Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bớt xuất khẩu để kềm giá gạo
04 | 04 | 2008
VN vừa quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo đến tháng 6-2008 và trong năm nay cũng chỉ xuất 3,5-4 triệu tấn gạo. Động thái trên được xem là nhằm ổn định đời sống và kiềm chế lạm phát...
Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã thông báo tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu (XK) gạo đến hết tháng 6-2008 và giảm chỉ tiêu XK gạo năm 2008 tối đa còn 3,5-4 triệu tấn. Vì sao phải giảm XK và việc này có ảnh hưởng đến nông dân? Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông Trương Thanh Phong (ảnh) - chủ tịch VFA.

* Thưa ông, việc bớt XK gạo có thể gây thiệt hại cho người trồng lúa?

- Tôi khẳng định giá gạo XK thế giới sẽ ở mức cao không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài trong vài năm tới. Do đó, doanh nghiệp và nông dân không phải lo vì càng chậm XK gạo, chúng ta càng có lợi về giá. Riêng với nông dân, tôi cho rằng cũng không bị thiệt vì vụ đông xuân tại ĐBSCL cơ bản đã được thu hoạch xong và phần lớn nông dân bán lúa ngay tại ruộng với giá rất cao, lên tới 4.200-4.300 đồng/kg. Thậm chí hiện nay giá gạo nguyên liệu không giảm mà còn tăng, chỉ trong hai ngày qua đã tăng 300-400 đồng/kg, lên tới 6.100-6.200 đồng/kg.

Cũng sẽ có ý kiến lo ngại giá vật tư đầu vào đối với sản xuất lúa tăng, giá thành lúa bị đẩy lên, nông dân sẽ bị thiệt hại nếu giá lúa không tăng. Thực tế thì giá thành sản xuất lúa có tăng nhưng hiện bình quân chỉ khoảng 2.000-2.200 đồng/kg, trong khi giá bán lúa cao hơn nhiều, như vậy người làm lúa được lãi gấp đôi rồi.

* Giá gạo XK đang tăng cao, vì sao phải tạm ngừng XK, thưa ông?

- Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã ký xuất đến 1,8 triệu tấn, trong đó chỉ mới giao 800.000 tấn, còn phải giao khoảng 1 triệu tấn nữa trong hai tháng tới. Các doanh nghiệp phải tập trung giao hàng, hơn nữa lúa đông xuân cũng đâu còn nhiều mà ký. Việc ký hợp đồng XK nhiều cũng sẽ gây biến động giá, ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân nói chung. Giá gạo XK giữa tháng 3-2008 chỉ có 5.600-5.700 đồng/kg, nay đã nhảy vọt lên 6.100-6.200 đồng/kg. Đây là hiện tượng không tốt, chưa kể một số nơi đã xuất hiện hiện tượng gom hàng đầu cơ.

Thời gian qua giá lương thực thực phẩm tăng quá mạnh làm đời sống người dân gặp khó khăn.Vì vậy, việc ổn định giá lương thực cũng nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, giữ cho giá cả trong nước không tăng nhiều.

Trong đợt rét đậm vừa qua ở phía Bắc, hầu hết diện tích lúa đông xuân khu vực này bị chết, hiện đang khôi phục. Do đó, thời điểm thu hoạch có thể chậm khoảng một tháng và nguy cơ thiếu gạo vào thời điểm giáp hạt là điều khó tránh khỏi. Nếu không đảm bảo nguồn cân đối, có thể xảy ra nguy cơ đói cục bộ tại khu vực này. Hơn nữa, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, chưa có gì đảm bảo vụ hè thu tại khu vực ĐBSCL sẽ thuận lợi. Để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, dự phòng những tình huống xấu, Chính phủ chỉ đạo năm nay chỉ XK khoảng 3,5-4 triệu tấn gạo, trong đó từ nay đến tháng 9-2008 chỉ xuất khoảng 3,2 triệu tấn để ổn định tình hình trong nước.

Nếu đến cuối năm mà vụ đông xuân phía Bắc cũng như hè thu ở ĐBSCL đạt tốt, lúa gạo còn nhiều, Chính phủ sẽ cho phép tăng lượng gạo XK. Đừng quá lo về giá mà chỉ lo không có gạo để xuất. Vấn đề là chuẩn bị cho tốt vụ hè thu tại ĐBSCL cũng như chăm sóc tốt cho đông xuân muộn khu vực phía Bắc để có gạo XK tới đây.

Vì sao giá thực phẩm thế giới tăng cao?

Các nguyên nhân khác

- Nhu cầu gia tăng: Trong mười năm qua dân số thế giới đã tăng hai lần, nhiều hơn mức tăng sản lượng lúa gạo.

- Nhiên liệu sinh học: Cuộc đua sản xuất nhiên liệu xanh như ethanol (làm từ ngô) góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực.

- Khí hậu bất thường: Hạn hán nghiêm trọng nhất trong mười năm qua tại Úc, nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, khiến thị trường lúa mì đảo lộn. Hạn hán cũng xảy ra liên tiếp tại Nam Phi, châu Âu, Trung Quốc…

- Giá dầu tăng: Giá dầu tăng vọt đẩy giá phân bón và phí vận chuyển hàng nông nghiệp. Giá dầu cũng gây áp lực đẩy các nước chuyển sang nhiên liệu sinh học, góp phần làm tăng giá ngô, đường và đỗ tương.

- Đầu tư thiếu hụt: Ngành nông nghiệp toàn cầu không đầu tư đủ vào sản xuất trong vòng năm năm qua.

- Cây trồng bị bệnh: Nhiều loại bệnh đang ảnh hưởng đến vụ mùa tại các nước như VN, Pakistan, Ấn Độ, châu Phi…

Giá thực phẩm đang tăng vùn vụt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Lý do vì đâu? Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia kinh tế Mỹ nhận định chính các nhà đầu tư là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên.

Theo Reuters, kể từ năm 2002 các quĩ đầu tư toàn cầu bắt đầu đổ tiền vào dầu lửa, kim loại và ngũ cốc với mong muốn thu lợi nhuận lớn hơn so với cổ phiếu hoặc trái phiếu. Tỉ lệ lãi suất tại các nền kinh tế lớn sụt giảm khiến đầu tư vào chứng khoán trở nên kém hấp dẫn hơn, trong khi đồng USD yếu khiến giá các loại ngũ cốc vốn được định giá bằng USD tăng cao, do đó chiến lược trên càng trở nên phổ biến.

Các nhà kinh tế Mỹ cho biết xu hướng trên đã kích thích giới đầu cơ lao vào thị trường thực phẩm, đẩy giá ngô (bắp), đỗ tương, lúa mì… lên những mức cao chưa từng có.

“Có quá nhiều tay chơi mới trong trò chơi buôn bán hàng nông nghiệp, và sự quan tâm của những tay chơi mới này trong thị trường chỉ mang tính chất đầu cơ” - Reuters dẫn lời ông Chad Hard, nhà kinh tế học nông nghiệp ĐH Iowa.

Theo ông Hard, dù thị trường hàng nông nghiệp giao dịch theo những nguyên tắc cơ bản như kết quả thu hoạch vụ mùa, thì dòng vốn mới đổ vào đã khiến thị trường trở nên bất ổn. Còn ông Gary Kaltbaum, điều hành quĩ đầu tư vào ngũ cốc, cho biết: “Không may là khi những người này giao dịch hàng hóa nông nghiệp, họ không hề quan tâm đến tác động xã hội”. “Những gì họ làm là đầu tư, và nhiệm vụ của họ là kiếm tiền - ông Kaltbaum nhận định - Nếu họ thấy hàng hóa nào sẽ tăng giá, họ giao dịch hàng hóa đó. Họ không hề lo lắng đến hậu quả xảy ra ở những nơi khác”.

Theo các chuyên gia, các thị trường ngũ cốc trên thế giới hiện quá nhỏ để có thể “tiêu hóa” hết dòng vốn ào ạt đổ vào. Tổng giá trị giao dịch ngô, đỗ tương và lúa mì tại sàn giao dịch Chicago chỉ chưa đầy 1% so với con số 3.000 tỉ USD giao dịch mỗi ngày trên thị trường ngoại hối toàn cầu. Tổng giá trị sản phẩm ngô, đỗ tương và lúa mì của Mỹ chỉ đạt mức 92,51 tỉ USD, trong khi giá trị thị trường chứng khoán Mỹ lên đến 16.000 tỉ USD.

Nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng lương thực có thể là các nước vùng vịnh Persic. Từ năm ngoái, món cơm đã không còn xuất hiện ở nhiều tiệm ăn, cửa hàng lương thực cũng thiếu gạo để bán. Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất có lẽ là các nước nghèo ở châu Phi.

Giá lúa giảm nhẹ

Chuyển lúa ở Nông trường Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Giá lúa hiện nay là 4.200 đồng/kg, tăng khoảng 40% so với năm trước

Những ngày qua, giá lúa ở khu vực ĐBSCL có dấu hiệu chững lại, có nơi giảm 200-300 đồng/kg so với tuần trước.

Cuối tháng trước giá lúa dài thường dao động từ 4.300-4.500 đồng/kg thì chiều 3-4 ở An Giang, Cần Thơ chỉ còn 4.200 đồng/kg. Dọc theo tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua địa bàn ba tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, thương lái mua lúa dài thường tại sân phơi của nông dân chỉ với giá 4.000-4.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với tuần trước. Tình trạng tranh mua cũng không còn diễn ra như trước trong khi người dân rất cần bán lúa để tái đầu tư cho mùa vụ mới.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - cho rằng hiện nay một số nơi giá lúa bắt đầu giảm nhưng giá vật tư nông nghiệp lại tăng quá cao. Lúc trước, khi thấy giá lúa tăng nông dân rất vui vì cân đối được giá vật tư nông nghiệp, nhưng bây giờ bà con rất lo lắng trước vụ hè thu mới. Thông thường sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nông dân ĐBSCL bắt đầu bán lúa để trả lãi vay vốn ngắn hạn ở ngân hàng đồng thời mua lúa giống, phân bón... để đầu tư cho vụ hè thu, nhưng vài ngày qua rất ít người mua lúa và giá lúa lại giảm là một thiệt thòi lớn đối với nhà nông.

Hiện nay toàn vùng ĐBSCL đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa đông xuân và gieo sạ được khoảng 100.000ha lúa hè thu sớm.



Nguồn: Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường