Năm 2007 vừa khép lại, Thái Lan tiếp tục chiếm ngôi vị số một thế giới về xuất khẩu gạo với 9 triệu tấn, đạt giá trị 3,5 tỉ USD. VN xếp thứ hai với hơn 4,5 triệu tấn, trị giá 1,4 tỉ USD. Dù năm 2007, giá gạo xuất khẩu của VN có lúc đã vượt qua giá gạo xuất khẩu của Thái Lan nhưng vẫn chưa tạo được thế “lật đổ”. Nhìn chung, nhiều năm qua, trật tự này vẫn không có gì thay đổi, dù VN đã có rất nhiều nỗ lực.
Tất cả cho xuất khẩu
Chiang Rai là một TP ở cực Đông Bắc Thái Lan, gần khu vực Tam giác vàng, giáp Myanmar. Cách đây vài chục năm, Chiang Rai nghèo và hoang vắng nhưng bây giờ đã trở thành khu du lịch sầm uất, đời sống người dân sung túc hẳn. Không chỉ nhờ những “đặc ân” của chính phủ, sự ưu đãi của thiên nhiên với dòng sông Mê Kông giàu phù sa vắt ngang đã làm màu mỡ thêm mảnh đất này. Chiang Rai và một số tỉnh Đông Bắc Thái Lan chính là chiếc nôi của những loại nông sản quý báu, trong đó có gạo cao sản Hom Mali - đã làm nên thương hiệu quốc tế cho đất nước Thái Lan.
Nói đến gạo, Hom Mali là cái tên thường được người Thái nhắc tới đầu tiên như một niềm tự nào. Người Thái tự hào bởi giống lúa Hom Mali chỉ trồng được và sinh trưởng tốt giữa thời tiết nắng nóng gần như quanh năm ở vùng Đông Bắc Thái. Bằng kỹ thuật sinh học, người Thái đã tạo ra 3 giống lúa Hom Mali, đặt tên “rặt Thái” là Khao Dok Mali 105, Khao Jao Hawm Klong Luang 1 (KLG1) và Khao Jao Hawm Suphan Buri (SPR-A), cho năng suất cao và có khả năng kháng bệnh tốt.
Thật lạ, suốt một tuần ở Dusit Resort, khu nghỉ mát sang trọng và lớn nhất Chiang Rai vào giữa tháng 10-2007, món ngon nào của địa phương hầu như tôi đều được nếm, duy chỉ cơm Hom Mali là chưa được ăn. Ngày nào cũng vậy, luôn luôn có một ngăn cơm (steamed rice) đầy ắp trên những bàn ăn buffet, nhưng chắc chắn không phải là cơm nấu từ gạo Hom Mali, bởi ít thơm, không dẻo, lại bở!
Chuyến đi Bangkok của tôi vào giữa tháng 01/2008 có Randy Võ, người Mỹ gốc Việt, là kỹ sư đang làm việc tại San Jose (tiểu bang California, Mỹ). Trước đó, GS-TS Võ Tòng Xuân có trao đổi: “Người Thái thừa gạo ngon để ăn, bởi có diện tích trồng lúa đến 10 triệu ha (trong khi VN chỉ có khoảng 4 triệu ha), nhưng số nông hộ, thậm chí các gia đình trung lưu trở lên, ăn gạo đặc sản không nhiều”. Thật vậy, những ngày “lội” khắp Bangkok, từ chợ đêm Pratunam bình dân đến những tấm menu sang trọng ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi, tìm hoài vẫn không thấy cơm Hom Mali. Randy Võ lắc đầu: “Tìm gạo Thái ở Mỹ dễ hơn... ở Thái!”. Randy kể, tại các siêu thị ở California, gạo Thái bán đầy, thứ gì cũng có. Gạo Việt cũng có, nhưng ít. Người Việt ở hải ngoại ăn gạo Thái nhiều hơn. Randy giải thích: “Bởi vì người Thái có thương hiệu gạo quốc tế. Còn thương hiệu gạo quốc tế của VN là gì?”. Thắc mắc của Randy cũng chính là sự loay hoay bao năm qua của ngành nông nghiệp VN trong việc định hình và đầu tư xây dựng một thương hiệu gạo tầm cỡ cho xuất khẩu. Những Kim Kê, Nàng Thơm Chợ Đào, Sohafarm, Khẩu Mang... say sưa chinh Nam phục Bắc, nhưng khi ra biển lớn, vẫn chưa đủ lực để các nhãn hiệu gạo Thái phải nghiêng mình.
Bếp ăn của thế giới
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cười nhẹ khi nghe kể lại câu chuyện chúng tôi đi tìm cơm Hom Mali. Ông nói rằng thắc mắc của chúng tôi chính là lời lý giải vì sao gạo Thái có mặt hầu hết trên các sạp hàng gần 100 quốc gia toàn thế giới, kể cả VN. Theo ông Chookiat, năm 2007 vừa rồi, kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan vượt chỉ tiêu (9 triệu tấn so với chỉ tiêu 8,5 triệu tấn), nhưng vẫn chưa vượt qua được con số mơ ước của năm 2004: 10 triệu tấn. Năm 2008, con số 10 triệu tấn nằm trong tầm tay của người Thái. Trong khi đó, VN vẫn khiêm tốn ở chỉ tiêu 4,5 triệu tấn (giá trị dự báo tăng lên 1,7 tỉ USD). Trong vài năm tới, Thái Lan và VN vẫn giữ ngôi đầu, nhưng khoảng cách giữa Thái Lan và VN ngày càng lớn. Đâu là “bí quyết” của người Thái?
Cách nay 60 năm, Vương quốc Thái đã ý thức về tầm quan trọng sống còn của hạt gạo đối với đất nước. Ba yếu tố cơ bản được đầu tư để hạt gạo Thái bay xa, mang ngoại tệ về cho đất nước là: chất lượng - thương hiệu - thị trường. Nếu như khoảng một thập niên trước, đây đó tại một số vùng nông thôn Thái Lan, nông dân còn nghĩ đơn giản: trồng lúa để ăn thì bây giờ, từ Chiang Rai, Chiang Mai, Surin, Suphan Buri..., đâu đâu người dân cũng nuôi ý nghĩ đồng nhất: “Xuất khẩu”. Để bán được nhiều, gạo phải thật ngon! Khẩu hiệu “Gạo là cuộc sống” (Rice is Life) do Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đưa ra năm 2004 càng tiếp thêm niềm tin cho nông dân Thái: Bằng mọi giá phải làm ra hạt gạo ngon hơn, thơm hơn. Kết quả: Theo đánh giá của Bộ Thương mại Thái Lan, 60% lao động Thái Lan làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã được hưởng lợi trực tiếp, trở nên khá giả nhờ những thành quả xuất khẩu nông sản.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội chợ gạo Thái Lan 2007 (tổ chức vào giữa tháng 11-2007 tại Bangkok), Thủ tướng Thái Lan Sarayud Chulanont cam kết: “Tới đây, Thái Lan không chỉ áp dụng những công nghệ mới và những kỹ thuật nông nghiệp hiện đại mà còn áp dụng triệt để những kinh nghiệm truyền thống để bảo đảm sản lượng ổn định, đúng như triết lý “Kinh tế đầy đủ” (Sufficiency Economy) của chúng ta. Người Thái tự hào rằng những nỗ lực này giúp chúng ta xứng đáng là “Bát gạo của thế giới” (Rice bowl of the world). Bằng những giải pháp tiếp thị, nghiên cứu và phát triển hợp lý, hạt gạo sẽ giúp tham vọng của chúng ta trở thành hiện thực: Đưa Thái Lan trở thành “Bếp ăn của thế giới (Kitchen of the world)”.