Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường đường thế giới tháng 2/2008: giá tăng mạnh
17 | 03 | 2008
Thị trường đường thế giới sôi động ngay từ đầu năm 2008, với giá biến động mạnh theo xu hướng giá dầu mỏ bởi phải chia sẻ với ethanol – năng lượng sinh học - nguồn nguyên liệu mía.
Ngày 27/2, giá đường trắng trên thị trường New York (Mỹ) đã vọt lên mức cao nhất của 15 tháng, 14,99 US cent/lb, trong khi đường trắng tại London lên mức cao nhất của 15 tháng, 389 USD/tấn. Như vậy, đường thô hiện có giá cao hơn 30,6% so với một tháng trước đây và tăng 39,7% từ đầu năm tới nay, trong khi đường trắng tăng 14,4% trong vòng 1 tháng và 19,3% từ đầu năm.

Giá đường tăng chóng mặt như vậy là do sự mua ồ ạt của các quỹ hàng hoá và các nhà đầu cơ khi nhận thấy giá đường đang thấp hơn so với giá các hàng hoá khác trên thị trường như ngô và lúa mỳ. Theo các nhà phân tích, các quỹ đầu tư tin rằng, đường sẽ là một trong số các mặt hàng nóng trong năm nay, và các quỹ sẽ tiếp tục điều khiển giá đường toàn cầu trong tương lai ngắn và trung hạn. Ngoài ra, giá tăng còn do nguồn cung đường không cao như dự kiến bởi giá dầu mỏ tăng mạnh, khiến các nhà sản xuất gia tăng tỷ lệ mía sử dụng làm nguyên liệu ethanol – nhiên liệu sinh học – và giảm tỷ lệ mía dùng trong sản xuất đường, đặc biệt là ở Braxin, nước sản xuất đường và ethanol lớn nhất thế giới. Dầu thô hiện đã lên tới đỉnh cao từ trước tới nay, 103 USD/thùng.

Hãng tư vấn Kingsman SA dự báo lượng đường dư thừa năm 2007/08 được dự báo là 9,33 triệu tấn. Kingsman dự báo sản lượng đường thế giới niên vụ 2008/09 sẽ đạt 165,86 triệu tấn, và tiêu thụ sẽ đạt 163 triệu tấn. Kingsman cũng vừa điều chỉnh tăng mức dự báo về lượng đường dư thừa trên thị trường thế giới năm 2008/09 (tháng 4-tháng 3) lên 2,86 triệu tấn, so với 1 triệu tấn dự báo hồi đầu tháng 2.

Về những dự báo khác, theo Czarnikow Sugar, sản lượng đường thế giới niên vụ 2007/08 sẽ vượt 9,68 triệu tấn so với nhu cầu trong niên vụ 2007/08, thấp hơn mức dư thừa 10,5 triệu tấn dự đoán trước đây. Trong khi đó theo hãng thống kê Đức F.O. Licht thì dự báo sản lượng đường toàn cầu năm 2007-08 sẽ đạt 169,2 triệu tấn, trong khi tiêu thụ đạt 154,9 triệu tấn, song cho rằng sản lượng và nhu cầu sẽ tương đối cân bằng trong niên vụ 2008-09.

Vấn đề khó khăn nhất trong dự báo về đường lúc này là Ấn Độ. Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới sau Braxin, và là nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới. Sản lượng đường Ấn Độ niên vụ 2007/08 được dự báo là sẽ chỉ khoảng 26 – 28 triệu tấn, , thấp hơn so với 32-33 triệu tấn dự báo trước đây, do năng suất đường trong mía giảm. Chính phủ nước này dự báo giá đường ngay trên thị trường nội địa của họ sẽ tăng trong năm nay, đặc biệt là vào những tháng 4 và 5. Ấn Độ đã xuất khẩu 2,5 triệu tấn đường từ tháng 4/2007 tới hết tháng 12. Xuất khẩu năm nay dự kiến đạt 3 triệu tấn, trong đó 1,4 triệu tấn đã được xuất đi. Từ một nước thường chỉ xuất khẩu đường trắng, hiện Ấn Độ đang nổi lên thành nước xuất khẩu đường thô lớn, cạnh tranh với Braxin, nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới.

Indonexia - nước nhập khẩu đường lớn nhất Đông Nam Á –dự báo sản lượng sản lượng đường trắng sẽ đạt khoảng 2,6- 2,8 triệu tấn trong năm 2008, tăng so với mức 2,4 triệu tấn của năm 2007, và hy vọng sẽ sản xuất được 3,3 triệu tấn đường trắng vào năm 2009 nhờ các chương trình hỗ trợ của chính phủ dành cho người trồng mía, như hỗ trợ thay đổi giống mía mới và tu bổ lại các nhà máy sản xuất mía. Inđônêsia hiện đang nhập khẩu đường chủ yếu từ Thái lan và Australia.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường