+ Giữ vững sản xuất;
+ ổn định giá góp phần quan trọng trong kiểm soát tình hình lạm phát;
+ Cân đối đảm bảo an ninh lương thực
+ Cung cấp hàng hóa cho XK.
Bốn nhiệm vụ này hết sức nặng nề và khó khăn, bởi nếu không có những điều hành, xử lý hợp lý thì bản thân chính những mục tiêu này sẽ mâu thuẫn với nhau. Lương thực chiếm tới 42,8% trong rổ hàng hóa tính giá tiêu dùng, vì thế nếu thực hiện kiềm chế lạm phát, có nghĩa giữ không để giá lúa gạo trong nước bị đẩy lên quá cao, điều này rất dễ tác động tiêu cực tới sản xuất của bà con nông dân.
Còn nếu vì an ninh lương thực xiết chặt quá sản lượng gạo dành cho XK thì mục tiêu tăng trưởng XK cũng bị ảnh hưởng.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, chống lạm phát... lúc này phải áp dụng các biện pháp linh hoạt và những biện pháp tháo gỡ mang tính thời điểm đồng thời tính toán điều chỉnh những chính sách vĩ mô cho phù hợp với thực tế, phù hợp với đặc điểm của ngành, đặc biệt là tỉ giá và vốn.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương điều hành XK gạo một cách có tính toán. Trước mắt chỉ XK tối đa 4 triệu tấn gạo, tạm ngừng ở con số 1,8 triệu tấn gạo đã ký, chưa ký thêm hợp đồng mới.
Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa có văn bản gửi đến các doanh nghiệp thành viên. Theo đó, ngoài việc nhắc lại phải tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng trong tháng 3, hiệp hội còn yêu cầu các doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng xuất khẩu mới, phải có sẵn 70% nguồn hàng ở trong kho, nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự biến động của giá lúa gạo trong nước và tỉ giá USD.