Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá hàng hóa lại đua nhau tăng
04 | 04 | 2008
Khoảng 90% đơn vị cung cấp hàng cho các siêu thị ở TPHCM đã thông báo tăng giá 10%- 15% ngay trong tháng 4 và tháng 5.

Sức mua tại nhiều siêu thị đang giảm. Bà Huỳnh Thu Mai ở gần chợ đầu mối thịt heo Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình- TPHCM) bức xúc: Không hiểu vì sao gần đây giá thịt heo tăng liên tục. Cũng giống như bà Thu Mai, nhiều bà nội trợ đang than vắn, thở dài vì “giá tăng khiếp quá”.
Tăng giá mạnh nhất là thực phẩm, hóa mỹ phẩm...
Khảo sát tại các chợ TPHCM cho thấy, từ đầu tuần rất nhiều mặt hàng tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là các mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, vật dụng gia đình... Riêng nhóm hàng rau củ quả dù nguồn hàng về các chợ đầu mối khá dồi dào với mức giá ổn định nhưng tại các chợ lẻ, giá vẫn được đẩy lên liên tục...
Tại các siêu thị, giá hàng loạt mặt hàng vừa được điều chỉnh tăng từ 5%-15%. Các siêu thị Saigon Co.op, Maximark, Citimart, BigC... đều cho biết đã có khoảng 90% doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị đã đồng loạt thông báo tăng giá hàng chục ngàn sản phẩm ngay trong tháng 4 và tháng 5 này.
Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart, cho biết ngay trong những ngày đầu tháng 4 đã có khoảng 30.000 sản phẩm ở hầu hết các ngành hàng của hơn 90% doanh nghiệp cung cấp hàng cho Citimart đã tăng giá từ 10%-15%. Cá biệt có sản phẩm tăng mạnh hơn nhiều. Chẳng hạn giá dầu ăn trước đây khoảng 120.000 đồng/bình 5 lít thì nay tăng lên trên 200.000 đồng/bình; thịt hộp từ 7.500 đồng lên 9.200 đồng/hộp nhỏ...
Bà Nguyễn Ánh Hồng, chủ hệ thống siêu thị Maximark, thông tin mức giá tăng phổ biến nhất là từ 5%-15%, thậm chí có loại tăng từ 20%- 40%. Saigon Co.op cũng cho biết từ giữa tháng 4 và đầu tháng 5 tới sẽ có hàng loạt mặt hàng tăng giá như nước chấm tăng 10%-20%, thủy hải sản đông lạnh tăng từ 5%-10%, đồ hộp tăng 7%, rượu tăng từ 10%-30%...
Các siêu thị thừa nhận do giá cả tăng cao nên sức tiêu thụ hiện nay đã giảm 10%-15%, buộc nhiều siêu thị phải tìm biện pháp kìm giá. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết đối với những chủ hàng tăng giá bất hợp lý thì Co.op kiên quyết không nhập hàng hoặc chỉ nhập cầm chừng để có thời gian đi tìm nguồn hàng khác có mức giá hợp lý hơn.
Nhiều mặt hàng tăng chưa hợp lý
Trong thông báo tăng giá, rất nhiều đơn vị giải thích là do chi phí sản xuất tăng, đặc biệt là giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, cũng có không ít đơn vị cho biết họ sẽ không tăng giá trong nhiều tháng tới.
Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Hanco, nói: Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu sữa trên thế giới không hề tăng, vẫn ở mức 5.500 USD/tấn như năm ngoái, không có cớ gì phải tăng giá bán mặt hàng này. Đối với mặt hàng bánh kẹo với nguyên liệu chính là bột mì và đường cũng chưa thấy biến động giá nhiều.
Một số ngành hàng đúng là giá nguyên liệu đầu vào có tăng cao nhưng do chủ động được nguồn hàng nên doanh nghiệp vẫn chưa phải tăng giá. Ông Diệp Nam Hải, Phó Giám đốc Công ty Cholimex, khẳng định các loại thực phẩm chế biến của đơn vị ông vẫn giữ mức giá ổn định từ đầu năm đến nay. Ông cho biết tăng giá không phải là giải pháp tốt đối với doanh nghiệp, vì vậy đơn vị ông đã chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu dự trữ để có khả năng gồng gánh cho cả năm.
Giá nhiều mặt hàng nhựa, nhôm, inox gia dụng trên thị trường vừa được đẩy lên khoảng 10%, nhưng nhiều nhà sản xuất cho biết đó là do giới bán lẻ nâng giá chứ giá gốc từ nhà sản xuất không tăng.
Lãnh đạo một công ty sản xuất đồ nhựa nói: Năm ngoái, có lúc giá nguyên liệu nhựa tăng mạnh đến 1.900 USD/tấn, nhưng nay giá vẫn đứng ở mức khoảng 1.700 USD- 1.800 USD/tấn nên đơn vị vẫn còn tự trang trải được mà không cần phải tăng giá.
Nhiều nhà sản xuất nhận xét giá tăng mạnh như hiện nay là có dấu hiệu bất thường (có thể do yếu tố tâm lý nhiều hơn) vì gần đây giá nguyên liệu trên thế giới đang có xu hướng chựng lại, thậm chí giảm, tuy mức giảm chưa nhiều.



kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường