Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tây Nguyên : Lo vì... tiêu trúng giá
12 | 03 | 2008
Tháng 3, các tỉnh Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Sự chênh lệch cung ít, cầu nhiều của thị trường hồ tiêu thế giới đang khiến giá cả hồ tiêu tăng lên từng ngày.
Thời hoàng kim của hồ tiêu

Sau một thời gian giá cả xuống thấp ở mức 17.000 đến 22.000 đồng/kg, từ năm 2006, giá hồ tiêu lại bắt đầu tăng trở lại. Mặc dù đang vào vụ thu hoạch nhưng giá cả hồ tiêu hiện đang ở mức cao và vẫn còn tăng: Nếu trước Tết Mậu Tý giá khoảng 51.000-52.000 đồng/kg thì hiện đã lên trên 60.000 đồng/kg.

Hiện nguồn cung trên thế giới đang thiếu, trong đó riêng sản lượng hồ tiêu Việt Nam (nước cung cấp khoảng 60% lượng tiêu cho thị trường thế giới) niên vụ này giảm do mất mùa, dự kiến chỉ đạt 90.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với năm ngoái. Do giá cả đang ngày một tăng cao nên nhiều hộ đã ghim hàng tiếp tục chờ mà chưa chịu bán.

Anh Nguyễn Cảnh Đệ (xã Ea Đin, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) cho biết: “Ngày nào cũng có người vào hỏi mua nhưng rất ít người bán ra, một phần họ chờ giá, một phần là do nông dân chưa cần tiền lắm, chờ đến lúc giá thật cao mới bán”. Ông Đỗ Hà Nam (Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam) khẳng định: “Với tình hình này, giá hồ tiêu vẫn tiếp tục ổn định trong vụ này. Tuy nhiên, người dân không nên ghim hàng tiếp tục chờ giá cao thêm vì như vậy sẽ chứa đựng nhiều rủi ro khi thị trường đã bão hòa cung-cầu”.

Với mức giá như vậy người trồng hồ tiêu ở nước ta mà đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên đang trúng lớn. Với năng suất bình quân khoảng 40 tạ/ha thì người dân thu 240 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí vẫn lãi trên 150 triệu đồng/ha. Đối với những vườn hồ tiêu được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật thì năng suất đạt đến 70-100 tạ/ha và nhiều hộ dân ở Chư Sê, Chư Prông (Gia Lai), Đắc Min, Đắc Song (Đắc Nông), Ea H’leo, Cư Mgar (Đắc Lắc)… đã thu hơn 1 tỷ đồng trong vụ tiêu năm nay.

Có nên phát triển ồ ạt?

Cũng như cà phê, khi giá cả hồ tiêu lên cao thì người dân Tây Nguyên cũng rục rịch đầu tư mở rộng diện tích. Dù chỉ mới phát triển hồ tiêu trong vòng khoảng 15 năm qua nhưng diện tích hồ tiêu Tây Nguyên đã đạt trên 15.000 ha, chỉ đứng sau khu vực Đông Nam bộ. Và với lợi thế về quỹ đất thì diện tích hồ tiêu Tây Nguyên sẽ không dừng lại ở con số nói trên. Chỉ trong năm 2007, các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông đã trồng mới khoảng 200ha hồ tiêu.

Theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thì diện tích hồ tiêu của nước ta chỉ nên dừng lại ở mức hiện tại là 50.000ha và tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy việc phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu trong thời gian qua tại Tây Nguyên đã không mang lại hiệu quả cao. Nông dân chỉ chú trọng vào việc trồng mới mà không đầu tư đúng mức để chăm sóc, cải tạo vườn tiêu đang có, dẫn tới chất lượng giảm sút và bị sâu bệnh. Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, người dân chỉ nên trồng để bù vào diện tích hồ tiêu bị chết, nếu phát triển ồ ạt diện tích sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là cung vượt cầu và rớt giá.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường