Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm gì khi giá cà phê 40.000 đồng/kg?
05 | 03 | 2008
Giá cà phê đang đạt mức kỷ lục trong 14 năm qua. Tuy nhiên so với trước đây giá này có vẻ vững hơn và có thể chưa dừng lại vì lượng cung trên thị trường thiếu hụt do cà phê khu vực Tây Nguyên mất mùa.

Giá cao ngất ngưởng nhưng người trồng cà phê chỉ được phần rất ít so với các DN mua bán cà phê, đấy là chưa kể đến giá phân bón tăng gấp 2 lần, giá xăng dầu tăng 30% và trượt giá khiến cho giá lao động cũng tăng cao.

Kỷ lục về giá chắc chắn sẽ lặp lại làn sóng ào ạt trồng mới cà phê như trước đây, những cánh rừng nhỏ nhoi còn sót lại của Tây Nguyên hùng vĩ sẽ khó yên ổn, những diện tích cà phê không hiệu quả đã được chuyển đổi sang cây trồng khác rồi lại quay cà phê, nước ngầm Tây Nguyên đang thiếu rồi lại thiếu hơn…

Làm sao để Tây Nguyên phát triển bền vững? Làm sao cho hệ thống cây trồng Tây Nguyên không bị cuốn vào cơn bão giá của cà phê? Hơn 10 năm trước, câu hỏi trên không được trả lời, nhưng hiện nay đã có thể nói rằng - Cây ca cao có thể đảm đương được sứ mệnh.

Cục Trồng trọt cho biết giá ca cao cũng đang tăng từ 851 USD/T lên 2.062 USD/T mà lý do là cung đang hụt dần so với cầu do các nước nghèo Tây Phi nơi sản xuất 70% lượng ca cao cho thế giới đang rơi vào hạn hán, chế độ chính trị không ổn định.

Tại Việt Nam, ca cao mới phát triển hàng hóa, năm 2007 đã xuất khẩu được hơn 100 T, giá thu mua ca cao tại Việt Nam vững ở mức cao 20.000 - 28.000 đ/kg. Tại ĐBSCL, cây ca cao đã được khẳng định về hiệu quả kinh tế, sinh thái bằng việc trồng xen ca cao dưới tán dừa với năng suất đạt khoảng 2 T/ha và người ta đang hy vọng mô hình canh tác trên sẽ nhân nhanh ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh với tổng diện tích khoảng 30.000 ha trong tương lai.

Ở Tây Nguyên, nơi ca cao kỳ vọng lại đang phát triển ì ạch, các mô hình ca cao chưa thật sự thuyết phục người nông dân về hiệu quả kinh tế, nhất là so với cà phê. Một nông dân trồng cà phê dễ đạt năng suất 3T/ha - với giá 20.000 đ/kg thì đã có doanh thu 60 triệu/ha, trong lúc đó ca cao chỉ đạt 2 T/ha, doanh thu 40 triệu/ha. Chính vì không cạnh tranh được với cà phê nên người ta đang loay hoay trồng thuần với trồng xen và nghĩ đến việc tìm kiếm đất cho ca cao dưới tán rừng nghèo, dưới tán cây ăn quả…

Trên thực tế, không phải vườn cà phê nào cũng đạt, nhất là những vườn cà phê già cỗi có trên 25 năm tuổi, ít nhất có đến 50.000 ha cà phê thuộc loại này đang cần được thanh lý. Những vườn này không thể trồng lại cà phê được (NNVN đã có bài phân tích) và người ta đang tìm kiếm cây trồng thay thế như là sầu riêng, mít nghệ, bơ…và ai cũng phấp phỏng với các mặt hàng tươi sống này. Tại sao không là ca cao? Đấy là chưa kể lới thế trong việc sử dụng tiếp cây che bóng cũ, hệ thống tưới cũ.

Mong sao cây ca cao trồng ở những vườn cà phê già cỗi sẽ là nơi đột phá, góp phần phát triển Tây Nguyên bền vững.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường