyển thành Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chúng tôi xây dựng quy chế hoạt động theo cơ chế của Nghị định 115.” Một trong những thay đổi quan trọng nhất về mặt thể chế ngay khi chuyển từ Viện Kinh tế Nông nghiệp sang Viện Chính sách chiến lược đó là tăng cường tự chủ và phân quyền, lãnh đạo Viện đề xuất với lãnh đạo Bộ thành lập 3 trung tâm Tư vấn Chính sách, Thông tin, Phát triển nông thôn và 1 cơ sở phía Nam với những quyền tự chủ về tài chính, tuyển dụng, hợp tác quốc tế…nhằm tạo ra một mạng lưới năng động kết nối với Viện trung tâm để vừa đảm bảo hài hòa hai định hướng nghiên cứu các vấn đề chiến lược chính sách dài hạn và tư vấn kịp thời cho Bộ ngành khi có những biến động đột xuất.
Một thực tế phổ biến đó là các cán bộ nghiên cứu thường cần một môi trường tự do để sáng tạo, và một số đã viện lý do này để muốn ở nhà làm việc thay vì đến cơ quan. Những khó khăn về kinh phí hạn hẹp, nguyên tắc tài chính cứng nhắc, chủ đề tài nghiên cứu thiếu quyền, phương tiện nghèo nàn, văn minh công sở bị bỏ bê….đều có thể làm triệt tiêu các động lực của cán bộ nghiên cứu và làm cho họ không muốn đến nơi làm việc. Tôi cho rằng nếu biến cơ quan thành một môi trường thực sự hấp dẫn sẽ kéo được các cán bộ trở nên yêu thích chốn làm việc và điều này hết sức quan trọng bởi 8h cũng là một khoảng thời gian rất lớn của 24h trong ngày nên rất đáng phải được sử dụng sao cho hữu ích nhất. Tất nhiên, để chuyển biến ngay một lúc ở Viện Chính sách là điều không thể. Nhưng rất nhiều nỗ lực và ý tưởng đã được thử nghiệm ở Viện Chính sách IPSARD để gây dựng một cơ chế định hình theo hướng giỏi chuyên môn thì được giao chủ trì đề tài, công trình, nhiệm vụ nghiên cứu. Giỏi quản lý thì được giao làm lãnh đạo phòng, ban, bộ môn, trung tâm. Nguyên tắc có lên có xuống có vào có ra hoặc cùng một nguyên tắc UP-OUT tiến lên hoặc ra khỏi cuộc chơi. Quá trình này khi thực hiện ở Viện tất yếu đã có những đụng chạm và phản ứng không thuận chiều song dần dần phần lớn cán bộ tích cực đều nhìn nhận đó là một xu hướng không thể đảo ngược nếu muốn đẩy cả đơn vị tiến lên.
Con người là trung tâm
Một đồng nghiệp nói với tôi, Viện mình không phải như những Viện nghiên cứu mang tính thực nghiệm phải có hệ thống nhà xưởng, phòng thí nghiệm…ở đây chỉ cần vài cái laptop với phần mềm phân tích là đủ, cái chính đó là chất lượng của người cán bộ nghiên cứu. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ bùng nổ kinh tế như hiện nay, bùng phát chứng khoán và sự sôi động của các hoạt động thương trường, các công ty đua nhau tuyển dụng người có trình độ đã làm cho các cơ quan Nhà nước gặp phải khó khăn về nhân sự. Viện Chính sách cũng chứng kiến những dao động và sự cả ra đi của một vài cán bộ. Những thế mạnh trước đây của một đơn vị Nhà nước như biên chế, đào tạo, tập huấn…nếu không phát huy mạnh mẽ sẽ bị khối kinh doanh bên ngoài dần vượt qua thu hút hết người giỏi, tạo ra chảy máu chất xám.
Trong hai năm qua, Viện liên tục tổ chức hàng loạt lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn, trong nước, quốc tế do cán bộ trong viện, chuyên gia đầu ngành từ các cơ quan khác, các chuyên gia giỏi của các tổ chức quốc tế tiến hành đào tạo hầu hết mọi chức danh cho mọi cán bộ trong viện, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực, có triển vọng. Những nỗ lực đẩy mạnh tăng cường năng lực đã giúp Viện thu hút được nhiều sinh viên tu nghiệp từ nước ngoài và các cán bộ giỏi có kinh nghiệm về, xây dựng được một đội ngũ cán bộ năng động có nhiệt huyết. Lãnh đạo Viện cũng cam kết sẽ tiến đến xây dựng cho cán bộ nghiên cứu của viện một môi trường và điều kiện làm việc đạt tiêu chuẩn các nước trong vùng về thông tin, trang bị, đi lại, xuất bản kết quả nghiên cứu, tham gia giảng dạy... và tiến đến là cả cơ sở làm việc khang trang. Ngoài ra, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, sẽ tiến hành xây dựng một chế độ ưu đãi đặc biệt cho nhân tài quốc tế theo tiêu chuẩn quốc tế
Một sự kiện khá mới đó là tháng 8. 2007, Viện đã tổ chức ngày việc làm IPSARD ở khách sạn Bảo Sơn, thu hút sự chú ý của đông đảo sinh viên các trường Đại Học lớn của Hà Nội cũng như giới báo chí truyền thông. Có thể nói đây là chuyện không mới đối với các doanh nghiệp nhưng khá hiếm đối với một Viện nghiên cứu thông thường, nên trong chương trình thời sự sáng hôm sau VTV1 đã có một chuyên mục đặc biệt về sự kiện này. Kết quả của hoạt động tuyển dụng theo lối mới này không chỉ thu hút ngay được các sinh viên giỏi đang sắp tốt nghiệp mà có lợi ích lớn hơn khi nâng cao tên tuổi của IPSARD trong con mắt cộng đồng.


Báo cáo phân tích thị trường