Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Tôm sú trúng giá
24 | 08 | 2007
Trong những tháng qua giá tôm ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL luôn ở mức cao. Trong tuần qua giá tôm loại 30 con/kg, được các thương lái thu mua từ 110.000-115.000đồng/kg. Loại 20-25 con/kg có giá từ 145.000 - 150.000 đồng/kg.

Mức giá này cao hơn thời điểm giữa tháng 9/2006 trung bình từ 10.000 - 15. 000đồng/kg. Dự báo trong những ngày tới giá tôm sú ở ĐBSCL vẫn tiếp tục tăng.

Theo dự báo của Bộ thủy sản, giá tôm cuối tháng 9 đến tháng 10/2006 sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng. Hiện tại, Nhật Bản, Mỹ và EU là ba thị trường xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng tại thị trường EU xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong tháng 7/2006 đã đạt 57,877 triệu USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2005.

Như vậy, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU liên tục tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm 2006, đạt kim ngạch 394,4 triệu USD, tăng 76,1% so với cùng kỳ năm 2005. Trong đó mặt hàng tôm đông lạnh tăng 122,5%, đạt 10.381 tấn, trị giá 74,87 triệu USD.

Theo các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, gần đây các doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu tôm đông lạnh sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU.

Trong khối EU, Đức và Bỉ là hai thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, chiếm 40% tổng sản lượng tôm xuất khẩu sang EU. Do vậy tôm nguyên liệu trở nên khan hiếm. Tình trạng khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu đã đẩy giá tôm sú ở ĐBSCL tăng lên trong suốt từ tháng 7/2006 đến nay.

Ông Đặng Ngọc Hoà, Phó giám đốc Xí nghiệp chế biến thực phẩm Duyên Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay giá tôm sú trên thị trường tăng cao, vì tôm vụ một thì đã qua mà tôm vụ hai chỉ mới thả được khoảng 2 tháng, tôm vụ hai tỉ lệ sống đạt rất thấp nên tôm nguyên liệu không đủ cung ứng cho các nhà máy chế biến trong vùng.

Riêng Xí nghiệp chế biến thực phẩm Duyên Hải mỗi ngày chỉ thu mua được từ 1 - 2 tấn tôm. Ông Hoà cho biết, một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản phải nhập tôm nguyên liệu từ Bangladesh và ấn Độ mới có đủ tôm nguyên liệu chế biến, hầu thoả mãn những hợp đồng đã ký.

Sở Thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo ngư dân không nên nuôi tôm vụ hai do nguy cơ dịch bệnh. Thay vào đó, ngư dân sau khi thu hoạch tôm chính vụ nên tập trung cải tạo ao, đầm nuôi, xử lý môi trường nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu từ những vụ nuôi trước.

Từ tháng 9/2006, tỉnh Sóc Trăng đã cấm nhập tôm sú giống. Ngư dân Phạm Văn Tám, nuôi tôm tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng kể với chúng tôi: "Tôi có 6 ha mặt nước nuôi tôm, năm rồi trúng mùa thì tôm không có giá, năm nay vụ một tôm của tôi bị nhiễm bệnh đốm trắng, tôm chết hết tôi mất trắng. Dịch bệnh hoành hành, bên khuyến ngư khuyến cáo ngư dân không nên thả nuôi tôm vụ hai, thấy tôm có giá tôi đã thả nuôi vụ hai cách nay gần 2 tháng, tỉ lệ sống khoảng 60- 70%, như thế xem như đạt, nhưng vừa rồi ở đây có dịch bệnh đốm trắng mấy vuông tôm của tôi đã chết gần hết".

Bà Trần Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay sản lượng tôm không còn nhiều, nhưng vụ tôm năm nay Bến Tre dự kiến sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra cả về lượng lẫn về giá.

Theo bà Nga, mặc dù năng suất tôm năm nay không cao lắm so với các năm trước do ngư dân chủ động thả giống ở mật độ thưa, nhưng đa số các hộ nuôi tôm trong tỉnh Bến Tre đều có lãi do giá tôm tăng. Chủ trương của tỉnh Bến Tre là ổn định diện tích nuôi để bảo vệ môi trường, nên diện tích nuôi tôm năm nay không tăng thêm.

Tôm sú là đối tượng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sau cá tra, ba sa. Để hạn chế rủi ro giúp cho bà con ngư dân có những vụ tôm thắng lợi, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, tăng kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản cần phải chú ý đến yếu tố phát triển bền vững như: hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, sản phẩm nuôi vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua các giải pháp quản lý tổng hợp, phát huy vai trò của cộng đồng và ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến.

Sở Thuỷ sản Bến Tre đã đề ra chương trình hành động cụ thể: ổn định diện tích nuôi hiện có và phát triển nuôi theo hướng an toàn và bền vững. Quản lý nuôi tôm theo lịch thời vụ để hạn chế rủi ro khi thời tiết không thuận lợi. Tăng cường quản lý quan trắc, môi trường để có khuyến cáo kịp thời đến ngư dân trong tỉnh về cách quản lý chăm sóc ao nuôi, cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho tôm. Tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế trang trại thuỷ sản.

Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư xây dựng trại giống bố mẹ sạch bệnh, cung cấp nauplius chất lượng tốt cho các trại ương cung ứng giống cho nghề nuôi tôm của tỉnh. Nghiên cứu cải tiến quy trình nuôi theo hướng sinh học, hạn chế sử dụng hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản... làm cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu, ổn định thị trường xuất khẩu.



Nguyễn Huyền (Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường