Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
1 năm gia nhập WTO: Nhiệt đang tăng
10 | 01 | 2008
Đúng như dự đoán của các chuyên gia, hội nhập WTO là một ngoại lực giúp Việt Nam hòa mình nhanh hơn vào nhịp đập của nền kinh tế thế giới. Nhưng cái người ta khó dự đoán, mà tới nay sau một năm nhìn chung là thắng lợi nhưng cũng không ai dám chủ quan về những cái "sốc" của quá trình hội nhập.
Hội nhập với sự mở cửa mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực tạo nên những tác động từ ngoại lực, khiến không chỉ các Chính phủ mà cả các DN cũng phải gồng mình chủ động.

Sức bật mạnh mẽ

Tuy nhiên, chính những sức ép sống còn bên ngoài khi mất dần bảo hộ đó đã giúp các DN vươn lên thực sự, đi lên bằng chính đôi chân và trí óc của mình. Một năm qua không chỉ trong nước mà bạn bè khu vực và thế giới cũng phải ngạc nhiên, rồi thán phục trước sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế vốn được xếp hạng rất khiêm tốn.

Kể từ khi Việt Nam cải cách mở cửa tới nay, chưa có một năm nào, mà sức nóng tăng trưởng lại bùng nổ dữ dội như lúc này. Lượng tiền tệ lưu thông không chỉ tăng trước những con số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đột biến, mà ngay cả trong nước, tâm lý cũng như thói quen găm tiền đã gần như được từ bỏ - nhường chỗ cho những ý tưởng xoay vòng. Công cuộc hội nhập được gia tốc mạnh mẽ bởi chính sách cổ phẩn hóa, giúp DN trong nước tăng đáng kể sức mạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong các cuộc thương thảo mua bán quốc tế.

Từ trước tới nay, chưa có năm nào nền kinh tế chứng kiến hiện tượng dư tiền trong nhiều DN. Thế nhưng năm 2007, với những tác động mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, hầu hết các DN cổ phần hóa đều đang trong tình trạng ứ vốn. Trong khi khu vực hành chính còn đang luống cuống tìm hướng cải tiến thủ tục, thì dòng vốn, nhất là vốn đầu tư quốc tế đổ vào thị trường ngày càng nhiều. Hội nhập, những cơ hội mới biến Việt Nam - một nền kinh tế vốn thuần nông, nay trở thành một trong trong những trung tâm kinh tế sôi động nhất khu vực.

Cũng nhờ tác động tích cực từ việc hội nhập WTO mà chỉ trong một năm trở lại đây mức thu hút vốn ODA của chúng ta tăng gấp 3 lần, theo con số thống kê chưa đầy đủ cũng đạt trên 16 tỷ USD. Song song với luồng vốn đầu tư, năm 2007 cũng là năm mà lượng kiều hối đổ về đạt mức kỷ lục. Nhìn lại một năm hội nhập, rõ ràng nền kinh tế nước ta đang ở trên một tầm cao mới, cùng nhiều cơ hội mở ra.

Coi chừng vẫn "sốc"

Thành tựu hiển hiện, bởi đời sống kinh tế quốc dân ngày một cải thiện. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế quốc tế, kinh tế Việt Nam vẫn đang chứa đựng nhiều nguy cơ. Cho dù lĩnh vực tài chính năm qua nở rộ, nhưng cũng chính sự nở rộ đó đang đẩy Việt Nam trước những thử thách mới. Trên bình diện quốc gia, thì việc dư cung tiền đẩy nền kinh tế tăng trưởng nóng. Kéo theo đó là tình trạng lạm phát, làm rộng thêm hố sâu phân hóa giàu nghèo.

Hẹp hơn một chút, trong quy mô Cty, phát triển nhanh đang đẩy nhiều DN tới chỗ khủng hoảng thiếu nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao. Tình trạng thiếu nhân lực cao cấp, thiếu CEO giỏi khiến nhiều DN không thể hấp thu hết vốn. Điều này thể hiện rõ rệt trong lĩnh vực ngân hàng, và các DN lớn vừa cổ phần.

Tại đây, cho dù nhiều biện pháp như khoán tín dụng được áp dụng song hiệu quả không đáng là bao. Tình trạng dư vốn không chỉ tạo ra cơn "sốc thừa" mà hơn thế còn đang hình thành những cơn sốt ảo. Đặc biệt là sốc bất động sản, địa ốc khi không ít DN không còn cách nào khác là đổ tiền dư thừa cho các hoạt động kinh doanh nhà đất.

Nhìn nhận của giới quan sát quốc tế về tình trạng sốt đất đai ở Việt Nam lúc này mới ở giai đoạn chớm nở. Nhưng nếu không có những điều chỉnh kịp thời của chính sách thì hiện tượng bong bóng, hay nói mạnh hơn đó tình trạng đầu tư ồ ạt, và nguy cơ vỡ bóng giống nhiều nước Đông Nam Á hồi cuối thập kỷ 90 không chừng sẽ tái hiện ở Việt Nam.

Ông Ngô Quang Trưởng - TGĐ Cty CP Kinh doanh nhà Hoàng Hải: "Phải vững để đối phó với những thách thức"

Cơ hội luôn đi cùng với thách thức. Tuy nhiên để giảm bớt được sức nặng tâm lý cạnh tranh trước sức ép sau khi gia nhập WTO thì trước hết DN phải vững về tất cả mọi mặt như: tiềm lực tài chính, nhân lực, thương hiệu DN… Trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) cần phải biết cách lựa chọn đầu tư vào những dự án phù hợp với khả năng, không vượt quá sức tài chính của DN. Dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực BĐS quá nhiều đang tạo áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư và thị trường trong nước. Bên cạnh đó, sau một năm trở thành thành viên chính thức của WTO đã có biết bao biến động của thị trường khiến cho ngay các chính sách của Nhà nước cũng không theo kịp.

Do đó, muốn giảm những áp lực này thì các DN trong nước cần phải nhanh chóng tìm phương cách tốt nhất để liên kết với nhau tạo nên một sức mạnh tập thể, tăng thêm sức mạnh đối với nguồn vốn trong nước.

Các DN trong lĩnh vực này cần tự mình “chuyển biến”, bắt nhịp thời cuộc trong thu hút và mời gọi đầu tư, kinh doanh BĐS. Đến nay, chúng tôi hoàn toàn có thể tạo được tiếng nói riêng của mình và có đủ khả năng hợp tác cũng như canh tranh trực tiếp với nhà đầu nước ngoài.

Ông Tăng Hồng - Chủ DNTN Cơ khí Sông Hậu: Dân doanh nhỏ phải tự biết mình đứng ở đâu

Phần lớn các DN ngoài quốc doanh đều là DNNVV với lực lượng lao động ít, mặt bằng sản xuất không lớn, nguồn vốn kinh doanh có hạn, tiếp cận với khoa học - kỹ thuật còn hạn chế... Đây rõ ràng là một thách thức nhưng cũng lại là cơ hội không nhỏ khi Việt Nam gia nhập WTO. Do vậy, có thể nói gia nhập WTO đối với các DNNVV thì mừng cũng có mà lo cũng nhiều.

Gia nhập WTO, cho dù DNNVV có những lợi thế từ nội tại, chúng ta cũng không thể chủ quan mà cần thận trọng trong chiến lược kinh doanh. Trước đây, các DNNVV hầu như chỉ lo các chiến lược kinh doanh đối phó với các DN cùng ngành trong nước. Uy tín, chất lượng và thương hiệu luôn được đặt lên hàng đầu để thu hút người tiêu dùng. Nhưng khi gia nhập WTO, DNNVV không chỉ quanh quẩn với các bài cạnh tranh trong “cái ao nhỏ” mà cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh chất lượng, uy tín sản phẩm thì khâu mẫu mã, tiếp thị, các luật lệ của thị trường quốc tế cần được quan tâm hàng đầu. Chúng ta không tự nhận thức được vị thế của chúng ta, không có sự chuẩn bị chu toàn thì khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn các lĩnh vực, những DNNVV sẽ khó có khả năng ứng phó.


Nguồn: VCCI
Báo cáo phân tích thị trường