Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới
04 | 04 | 2008
Ngày 2/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa ký hợp đồng mới cho đến tháng 6/2008 nhằm bảo đảm an ninh lương thực cũng như ổn định giá cả các mặt hàng này trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo VFA, từ đầu năm tới nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh đạt mức giá trung bình 530 USD/tấn trong khi năm 2007, giá gạo xuất khẩu chỉ đạt 309 USD/tấn.

Tính đến hết tháng 3/2008, các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 800.000 tấn gạo, thu về khoảng 310 triệu USD, chỉ tăng 20% về lượng nhưng tăng tới 61% về giá trị.

Sự tăng trưởng của xuất khẩu gạo góp phần đẩy giá gạo nguyên liệu lên tới “đỉnh” trên 6.000 đồng/kg so với mức thu mua trung bình từ đầu năm 2007 khoảng 4.500 đồng/kg nên hầu hết người trồng lúa đều có lãi cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2007.

Tuy nhiên, việc hạn chế ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới đã làm giá gạo nguyên liệu giảm nhanh, khiến người trồng lúa giảm lợi nhuận đáng kể. Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong đưa ra 2 lý do cơ bản dẫn đến quyết định của VFA đó là phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước do sản lượng lúa vụ đông - xuân ở miền Bắc sẽ thiếu 100.000-200.000 tấn do thời tiết, và cũng để đảm bảo ổn định giá lương thực trong nước.

Nhưng theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, việc hạn chế xuất khẩu gạo ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người nông dân trong khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại là người được lợi.

Bởi trước đó, ở những thời điểm giá gạo nguyên liệu lên cao (có lúc lên trên 6.000 đồng/kg), cùng sự giảm giá của đồng USD, khan hiếm tiền VND đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị thua lỗ do ký những hợp đồng ở thời điểm giá thấp nhưng phải giao hàng khi giá lên cao.

Còn hiện tại, mức giá gạo nguyên liệu hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả kinh doanh khi còn tới 1 triệu tấn gạo cần phải giao trong các hợp đồng. “Giá gạo xuất khẩu cao như hiện nay là cơ hội tốt để nông dân trồng lúa tăng năng suất, thu nhập.

Đặc biệt, trong khi thế giới khủng hoảng thiếu lương thực, thì chất lượng gạo quá ngon cũng không cần thiết mà chỉ cần đủ số lượng, do vậy, cần tập trung nghiên cứu, sản xuất các giống lúa cho năng suất cao, kháng rầy nâu.

Thêm nữa, cần phải kiện toàn hệ thống thông tin để có thể tính toán lượng gạo hiện có trong nước ở từng thời điểm, địa phương, doanh nghiệp cụ thể từ đó xác định chúng ta có thể xuất khẩu được bao nhiêu”, ông Xuân nói.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cũng khẳng định, cuối năm 2008, giá gạo ở thị trường thế giới nếu không tăng thì cũng đứng ở mức cao như hiện nay, hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp và nông dân.


Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường