Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Càfe : Đừng quên mình là ai trên thị trường thế giới
21 | 03 | 2008
Ngày 5/3, giá càfe xuất khẩu ở mức cao 2.700 USD/ tấn khiến giá càfe trong nước vọt lên 40.500đ/ kg, làm những người trồng càfe phấn khởi và họ “găm” hàng chờ giá lên mức kỷ lục 45.000đ/kg như hơn 10 năm trước.
Tuy nhiên, ngày 10/3, giá càfe trên thị trường thế giới tụt mất mỗi tấn 3.000 USD làm cho giá trong nước tụt mất 5.000đ/kg. Nhiều người dân có càfe trong tay đã tiếc hùi hụi khi mấy ngày trước không bán. Tuy vậy, họ đã không phải lo lắng, khi từ 14/3, giá càfe trên thị trường thế giới lại tăng lên 2.758 USD/tấn, đẩy giá càfe trong nước lên đến 39.000- 40.000đ/kg.

Phải nói rằng, tình hình biến động giá càfe trong những ngày đầu tháng 3 đến nay đã được phân tích và đánh giá kỹ nguyên nhân, nhất là khi giá càfe rơi xuống thời điểm 10/3. Hiệp hội càfe khi đó đã cảnh báo tình trạng rớt giá mạnh trên thị trường càfe do một số quỹ đầu cơ trên thế giới làm giá mặt hàng này trên các sàn giao dịch ở London và New York.

Hiệp hội đã khuyến cáo, đây chỉ là hiện tượng tạm thời, vì về cơ bản quan hệ cung- cầu caf trên thị trường trong thời gian này không có yếu tố nào tác động đủ làm nghiêng lệch về phía cung khiến giá biến động. Đáng tiếc là, những khuyến cáo đó đã không được DN và những nhà sản xuất càfe chú y, dẫn đến tình trạng khi giá càfe thế giới xuống thì cuống cuồng bán ra.

Chúng tôi đã từng có bài phân tích về thị trường nông sản mà ở đó VN có thứ hạng cao về sản lượng và thương mại VN hoàn toàn có thể tác động đến thị trường nhờ vị thế đó. Riêng đối với cafê, nhiều năm qua chúng ta trở thành nước xuất khẩu càfe đứng thứ 2 thế giới. Nó khác hẳn trong sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, chỉ cần đầu tư máy móc, công nghệ là có thể tăng sản lượng gấp nhiều lần. Ở đây đòi hỏi phải bền bỉ tăng dần diện tích, đầu tư, chăm sóc nhiều năm mới lên được sản lượng. Khó đạt được vị trí cao nên cũng khó bị soán ngôi khi đã đạt được.

Nhưng vị thế cao trong xuất khẩu hàng dệt may của Thái Lan đã nhanh chóng bị Trung Quốc đạt được. Nói như thế để thấy rõ, những vị thế cao mà ngành nông sản đã đạt được đặc biệt là càfe, hạt tiêu… là những vị thế đã được khẳng định. Thế giới bắt đầu phải lo lắng khi rét đậm kéo dài ở VN cũng như lo sương muối ở Braxin, bởi vì đó là những yếu tố ảnh hưởng xấu đến sản lượng càfe ở 2 nước xuất khẩu hàng đầu mặt hàng này.

Vào thời điểm hiện tại, cả Braxin và Indonexia đều chưa vào mùa thu hoạch nên chưa có yếu tố nào làm tăng nguồn cung trên thị trường. Vì thế, tác động giảm giá vừa qua chỉ là ngắn hạn. Nếu nhìn dài hơn, năm 2008, sản lượng càfe VN có thể giảm nên cung cầu sẽ bị ảnh hưởng nếu như vụ thu hoạch tháng 4 của Braxin và Indonexia không như mong muốn.

Cũng cần phải nói thêm về tác động của một vài quỹ đầu cơ trên thị trường. Có thể hình dung, quỹ này như những hồ chứa. Bình thường sông vẫn đổ từ thượng nguồn về xuôi. Nếu hồ chứa mở ra, sẽ hút về một lượng nước. Trường hợp vẫn đổ về xuôi đều đặn mà người ta bơm nước ra thì sẽ gây lụt ở hạ nguồn.

Vừa qua, các quỹ này dư ngoại tệ. Lúc đồng USD đang giảm giá, để đảm bảo giá trị, các quỹ này lại mua một lượng hàng có giá trị, trong đó có càfe. Khi càfe được giá, họ bán ra mong kiếm lời bù đắp phần thiệt hại do USD sụt giá. Chính việc bán tháo này làm giảm giá càfe.

Nhà sản xuất, nhà kinh doanh các mặt hàng nông sản có vị thế cao trên thị trường cần hiểu rõ sức mạnh chúng ta đã có, bình tĩnh phân tích để không bị động, hốt hoảng trước những diễn biến bất chợt trên thị trường. Tóm lại, cần có bản lĩnh hơn để có quyết định sáng suốt và đừng quên mình là ai trên thị trường thế giới.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường