Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khoai tây VN: Chưa rõ khi nào thành cây lương thực!
31 | 01 | 2008
Trên thế giới, khoai tây được đánh giá là cây lương thực quan trọng thứ ba, còn ở VN, nó thường được coi là cây thực phẩm. Với trình độ, quy mô sản xuất còn thấp và nhỏ lẻ cùng thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay, chưa biết đến bao giờ, khoai tây ở nước ta mới được "lên hạng"!

Tầm quan trọng của củ cây khoai tây trong đảm bảo an ninh lương thực, giảm đói nghèo được thể hiện ở việc Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn 2008 là năm khoai tây thế giới.

Bên lề Ngày hội Khoai tây VN 2008 - do Bộ NN & PTNT kết hợp với Dự án Thúc đẩy Sản xuất Khoai tây ở VN thuộc Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ), Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức - diễn ra tại Nam Định vừa qua, ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN & PTNT đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí.

Mới đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường!

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Để sản xuất khoai tây phát triển, một trong những vấn đề hết sức quan trọng là có đủ giống tốt, vừa năng suất cao, vừa sạch bệnh. Vì trung bình 1 sào Bắc bộ cần đến 30kg giống nên trên diện tích 1ha thì phải có lượng giống rất lớn.

Cho đến thời điểm này, chúng ta mới tự túc được 20-25% giống tốt, sạch bệnh, bằng phương pháp nuôi cấy mô, trồng củ bi và bảo quản khoai tây giống trong kho lạnh. Đây là hướng đi đúng và bài bản nhất hiện nay, song cần lượng vốn khá lớn. Còn lại chủ yếu phải sử dụng giống từ Trung Quốc, mà thực chất đây là khoai tây thương phẩm.

Khó khăn trong việc kiểm dịch khoai tây Trung Quốc ở chỗ dân buôn thường không khai là hàng giống mà chỉ khai là mua khoai tây thương phẩm để bán trên thị trường. Trong khi thực chất nông dân mua để làm giống. Nguồn nhập từ Trung Quốc nếu không kiểm tra kỹ khi sử dụng làm giống sẽ gây ra bệnh dịch làm thiệt hại sản xuất trong nước.

Kiểm soát được vấn đề này rất khó, khiến các cơ quan quản lý Nhà nước đau đầu.

- Hiện tại VN đã nhập được bao nhiêu giống khoai tây thưa ông?

- Thông qua dự án khoai tây Việt - Đức (Dự án Thúc đẩy Sản xuất Khoai tây ở VN - PV) và hợp tác với nước ngoài, chúng ta đã nhập được xấp xỉ 100 giống khoai tây khác nhau. Kết quả khảo nghiệm, lựa chọn đã tìm ra được 7 loại giống phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu, đất và tập quán canh tác của VN.

Hơn nữa, chúng ta còn chọn được các giống đáp ứng được nhiều yêu cầu, mục đích sử dụng khác nhau như ăn sống, chế biến tinh dầu, sản xuất thương phẩm...

Hiện sản lượng khoai tây trong nước đáp ứng chưa đầy 30% nhu cầu của thị trường

- Hiệu quả kinh tế mà ngành khoai tây mang lại như thế nào nếu được đẩy mạnh phát triển, thưa ông?

- Miền Bắc nước ta có điều kiện tự nhiên, thời tiết rất thuận lợi để phát triển những cây ưa lạnh. Với tổng diện tích gần 50.000ha, nhiều năm nay, cây khoai tây được trồng vào vụ đông tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, được đánh giá là rất thích hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, các giống khoai trồng ở VN mà dự án Việt - Đức hỗ trợ thì chất lượng tốt hơn hẳn khoai tây Trung Quốc. Có thể thấy, đối với nhu cầu chế biến thực phẩm, phục vụ xuất khẩu thì giống khoai tây của Trung Quốc không được các doanh nghiệp chấp nhận mà phải là những giống nhập nội, được trồng trong nước mới đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, khoai tây VN trồng được ở thời vụ mà các nước như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc không có, một cách rất thuận lợi và chủ động. Đó chính là những lợi thế của ngành khoai tây nước ta.

Đầu vào, đầu ra đều khó khăn!

- Trước thực tế giá khoai tây nước ta vẫn rất rẻ, chưa hấp dẫn được nông dân, theo ông đến khi nào chúng ta mới phát triển được ngành khoai tây VN.


- Muốn phát triển được thì phải tạo giá trị cây khoai tây chúng ta ngang bằng với giá trị cây trồng khác. Trong cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của quy luật giá trị, sản phẩm, trong đó cây trồng nào có giá trị, hiệu quả kinh tế cao thì cây đó sẽ phát triển và có vị trí của nó.

Nếu năng suất, chất lượng cây khoai tây cao hơn nữa, đầu ra cho sản phẩm đảm bảo thì nó sẽ có giá trị, hấp dẫn người nông dân, như thế sản xuất mới phát triển bền vững và chúng ta mới có được thương hiệu.

Tôi được biết hiện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy ở VN nhưng khi được hỏi làm thế nào để đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy khi nguồn cung nguyên liệu hạn chế, phân tán thì họ rất lo.

Như vậy, bài toán đầu vào, đầu ra của khoai tây nước ta hiện rất khó khăn. Để nâng cao giá trị cây khoai tây thì phải nâng cao chất lượng giống khoai tây, nâng cao sản xuất, giá bán, đầu ra cho sản phẩm.

- Một trong những yếu tố chi phối sự phát triển của ngành sản xuất khoai tây VN đó là thói quen tiêu dùng của người dân, ý kiến của ông ra sao về vấn đề này?

- Chính xác là vậy. Nếu các nước Tây Âu, Đông Âu, Mỹ, Úc coi khoai tây là cây lương thực, vị trí của khoai tây như lúa mỳ thì ở VN, người dân mới coi khoai tây là thực phẩm có giá trị.

Nhưng với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, tôi tin tập quán, thói quen của người VN đến một lúc nào đó sẽ dần thay đổi. Còn cụ thể lúc nào thì chưa rõ, chắc phải còn lâu nữa!



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường