Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tuyên Quang: "Ngọt ngào" vị ớt Yên Nguyên
14 | 03 | 2008
Mới năm thứ hai có mặt trên các cánh đồng của xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), nhưng cây ớt cao sản đã đem lại kết quả "ngọt ngào" cho người dân. Do trồng ớt có hiệu quả kinh tế cao^, nên nhiều hộ nông dân ở Yên Nguyên đã chuyển diện tích trồng lúa sang trồng ớt cao sản để xuất khẩu. Năm nay diện tích ớt vụ đông của xã đã tăng lên 26 ha, gấp 3 lần so với năm ngoái.
Những ngày này, Yên Nguyên đang vào mùa thu hoạch ớt xuất khẩu, không khí lao động tràn ngập ở nhiều thôn bản trong xã. Gia đình chị Ma Thị Huệ, ở thôn Khuân Khoai huy động toàn bộ 5 lao động ra đồng để thu hoạch ớt. Vụ đông năm 2006, gia đình chị mới đưa 500 m2 đất ruộng vào trồng thử nghiệm giống ớt cao sản, thấy hiệu quả kinh tế cao, vụ đông năm 2007, gia đình chị đã quyết định chuyển đổi 2.300 m2 đất ruộng từ trồng lúa sang trồng ớt. Nhờ có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc tích lũy được trong vụ sản xuất trước, nên năm nay toàn bộ diện tích ớt trồng mới của gia đình chị Huệ có cho nhiều quả to hơn ngay trong lứa đầu tiên và sản lượng lên tới 1 tấn quả. Nằm cạnh ruộng ớt của chị Huệ là ruộng ớt của gia đình chị Ma Thị Lụa, với 3 nhân công, nhưng chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, gia đình chị Lụa đã hái được 2 tạ ớt quả để bán cho công ty giống cây trồng Tuyên Quang, đơn vị trực tiếp cung ứng giống, vật tư phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.

So với nhiều loại cây màu vụ đông khác, cây ớt cao sản có thời gian sinh trưởng và phát triển dài ngày hơn, từ khi trồng đến khi kết thúc thu hoạch phải mất hơn 5 tháng (trồng vào mùa đông, thu hoạch vào mùa xuân). Bên cạnh đó, trồng ớt cao sản xuất khẩu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, khó hơn so với cách thức trồng ngô, lạc, đậu tương, nhất là khâu chăm sóc. Tuy nhiên, cây ớt lại có tính ưu việt riêng là mỗi vụ có thể thu hoạch được 5 lứa với năng suất mỗi lứa từ 40 đến 47 tạ/ha, trong đó năng suất thu hoạch cao nhất là vào lứa thứ 2 và lứa thứ 3 đạt 50 tạ/ha, với giá bán 2.000 đồng/kg như hiện nay thì cây ớt có thể mang lại nguồn thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/ha/vụ. Huyện Yên Nguyên còn mạnh dạn mời một chuyên gia Trung Quốc và bốn cán bộ kỹ thuật về giúp đỡ, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng ớt cao sản. Nông dân trồng ớt thực hiện thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Giống - Vật tư nông lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang, chính vì vậy bà con ở Yên Nguyên yên tâm khi sản xuất, kinh doanh ớt xuất khẩu.

Hiện nay, toàn xã Yên Nguyên có khoảng 150 hộ trồng ớt xuất khẩu, với tổng diện tích là 26 ha, trong đó thôn Khuân Khoai có tới 10 ha. Sản lượng ớt của toàn xã có thể lên tới hàng trăm tấn. Vài năm trở lại đây, Yên Nguyên là một trong những xã đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Trong số đó, cây ớt cao sản đã và đang khẳng định được vị trí trong cơ cấu cây trồng ở địa phương, góp phần tích cực cải thiện đời sống của người dân Yên Nguyên, thúc đẩy nhanh quá trình xoá đói giảm nghèo ở xã vùng cao này./.



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường