Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VN "hút" doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Thái Lan
24 | 03 | 2008
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Thái Lan có mối quan tâm ngày càng cao đối với việc chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.
Tại hội thảo “Tác động của hội nhập kinh tế khu vực và Hành lang Đông - Tây đối với Đà Nẵng và miền Trung VN” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) và UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 20/3, ông Yoichi Kato, Chủ tịch JETRO Bangkok cho hay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Thái Lan có mối quan tâm ngày càng cao đối với việc chuyển hướng đầu tư sang VN.


Theo kết quả điều tra của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Thái Lan (JCCB) được tiến hành cuối năm 2007, số lượng thành viên JCCB từ 394 công ty vào năm 1985 đã tăng lên 1.290 vào tháng 1/2008. Tuy nhiên tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này đang có dấu hiệu xấu đi, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực, dệt may...

Kết quả điều tra của JCCB cho thấy, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Thái Lan trong thời kỳ 2007/2008 không tốt bằng đầu những năm 2000. Trong số 358 doanh nghiệp được khảo sát thì có 133 doanh nghiệp giảm lợi nhuận trong năm 2007 (37%), 76 doanh nghiệp không tăng được lợi nhuận (21%). Dự kiến năm 2008, tỷ lệ doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận có thể còn 25% song tỷ lệ doanh nghiệp không tăng được lợi nhuận lại lên 33%; còn tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận vẫn giữ nguyên 42% trong hai năm 2007 - 2008

Cuộc khảo sát này cũng đặt ra cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Thái Lan câu hỏi về thị trường có triển vọng trong tương lai. Điều đáng ghi nhận là VN đã được nâng từ hạng 3 ở cuộc khảo sát lần trước lên hạng 2 trong bảng xếp hạng gồm các thị trường như ASEAN, VN, Nhật Bản, Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Mỹ, Trung Đông...

Không những thế, qua điều tra của JETRO đối với các công ty Nhật Bản tại châu Á về những nước/khu vực được coi là địa điểm sản xuất trong 5-10 năm tới, VN cũng được đánh giá cao.

Trong 983 câu trả lời được tính, nếu không kể nước chủ nhà Nhật Bản thì VN được 194 công ty Nhật Bản nhắm đến trong 5-10 năm tới, vượt qua Trung Quốc (100 công ty), Thái Lan (90), Ấn Độ (63), Malaysia (12)... Riêng ở lĩnh vực sản xuất thiết bị điện và điện tử, VN cũng xếp sít sao với Trung Quốc (22 công ty, chiếm tỷ lệ 25,9% so với Trung Quốc là 24 công ty, chiếm 28,2%).

Trong khi đó, theo khảo sát của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) về hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của các công ty sản xuất Nhật Bản (tiến hành tháng 11/2007), VN đã được 178 công ty Nhật bình chọn là nước/khu vực hứa hẹn hoạt động kinh doanh ở nước ngoài trong trung hạn (khoảng 3 năm tới) so với năm 2006 là 159 công ty, xếp thứ 3 sau Trung Quốc (342) và Ấn Độ (254), nhưng trên Thái Lan, Nga, Mỹ, Brazil, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan...


Triển vọng nhiều, thách thức lớn!

Trả lời câu hỏi vì sao nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn chọn VN để “thay thế” Thái Lan, ông Yoichi Kato, Chủ tịch JETRO Bangkok cho hay, lý do đầu tiên là các doanh nghiệp Nhật muốn tránh rủi ro xuất phát từ sự tập trung vào Trung Quốc, nhất là tránh những rủi ro do đồng Nhân dân tệ tăng giá.

Tuy nhiên, một trong những sức hút lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản chính là và sự kết nối giữa VN, Campuachia, Lào và Đông Bắc Thái Lan trong Tiểu vùng Mê kông với thế giới qua cửa ngõ ra biển Đông ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Hơn nữa, VN có vị trí thuận lợi để kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN. Từ vị trí như vậy, các công ty Nhật có thể dễ dàng mở rộng phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng ra cả khu vực rộng lớn.

Mặt khác, theo ông Yoichi Kato, cùng với việc VN đã gia nhập WTO từ năm 2007, một trong những thuận lợi lớn của các công ty Nhật khi đến VN là mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản - VN. Từ các nhà lãnh đạo, giới doanh nghiệp đến người dân và dư luận xã hội đều tỏ ra có thiện cảm với các công ty Nhật. Ngoài ra, các yếu tố như trẻ, thông minh, được đào tạo căn bản và mức lương không cao của lực lượng lao động VN cũng là một sự hấp dẫn không nhỏ đối với các công ty Nhật.

Tuy nhiên từ cái nhìn đối với Đà Nẵng và miền Trung mở rộng ra VN, ông Shinichi Iwama, Chủ tịch Công ty Daiwa VN cũng chỉ ra cơ sở hạ tầng về phân phối hàng hoá từ VN ra thế giới còn hạn chế, mạng lưới vận chuyển trong nước cũng kém, phải mất nhiều thao tác liên quan đến vận chuyển đường bộ do thiếu cơ sở hạ tầng như các tuyến đường cao tốc...

Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng về cung ứng nguyên vật liệu, tư liệu... cũng còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tuy đã được cải thiện nhưng tốc độ và dung lượng đường truyền Internet còn kém, đặc biệt nguy cơ thiếu điện là rất cao... Doanh nghiệp phải thường xuyên chịu cảnh mất điện, mất nước theo kế hoạch nên đã gây không ít thiệt hại cho sản xuất.

Đối với việc bảo đảm nguồn nhân lực, ông Shinichi Iwama chỉ ra một thực tế là VN đang rất thiếu đội ngũ quản lý - giám sát có kỹ năng tay nghề cao; thiếu lực lượng chuyên môn do các ngành công nghiệp chưa phát triển nhiều; rất khó khăn để tìm được những người có kinh nghiệm trong công việc tại các doanh nghiệp; và đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực biết tiếng Nhật.

Theo đánh giá của ông Shinichi Iwama, ở VN còn ít người có kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp. Văn hoá “làm việc tại doanh nghiệp” chưa thấm nhuần trong toàn xã hội, do vậy cần phải đào tạo cho lực lượng lao động về quy tắc, đạo đức khi làm việc tại doanh nghiệp ngay từ khi mới tuyển dụng.

Do không đủ thể lực nên có nhiều lao động VN không chịu được sự căng thẳng và sức ép công việc khi phải đứng thao tác trong thời gian dài. Vấn đề “làm ngoài giờ” còn bị nhận thức chưa đúng do một trong những ảnh hưởng mang tính văn hoá của người Việt là coi trọng gia đình hơn tất cả. Lao động VN cũng thiếu tính linh hoạt khi phát sinh các vấn đề về thay đổi sản xuất

Ông Shinichi Iwama nhấn mạnh: “Khó có thể tìm thấy ở người công nhân VN những “ham muốn trưởng thành”, “ham muốn thăng tiến” (nắm bắt công việc nhanh một chút để có thể thăng tiến hơn”, “ham muốn tiền bạc” (muốn làm việc để có nhiều tiền hơn nữa”. Đồng thời, nếu so với nhân công Trung Quốc thì sự thành thạo trong công việc của lao động VN còn chậm, ít hiệu quả. Ngoài ra, dù có đào tạo nhân lực để đáp ứng các điều kiện trên thì cũng không khỏi lo lắng về việc họ sẽ gắn bó ổn định với doanh nghiệp...”.

Theo ông Shinichi Iwama, những điểm yếu này đang là thách thức không nhỏ để VN có thể thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường