Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cho thuê tài chính: Vì sao còn “khiêm tốn”?
26 | 01 | 2008
Sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhu cầu đổi mới trang thiết bị, máy móc của các doanh nghiệp để tăng quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh đã tạo ra một cơ hội rất lớn đối với lĩnh vực cho thuê tài chính.


Thị trường cho thuê tài chính nước ta năm qua đã tỏ rõ là một kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Chúng tôi đã có cuộc trao đổ với ông Bùi Văn Khen, Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BLC), về vấn đề này.

Hiện trong cả nước đang có khoảng 12 doanh nghiệp cho thuê tài chính và rất nhiều quỹ đầu tư, tập đoàn, tổng công ty cũng có xu hướng mở ra các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính. Tuy nhiên, việc đáp ứng vốn trong nước lại vẫn khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn phải kêu gọi vốn từ bên ngoài. Ông nhận định về vấn đề này thế nào?

Trên thị trường Việt Nam hiện có 12 công ty cho thuê tài chính đang hoạt động, gồm 6 công ty trực thuộc các ngân hàng thương mại Nhà nước, 4 công ty có vốn đầu tư nước ngoài và 2 công ty thuộc ngân hàng thương mại cổ phần. Ngoài ra, có rất nhiều các công ty tài chính, quỹ đầu tư đã và đang tiếp tục được phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Riêng về khía cạnh cung ứng vốn thông qua kênh cho thuê tài chính hay có thể hiểu cho thuê tài chính như một hoạt động tài trợ vốn trung và dài hạn.

Trong đó, bên cho thuê đứng ra mua các loại động sản theo yêu cầu của doanh nghiệp và cho doanh nghiệp thuê lại trong thời gian nhất định theo thoả thuận. Trong thời hạn thuê, tài sản thuộc quyền sở hữu của công ty cho thuê tài chính, doanh nghiệp thuê quyền sử dụng. Tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đi thuê khi đã thanh toán đủ nợ gốc, lãi tiền thuê và giá quyền chọn mua danh nghĩa.

Trên thực tế, việc cung ứng vốn trung và dài hạn thông qua kênh cho thuê tài chính thời gian qua cho các doanh nghiệp bị hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nhứng nguyên nhân sau:

Thứ nhất, mặc dù đã xuất hiện 10 năm trên thị trường Việt Nam nhưng sự quảng bá, giới thiệu để cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ về lĩnh vực cho thuê tài chính còn hạn chế.

Thứ hai, mạng lưới hoạt động của các công ty cho thuê tài chính mới chỉ có mặt tại một vài trung tâm kinh tế lớn, chưa trải rộng trong cả nước cũng như chưa có sự phối hợp với các ngân hàng thương mại để có thể quảng bá hoặc bán trọn gói sản phẩm.

Thứ ba, trình độ của cán bộ kinh doanh trong các Công ty cho thuê tài chính chưa chuyên nghiệp, không năng động trong việc tiếp cận và tư vấn cho doanh nghiệp về cơ cấu nguồn vốn.

Thứ tư, quy định về đối tượng cho thuê tài chính tại Việt Nam chỉ bó hẹp trong động sản, đối với dây chuyền sản xuất lại yêu cầu tỷ lệ tham gia vốn lớn.

Thứ năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam phần lớn còn yếu kém về năng lực sản xuất, trình độ quản lý, tính khả thi của dự án thiếu thuyết phục (do đa số là doanh nghiệp hộ gia đình, tình hình tài chính không rõ ràng, doanh nghiệp mới thành lập...). Đây là thế yếu khi họ có nhu cầu tìm nguồn vốn cho dự án.

Không ít doanh nghiệp vẫn lầm tưởng rằng ngân hàng là địa chỉ cung ứng vốn tốt nhất. Ông có cùng quan điểm này không?

Đúng là trong “sân chơi” tín dụng thì ngân hàng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cho thuê tài chính. Với ưu thế bề dày lâu năm, mạng lưới kinh doanh rộng khắp, sản phẩm, dịch vu đa dạng, làm cho một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp có thói quen chỉ tìm đến ngân hàng khi có nhu cầu vốn.

Thế mạnh của các công ty cho thuê tài chính là tách quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản, cho vay không cần tài sản thế chấp, mà tài sản thế chấp quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp đi thuê tài chính là tín nhiệm của doanh nghiệp, uy tín của chủ doanh nghiệp, tính khả thi của dự án và phần vốn tham gia trả trước... Nếu các doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ về cho thuê tài chính thì sẽ không quan niệm như vậy.

Thưa ông, nhưng trên thực tế, việc tiếp cận được với các nguồn vốn cho thuê rất khó khăn, nhiều giai đoạn, nhiều thủ tục phức tạp và nhiều khi sự hướng dẫn của các địa chỉ cung cấp vốn vẫn chưa rõ ràng, minh bạch. Điều đó cũng là một khó khăn gây cản trở huy động vốn của các doanh nghiệp. Ông có nghĩ như vậy không? Và các doanh nghiệp cho thuê tài chính cần phải làm gì để đến gần hơn các nhu cầu của các doanh nghiệp?

Trên thực tế, các quy trình thủ tục cho thuê tại các công ty cho thuê tài chính nói chung và tại BLC nói riêng rất đơn giản, tiện lợi. Ưu điểm rõ nhất của cho thuê tài chính là không cần tài sản thế chấp, điều đó giải toả áp lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, còn hạn chế năng lực tài chính hoặc các doanh nghiệp mới thành lập.

Tuy nhiên, công tác tiếp thị khách hàng, quảng bá doanh nghiệp của các công ty cho thuê tài chính nói chung cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để các doanh nghiệp khi có nhu cầu vốn sẽ nhanh chóng tìm ra “địa chỉ” các kênh tín dụng, trong đó họ sẽ hiểu rõ hơn “lợi thế” của cho thuê tài chính so với tín dụng truyền thống.

Theo ông, cái khó nhất trong việc cho thuê tài chính đối với các doanh nghiệp nước ta là gì, có phải do nhận thức của doanh nghiệp chưa đầy đủ hay do cơ chế của chúng ta chưa thực sự rộng mở cho doanh nghiệp, thưa ông?

Như đã nêu ở trên, bên cạnh những ưu điểm vốn có thì khó khăn trong cho thuê tài chính không phải là ít. Do không cần tài sản thế chấp nên cho thuê tài chính rất phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập.

Tuy nhiên, do cả hai phía: các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường hạn chế về năng lực, trình độ quản lý, ý thức chấp hành luật pháp, chế độ tài chính kế toán chưa cao gây khó khăn cho các Công ty cho thuê tài chính trong việc đánh giá thẩm định tính khả thi của dự án cũng như nhân thân của khách hàng.

Về phía các công ty cho thuê tài chính chưa tạo cho khách hàng hiểu rõ hiệu quả, lợi ích của cho thuê tài chính mang lại và một khó khăn nữa là đối tượng cho thuê còn quá đơn điệu (máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, một số động sản khác).

Thưa ông, sự ra đời của nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ cho thuê tài chính khẳng định rằng loại hình dịch vụ này sẽ sôi động trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng đem lại sự cạnh tranh gay gắt cho các doanh nghiệp. Để đáp ứng được thị trường, cạnh tranh được với các doanh nghiệp, BLC sẽ làm gì trong năm 2008 và các năm tiếp theo?

Cũng như các Công ty cho thuê tài chính khác, BLC đã sẵn sàng trong việc hoạch định và triển khai những kế hoạch “dài hơi” để đáp ứng được yêu cầu hội nhập, cạnh tranh trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia nước ngoài nhận định, khi Việt Nam đã là thành viên WTO, cùng với cam kết mở cửa hoàn toàn lĩnh vực ngân hàng, trong đó có cho thuê tài chính chắc chắn sẽ có nhiều tập đoàn, nhiều công ty cho thuê tài chính nước ngoài đến làm ăn ở Việt Nam, khi đó cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng nói chung và các công ty cho thuê tài chính nói riêng sẽ rất gay gắt.

Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Tham gia vào một sân chơi kinh doanh bình đẳng buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn để nâng cao trình độ, quy mô, năng lực sản xuất, đồng thời khi thể chế luật pháp ràng buộc chặt chẽ, đồng bộ sẽ buộc các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh bài bản hơn, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ sẽ không tồn tại. Bên cạnh đó, yêu cầu thông tin tài chính minh bạch sẽ tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng khai thác thông tin, đánh giá khách hàng.

Lường đón trước những khó khăn, thách thức như vậy, BLC sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản trị điều hành phù hợp với cơ chế làm ăn mới, trong đó yếu tố nhân lực có chất lượng sẽ được đặt đúng vai trò để phát huy từ các khâu khởi tạo (marketing) - thẩm định dự án đến quản lý chặt chẽ sau cho thuê.

Bên cạnh đó, BLC sẽ tiếp tục triển khai thêm các sản phẩm đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép như cho thuê vận hành, đầu tư tài chính, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước để mở rộng thị phần hoạt động. Một trong những vấn đề cần quan tâm là tiếp tục nâng cao sự hiểu biết của công chúng về cho thuê tài chính.

Vì vậy, trong thời gian tới BLC cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động này, tăng cường tiếp thị, quảng bá sâu rộng, xây dựng thương hiệu của công ty đi vào bài bản hơn, hiện đại hơn. Muốn vậy chúng tôi rất cần sức mạnh tổng hợp của các Công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam để tạo sự lan toả trong nền kinh tế.



Nguồn: vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường