Riêng một số xã trồng mía trọng điểm như: Cách Linh, Đại Sơn, Hoà Thuận, thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hoà) thu từ trồng mía lên tới hơn 40 triệu đồng/ha... Mặc dù Nhà máy đường Phục Hoà thuộc Cty CP mía đường Cao Bằng đã liên tục nâng công suất ép lên 850 tấn/ngày nhưng diện tích mía đứng vẫn còn trên 700 ha, bằng khoảng 40% tổng diện tích vùng nguyên liệu mía.
Vì vậy, Cty cổ phần mía đường Cao Bằng dự kiến phải kéo dài vụ ép đến cuối tháng 4, dài hơn các vụ trước gần một tháng. Tuy được mùa nhưng diện tích mía chưa thu hoạch còn nhiều, nhiều hộ trong vùng chuyên canh mía không khỏi lo lắng sợ bị ép giá trong khi giá nhân công, vận chuyển tăng cao...
Bức xúc lớn nhất đối với cả doanh nghiệp và người trồng mía trong vụ này đó là việc cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 208 từ phía huyện Thạch An sang huyện Phục Hoà thi công dở dang kéo dài, gây ách tắc giao thông khiến cho việc vận chuyển mía đến nhà máy đặt tại thị trấn Tà Lùng (Phục Hoà) gặp rất nhiều khó khăn. Hiện vẫn còn 17 xe mía chặt trong dịp tết tắc lại phía huyện Thạch An mà chưa biết khi nào mới đến được nhà máy bởi toàn bộ tuyến tỉnh lộ này đã trở thành vũng lầy sau đợt mưa vừa qua...