Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trước và sau Tết, cơn ’sốt giá’ vẫn chưa hạ nhiệt !
14 | 02 | 2008
Đã thành quy luật, khi những ngày cuối cùng một năm sắp đến, khi tiền lương, tiền thưởng... rủng rỉnh trong túi cũng là lúc người dân đổ xô đến các điểm mua sắm, các siêu thị, trung tâm thương mại... để sắm sửa. Khoảng 3 tuần trước Tết Nguyên đán, không khí mua bán đã tràn ngập trên khắp các phố phường Hà Nội.

Tại các phố chuyên doanh quần áo, hàng tiêu dùng, các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... luôn trong tình trạng quá tải do lượng khách mua sắm tăng đột biến. Hầu hết các mặt hàng đều tăng giá từ 10 - 30%, thậm chí có mặt hàng tăng giá tới 70% như quần áo rét, chăn ga đệm, lò sưởi, máy sấy... do thời tiết trở lạnh bất thường. Tuy nhiên, tăng giá nhiều nhất vẫn là các mặt hàng lương thực - thực phẩm. Sau một năm làm việc vất vả, gia đình nào cũng có tâm lý chăm chút cho mâm cơm gia đình trong ba ngày Tết được thịnh soạn để đón tổ tiên. Nắm bắt tâm lý đó, giới kinh doanh đã mặc sức nâng giá các mặt hàng tùy thuộc theo sức mua khiến càng những ngày áp Tết, giá lương thực, thực phẩm càng tăng chóng mặt. Chị Lan (phố Trần Xuân Soạn) than thở: “Chưa bao giờ giá cả tăng khủng khiếp như năm nay. Chỉ trong ba ngày, từ 28 đến chiều 30 Tết, giá các loại thịt đã tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Các loại rau xanh, trứng, đậu phụ... cũng lên giá vù vù, dù hàng không hề khan hiếm...”. Đỉnh điểm vào sáng 30 Tết, giá gà (đã giết mổ) lên tới 160.000 đồng/kg (tăng 60.000 đồng/kg), thịt chân giò đã ở mức 60.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), nạc vai 70.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), sườn thăn giá 65.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg), cá chép 50.000 đồng/kg (tăng 10.000- 15.000 đồng/kg), giò nạc 110.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng/kg)... Tuy nhiên, trong khi giá thịt lợn tăng không đáng kể thì giá cả các mặt hàng thịt bò lại tăng cao. Thịt lõi thăn bò lên đến 220.000 đồng/kg (tăng 80.000 đồng/kg), thịt bò thăn 150.000 đồng/kg (tăng 60.000 đồng/kg)... Cũng theo đà tăng giá, các loại rau xanh cũng lên giá từng ngày. Chiều 30 Tết, giá rau muống đã lên tới 8.000 đồng/mớ, cải xanh 4.000 đồng/nắm, súp lơ 10.000 đồng/cây, rau cần 8.000 đồng/bó, su hào 3.000 đồng/củ... thậm chí, đậu phụ cũng tăng giá từ 1.500 đồng lên 2.500 đồng/bìa. Các mặt hàng hải sản như tôm, cua, ghẹ... năm nay không còn đắt khách do giá cả tăng quá cao. Trước tình trạng “mỗi ngày mỗi giá”, nhiều bà nội trợ đã chọn cách cúng thịt lợn vào đêm giao thừa hay mua gà cúng trước Tết vài ngày, cất vào ngăn đá, tránh tình trạng bị “chém đẹp” vào ngày 30 Tết...

Trong lĩnh vực dịch vụ, giá cả cũng lên đến mức “áp trần”: xe máy, ngày thường từ 5.000đ-8.000đ/lần rửa; ngày 29, 30 Tết lên 15.000đ-20.000đ/lần rửa; ô tô, ngày thường 30.000đ, những ngày áp Tết lên 60.0000đ-80.000đ/lần rửa. Các dịch vụ: cắt tóc gội đầu, giặt là, sửa chữa xe, làm vệ sinh nhà ở, văn phòng... giá đều tăng 30% đến 50%.

Sau Tết: Chợ đìu hiu, nhà hàng nhộn nhịp

Sáng mùng 3 Tết, dạo một vòng quanh các chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm, Hàng Bè... chúng tôi đều bắt gặp không khí buôn bán ảm đạm, khác hẳn ngày thường. Tại chợ Nguyễn Công Trứ, cả khu chợ thường ngày vốn tấp nập, đông đúc là thế, nay chỉ lèo tèo vài hàng rau xanh, một hai phản thịt nhưng tuyệt nhiên vắng bóng khách hàng, chỉ mấy bà bán hàng ngồi co ro vì rét. Chị Hằng - một người buôn bán lâu năm tại chợ Nguyễn Cao cho biết: “Mọi năm, chỉ sáng mùng 1 Tết tôi đã mở hàng, rau xanh bán rất chạy vì hầu hết mọi người đã ngấy ngán bánh chưng, thịt gà sau những bữa tất niên. Nhưng năm nay, trưa mùng 3 Tết mà cả chợ vẫn vắng hoe, từ sáng đến giờ chỉ có vài khách quen đến mua... cả chợ không có một hàng thịt, hàng gà nào dám mở hàng vì giá cả đắt quá”. Trên thực tế, sau Tết giá các mặt hàng rau xanh vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, hàng khan hiếm do yếu tố thời tiết và do mức cung giảm sau khi các chủ vườn rau đã dốc cạn nguồn hàng cho thị trường dịp trước Tết. Trái ngược với cảnh đìu hiu tại các khu chợ, hầu hết các cửa hàng ăn uống tại Hà Nội lại đắt khách trong dịp tết. Phần do thời tiết quá lạnh khiến các bà nội trợ ngại vào bếp, phần do sau những bữa cỗ dư thừa thịt, cá, nhiều người bỗng thèm một bát bún ốc, một bát phở gà nóng hổi... Do giá thực phẩm tăng cao, lượng thực khách đông trong dịp Tết nên giá cả cũng được các chủ hàng “đẩy” lên đến chóng mặt: Phở gà từ 15.000 đồng tăng lên 25.000 - 30.000 đồng/ bát; phở bò từ 12.000 - 15.000/ bát lên mức 20.000 - 25.000 đồng/ bát, bún ốc tăng từ 15.000 đồng/ bát lên 25.000 đồng/ bát...

Mặc dù ngay từ tháng 10-2007, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, Sở Thương mại Hà Nội cũng đã chuyển 50 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trực thuộc để tích trữ những mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, giò, chả... nhưng càng gần đến Tết Nguyên đán, giá hàng hóa càng vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý. Từ nay đến hết rằm tháng Giêng, giá lương thực, thực phẩm sẽ chưa thể hạ xuống. Và chừng nào các siêu thị, trung tâm thương mại còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thì các tư thương vẫn còn cơ hội nâng giá hàng hóa một cách vô tội vạ...

Giá tiêu dùng tăng trên 3,3%

Theo Sở Thương mại, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội tháng 1 vừa qua tăng trên 3,3% so với tháng 12-2007. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống... Đặc biệt, những ngày giáp Tết, giá bán của nhiều loại thực phẩm thiết yếu và rượu tăng mạnh, các loại hoa, quất, đào đều có giá bán tăng 30-50% so với Tết năm trước.



Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường