Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hungary tại Việt Nam - ông László Vizi đã khẳng định như vậy tại lễ khai trương Văn phòng tổ chức AHEAD Indochina tại Hà Nội ngày 29/3.
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Ông László Vizi cho biết, sự ra đời Văn phòng AHEAD Indochina tại Hà Nội là bước ngoặt lớn trong việc tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hungary. Hiện, các doanh nghiệp Hungary đang ngày càng tỏ ra quan tâm tới việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam.
Dấu hiệu rõ ràng cho thấy từ phía các doanh nghiệp Hungary đó chính là sự ra đời văn phòng AHEAD Indochina tại Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động của văn phòng là đẩy mạnh hợp tác một số lĩnh vực của nền kinh tế Hungary với Việt Nam như công nghệ thông tin, phát triển đô thị, giáo dục, du lịch, cố vấn doanh nghiệp và dịch vụ hòa giải giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hungary.
AHEAD Indochina sẽ phối hợp với một số chương trình phát triển và chương trình có sự hỗ trợ của chính phủ Hungary tại Việt Nam. AHEAD Indochina cũng thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam và Hungary về các lĩnh vực được chính phủ Hungary hỗ trợ như giáo dục, sức khỏe cộng đồng.
|
Xây dựng nhà ở, cao ốc văn phòng là lĩnh vực được các doanh nghiệp Hungary quan tâm |
Chính phủ Hungary luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược trong chính sách hợp tác phát triển. Điều này được thể hiện rõ nét trong chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển quốc tế của Hungary đối với Việt Nam. Từ năm 2004, Hungary là nhà tài trợ chính thức cho Việt Nam, luôn chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi nền kinh tế cho Việt Nam.
Chính phủ Hungary đã và đang tài trợ cho dự án nuôi cá nước ngọt có quy mô tương đối lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long và tiếp tục tài trợ cho nhiều đoàn Việt Nam đi khảo sát nghiên cứu kinh nghiệm chuyển đổi kinh tế ở Hungary.
Tại Hội nghị các nhà tài trợ (tháng 12/2007), Hungary đã cam kết dành cho Việt Nam khoản vốn hỗ trợ chính thức (ODA) trị giá 50 triệu USD, để thực hiện các dự án trên một số lĩnh vực mà Hungary có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như: Dự án quản lí dân số, cung cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải công nghiệp, bảo vệ môi trường. Hiện, Hungary đang xem xét dành một khoản tín dụng hỗ trợ khác khoảng 80 triệu euro cho lĩnh vực y tế của Việt Nam.
Kết nối doanh nghiệp hai nước
Được biết, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2006 tăng 23%, đến năm 2007 đã tăng lên 58%, đạt trên 84 triệu USD. Mặc dù con số này chưa tương xứng với tiềm năng hai nước, song với con số 5.000 người Việt đang làm ăn, sinh sống tại Hungary, sẽ đóng một vai trò lớn trong việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hiện, Hội Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary đã được thành lập tại Việt Nam, với thành phần gồm rất nhiều doanh nghiệp mà lãnh đạo là những hội viên tích cực của Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary, sẽ giúp cho quan hệ kinh tế song phương trở nên sôi động hơn, góp phần sớm đạt kim ngạch buôn bán hai chiều 100 triệu USD. |
Ông István Lénárt- Giám đốc điều hành AHEAD Indochina tại Hà Nội cho biết, AHEAD Indochina sẽ đại diện và cố vấn cho doanh nghiệp Việt Nam, Hungary và doanh nghiệp ở các quốc gia thứ ba; cung cấp giải pháp tài chính cho các giao dịch giữa các doanh nghiệp như: Tổ chức nguồn hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tài chính, trợ cấp phát triển thương mại. AHEAD Indochina ra đời nhằm đón trước xu hướng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hungary (hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau) tới tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư vào Việt Nam.
Những lĩnh vực mà doanh nghiệp Hungary quan tâm là du lịch; thương mại hàng hóa; sản xuất; giải pháp tích hợp công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ; an ninh công nghệ; cung cấp nước sinh hoạt và xử lí nước thải công nghiệp cũng như chế biến nông sản- thực phẩm; bất động sản, nhà ở, cao ốc văn phòng, khu nghỉ dưỡng và các tiện nghi liên quan...
Hiện, đã có nhiều doanh nghiệp Hungary đầu tư vào một số lĩnh vực mới tại Việt Nam như sản xuất phim hoạt hình bằng công nghệ hiện đại để xuất khẩu..., tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam.
Theo Đại sứ László Vizi, chính phủ hai nước đã thống nhất hỗ trợ và tăng cường hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực cũng như giữa các doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt là trong các lĩnh vực: Thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, thông tin truyền thông, trang thiết bị và công nghệ quân sự, tài chính và đầu tư, du lịch, nghiên cứu và phát triển, môi trường, y tế và giáo dục, cũng như trao đổi kinh nghiệm về quản lí chuyển đổi kinh tế.