Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tác động của WTO với kinh tế - xã hội Việt Nam
03 | 04 | 2008
Quá trình tự do hoá thương mại qua các kênh đa phương WTO hoặc hội nhập khu vực, hợp tác song phương mang lại nhiều lợi ích chung cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức cho Việt Nam bởi lạm phát tăng cao, cán cân xuất - nhập khẩu luôn mất cân đối khi Việt Nam trở thành nước nhập siêu
Ngày 2/4, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Tác động từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đến kinh tế và xã hội Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức. Tham dự Hội thảo có thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cùng Phái đoàn Uỷ ban châu Âu, các đại diện của Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế liên quan.

Nền kinh tế Việt Nam chuyển biến hết sức tích cực trong năm 2007 như tăng trưởng GDP tăng 8,48%, xuất khẩu đạt 21,5%, sản lượng công nghiệp tăng mạnh với mức 10,6%, số vốn cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt con số kỷ lục lên đến 20,3 tỷ USD, thị trường chứng khoán phát triển mạnh với tỷ lệ vốn hoá lên đến hơn 40% GDP. Việt Nam đang và ngày càng thu hút lượng lớn các nhà đầu tư lớn trên thế giới tới đầu tư, và trở thành một trong những quốc gia đang bứt phá mạnh mẽ về kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức khó khăn như tỷ lệ lạm phát 12,6%, thâm hụt thương mại tăng so với các năm trước ở mức 12,4 tỷ USD (gấp 2,5 lần so với năm 2006). Bên cạnh đó, việc thực thi các cam kết cùng làm phát sinh mối quan ngại về mặt xã hội song hành cùng cải cách hành chính và tự do hoá thương mại. Một số ngành kinh tế trong nước cũng có thể phải đối mặt với khó khăn trong việc điều chỉnh theo áp lực cạnh tranh ngày càng tăng phát sinh từ những cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Cũng như các nước khác, thực các cam kết gia nhập WTO sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế và xã hội Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh: Việc gia nhập WTO cũng đồng nghĩa với việc nước ta hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới và độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu tương đương khoảng 160% GDP, trong đó, nhập khẩu gần 90% GDP. Độ mở càng lớn thì mức độ giao thoa và tác động của tình hình kinh tế bên ngoài đến chúng ta càng lớn, càng tức thời. Trong bức tranh ảm đạm hiện nay của nền kinh tế thế giới, giá tăng cao ở hầu hết các nước thì nền kinh tế và mặt bằng giá trong nước đã và đang bị ảnh hưởng với mức độ mạnh hơn nhiều so với trước đây.

Lạm phát tăng cao ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân, song song với việc ra nhập WTO, Việt Nam còn tiền hành những hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, cùng với các thoả thuận của châu lục và khu vực. Thế nên, việc phân tích ảnh hưởng dẫn tới lạm phát vượt ngoài ước tính của Chính phủ như hiện nay có thể giải thích được là do các nguyên nhân: Nền kinh tế suy thoái chung trên toàn thế giới như ở Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu, rồi thị trường chứng khoán liên tiếp suy giảm… cũng ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc gia tăng chóng mặt của xăng, dầu, nguyên vật liệu… trên thế giới cũng tác động làm tăng mức lạm phát tại Việt Nam.

Theo ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại, Phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam lại cho rằng: Tác động qua lại kể từ khi Việt Nam ra nhập WTO thường xuyên xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Có thể thấy rõ rằng, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút lượng ngoại tệ khổng lồ vào đầu tư tại Việt Nam lên đến 37 tỷ USD. Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều tiến bộ về xóa đói giảm nghèo với con số ấn tượng 15% dân số thoát nghèo trong năm 2007.

Ông Berenguer cũng cho biết thêm: “Tỷ lệ lạm phát 12,6% cũng không đáng lo ngại, bởi hiện tại nhiều nước trên thế giới đều đang ở tình trạng này, có nước lên trên 20%. Việc giảm lạm phát cũng cần có thời gian và những định hướng cụ thể, lâu dài. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái nhằm hạn chế lạm phát với mục tiêu giảm lạm phát xuống dưới 12%, bình ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời thúc đẩy mạnh đầu tư, đạt tăng trưởng kinh tế 8 - 8,5%; kiên quyết tổ chức 19 biện pháp kiềm chế lạm pháp. Với những quyết tâm này, tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này, tiếp tục tiến trình hội nhập kinh tế thế giới”.



Nguồn: VOVNews
Báo cáo phân tích thị trường