Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế VN - Đến lúc "hãm phanh" để tránh khủng hoảng
26 | 03 | 2008
Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách Nhật Bản cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần áp dụng cách thức "tiếp đất mềm", "hãm phanh" nền kinh tế, quản lý chặt tài khoản vốn, xem xét các dòng vốn chứng khoán hoặc vay ngắn hạn...
"Hãm phanh" kinh tế để không bị sụp đổ- Việt Nam đang gặp phải hàng loạt vấn đề trong điều hành kinh tế vĩ mô. Ông có bình luận gì, thưa Giáo sư?

Chính phủ Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức lớn là làm thế nào để giữ cho nền kinh tế không tăng trưởng quá nóng. - Theo AFP.

Đó là điều bình thường với một quốc gia nhận được quá nhiều vốn so với GDP. Điều này cũng xảy ra ở Trung Quốc, mặc dù nguồn vốn của Trung Quốc khác Việt Nam, chủ yếu do xuất khẩu quá nhiều, thu hút lượng FDI lớn. Với Nga, Kuwait nguồn vốn chủ yếu do xuất khẩu dầu lửa...

Cùng với nguồn vốn vào lớn, tiêu dùng, xây dựng bùng nổ, khủng hoảng có thể xảy ra, lạm phát... Đó không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, ngay cả ở châu Phi, tại Nigeria, Mozambic, Zambia cũng tồn tại. Làm thế nào để giải quyết? Có hai việc Chính phủ có thể làm:

Một là hãm phanh phát triển kinh tế, dùng các biện pháp vĩ mô để nền kinh tế không bị phát triển nóng và sụp đổ. Cần để nền kinh tế tăng trưởng chậm và đi xuống chậm, hay còn gọi là "tiếp đất mềm" (soft landing).

Điểm thứ hai là áp dụng các biện pháp quản lý dòng vốn. Nhiều vốn quá cũng không tốt. Đôi khi bạn cần phải dự trữ vốn, không đưa vào sử dụng. Trung Quốc dự trữ qua ngân hàng trung ương, Kazactan bỏ tiền thu từ dầu lửa vào quỹ dầu lửa, không sử dụng ngay. Có lẽ Việt Nam cần một quỹ như vậy, mặc dù FDI hay ngoại hối là tiền tư nhân, do đó không dễ dàng bỏ vào quỹ công.
Hãm phanh kinh tế để không đổ vỡ.

Việt Nam nên bắt đầu thảo luận về việc này bởi vì các bạn bắt đầu gặp phải vấn đề về tài khoản vốn. Đây là vấn đề mới với Việt Nam nhưng là vấn đề xảy ra với các nước khác. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm các nước để không nhận quá nhiều, và khi đã nhận có thể để nguồn vốn sang một bên, không gây hiện tượng quá nóng trong nền kinh tế.

Học nói "không" để Việt Nam không thành "bãi rác công nghệ"

- Phải chăng nguồn vốn quá lớn so với GDP vì Việt Nam đã khá dễ dãi trong chấp thuận đầu tư? Nên chăng Việt Nam cần học nói "không" đối với các nhà đầu tư, thay vì chỉ biết nói có như hiện nay?

Trong một số tình huống, Việt Nam không nên chấp thuận cho phép đầu tư. Ví dụ, dự án thép khá lớn của một DN chưa từng hoạt động trong ngành thép đang xin đầu tư vào Việt Nam chẳng hạn.

Tuy nhiên, về cơ bản, những dự án FDI khá tốt và Việt Nam nên chấp thuận tất cả các dạng dự án, trừ những dự án bất khả thi, gây hại cho môi trường, hoặc gây hại cho an ninh quốc gia.

- Với việc chấp thuận khá nhiều dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm cho môi trường, liệu Việt Nam có thể trở thành "bãi rác công nghệ" của khu vực?

Đúng vậy. Môi trường là một trong những lí do để từ chối các dự án đầu tư. Tôi đã nghe một số khuyến nghị liên quan đến môi trường trong dự án thép Posco ở Vân Phong. Các bạn cần cân nhắc, đảm bảo rằng dự án sẽ không kéo theo những nguy hiểm cho môi trường, bóc lột sức lao động...

Tuy nhiên, theo tôi, điều Việt Nam cần quan ngại không phải là FDI mà chính là dòng vốn chứng khoán. Một năm trở lại đây, Việt Nam bắt đầu mở cửa thị trường này cho nước ngoài tham gia. Khi thị trường lên hay xuống, dòng vốn sẽ chảy ra hoặc chảy vào. Nguồn vốn này nguy hiểm hơn nhiều so với FDI.

Các khoản vay ngân hàng ngắn hạn cũng nguy hiểm, có thể dẫn đến khủng hoảng như đã từng xảy ra ở Chile, Argentina, Nga cũng như khủng hoảng châu Á 1997.

- Điểm cần quan ngại là gì, thưa ông?

FDI không gây ra khủng hoảng kinh tế - tài chính mà chính dòng vốn chứng khoán, vốn vay ngắn hạn mới là nguyên nhân. Việt Nam nên cẩn trọng trong thâu nhập dòng vốn đầu tư này.


Cùng với ngoại hối, một lượng cầu tiền lớn từ nước ngoài: FDI, ODA, vốn chứng khoán, ngoại hối... trong tương quan với GDP sẽ gây khó khăn trong quản lý vĩ mô.

Tất nhiên, Việt Nam muốn có nguồn vốn này, nhưng các bạn sẽ không muốn dòng vốn này bất ổn, gây nguy hiểm cho quản lý kinh tế vĩ mô.

Benedict Bingham, đại diện cao cấp của IMF: Việt Nam cần kiểm soát lãi suất ngắn hạn và tăng dần một cách hợp lý. Sau đó giữ ở mức đó khi lạm phát bắt đầu giảm. Tuy nhiên, để làm được như vậy, cần đạt được sự đồng thuận rằng giảm tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn là có thể chấp nhận được và đây là giải pháp để giảm lạm phát - Theo AFP.

Nếu rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế của Việt Nam sẽ kéo lùi lại nhiều năm và người dân sẽ bị tác động lớn. Việt Nam không muốn điều này.

Từ trước tới nay, Việt Nam chưa cần lo lắng, vì các bạn vẫn còn là một thị trường đóng trong lĩnh vực tài chính. Nhưng ngân hàng trung ương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, và các cơ quan liên quan của Việt Nam cần bắt đầu tính đến những dòng vốn bất ổn đó.

Hơn cả WTO, chính thị trường tài chính sẽ thách thức chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Các bạn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn.

Mở cửa thị trường tài chính 100% ngay sẽ nguy hiểm

- Liệu Việt Nam đã sẵn sàng để mở cửa thị trường tài chính chưa?

Tôi cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng. Các bạn đã phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài, mở cửa thị trường chứng khoán... Tuy nhiên, trước hết, Việt Nam phải tiến hành từng bước, không thể ngay lập tức mở cửa 100% bởi sẽ rất nguy hiểm.

Hai là, khi đã mở cửa, các bạn cần một cơ chế tiền tệ để quản lý việc liệu các ngân hàng cho vay đầu tư bất động sản, hoặc cho khách hàng vay quá nhiều trong khi khả năng thanh toán hạn chế...

Nếu thấy dấu hiệu của bất ổn, Việt Nam điều chỉnh bằng nhiều chính sách: Chính sách tài khóa sẽ trực tiếp hơn. Chính sách tiền tệ cần thắt chặt... Các cơ quan có liên quan cần đưa ra những quy định chặt hơn. Ví dụ, Việt Nam đưa ra quy định các nhà đầu tư phải ở Việt Nam ít nhất 6 tháng. Điều này tạo nên một thị trường không hoàn toàn tự do nhưng đôi khi rất cần thiết.

Những chính sách như vây sẽ làm giảm nhiệt cho nền kinh tế, giảm tốc độ phát triển nhưng không giết chết nền kinh tế. Có rất nhiều nước đã áp dụng cách thức này: như Malaysia sau khủng hoảng 1997.

- Xin cảm ơn Giáo sư!


Nguồn: VietNamNet

Liên hệ với người gửi tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn


Báo cáo phân tích thị trường