Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra rớt giá thảm hại
07 | 03 | 2008
Trong lúc giá thức ăn, giá thuốc điều trị bệnh, giá xăng dầu, rồi lãi suất ngân hàng liên hồi tăng vọt thì giá cá tra lại sụt giảm thảm hại... Tất cả như cơn bão làm chao đảo sinh mạng tài chính của hàng ngàn hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL.
Nước lên, thuyền không lên

Về làng cá tra An Giang, Đồng Tháp mà chúng tôi cứ ngỡ đang đi trong thế giới của những tiếng thở dài đến não lòng của hàng ngàn ngư dân.

Ông Hùng - người có thâm niên trong nghề nuôi cá tra ở xã Hoà Bình, huyện Chợ Mới (An Giang) - cho biết: Một tháng nay, bình quân mỗi tuần giá thức ăn tăng thêm 200 đồng/kg (hiện giá thức ăn 28% đạm đã lên đến 8.500 đồng/kg). Với giá này, người nuôi giỏi (đạt 1,6kg thức ăn cho 1kg cá thịt) cũng gánh giá thành chăn nuôi từ 12.600-13.000 đồng/kg.

Mặt khác, diễn biến phức tạp của thời tiết mưa trong mùa nắng trong những ngày qua không chỉ đẩy giá cá giống lên mức cao: 1.000 đồng/con mà còn gia tăng tỉ lệ mắc bệnh ở cá tra. Trong khi đó, giá thuốc điều trị bệnh cá lại tăng với tốc độ phi mã với mức bình quân 1 triệu đồng/kg, đẩy giá thành nuôi cá tra lên mức 15.000 đồng/kg.

Trong lúc người chăn nuôi bị đẩy vào thế "3 xôi nhồi 1 chõ" thì con cá lại có dấu hiệu giảm giá. Hiện giá thịt trắng (loại 1) dao động nhẹ ở mức 14.700-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên trên bình diện chung, giá thu mua tại 60 nhà máy chế biến tại 60 nhà máy tại ĐBSCL đang dao động 14.200 đồng/kg, giảm hơn cùng kỳ năm trước 2.000-3.000 đồng/kg.

Ngư dân sẽ tự bơi?

Theo sở thuỷ sản các tỉnh ĐBSCL, do hầu hết các địa phương đều mở rộng diện tích nuôi nên sản lượng cá tra năm nay tăng. Không chỉ có các tỉnh có nguồn nước thuận lợi như An Giang, Đồng Tháp mà ngay cả vùng nước "mặn-ngọt giao duyên" như Bến Tre, Tiền Giang cũng tăng tốc với loài cá da trơn này...

Chính vì vậy, khi con cá tra bị rớt giá, chắc chắn sẽ kéo theo một bộ phận người dân rơi vào hố sâu nợ nần. Bởi có đến 100% người nuôi cá tra vay vốn ngân hàng.

Hiện nay, nhiều nơi ngư dân đang rất cần sự chia sẻ nguồn vốn từ các ngân hàng. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Hữu Trí - Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản TP.Cần Thơ - các ngân hàng không chỉ tăng lãi suất lên mức kỷ lục 30%/năm, mà còn siết chặt việc cho vay, hay cho vay theo kiểu nhỏ giọt, khiến nhiều ngư dân bị các cửa hàng cung ứng thức ăn "bỏ rơi", dẫn đến việc tranh nhau bán để giảm áp lực lỗ.

Trước tình hình này, ngày 28.2, hiệp hội thuỷ sản nhiều tỉnh gửi văn bản kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước đề nghị điều tiết lãi suất phù hợp, không làm đại bộ phận người dân chới với, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

25 DN cá tra, ba sa ra khỏi danh sách xem xét thuế phá giá

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep) ngày 5.3 dẫn mạng tin Intrafish cho hay, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa chính thức đưa 25 nhà sản xuất cá tra, ba sa VN ra khỏi danh sách xem xét hành chính sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ tư giai đoạn từ 1.8.2006 đến 31.7.2007.

Cùng với việc một số Cty rút lại đề nghị tham gia, hiện chỉ còn 7 DN của VN nằm trong danh sách xem xét hành chính lần thứ tư. DOC cũng thông báo lùi thời hạn công bố kết quả sơ bộ của việc xem xét hành chính lần thứ tư này đến ngày 2.9.2008, thay vì ngày 2.5.2008 như dự kiến.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường