Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chứng chỉ GAP: một trong những chỉ tiêu quan trọng, uy tín để trái cây tham gia thị trường xuất khẩu
08 | 04 | 2008
Tại “vựa” trái cây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xoài là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng giống các “đồng nghiệp” của mình, giá trị xuất khẩu xoài khá thấp do chất lượng kém, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo... Để khắc phục những nhược điểm trên, các chuyên gia cho rằng, thực hiện quy trình GAP (Good Agricultural Practices) là hướng đi hiệu quả nhất.
Nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm trái cây nói chung và xoài nói riêng đang hướng tới chất lượng cao và an toàn. Tuy nhiên, người trồng xoài ở ĐBSCL đang lộ rõ những nhược điểm trong quá trình tổ chức sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, lưu thông phân phối.

Muốn có nguồn hàng xuất khẩu ổn định, điều cần thiết là phải có vùng nguyên liệu rộng lớn, được đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, tại các vùng trồng xoài lớn ở ĐBSCL (Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ...), hầu hết các địa phương chưa chú trọng việc hình thành vùng chuyên canh. Mạnh nhà nào nhà ấy trồng, nên mặc dù ĐBSCL có tới 41.000ha xoài, chiếm 50% diện tích xoài của cả nước nhưng vẫn rất manh mún. Chính vì vậy, khi đối tác cần mua với số lượng lớn, mỗi gia đình không thể tự đáp ứng mà phải gom hàng ở nhiều nhà vườn. Đây chính là nguyên nhân khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều, kéo theo sự tụt giá của cả lô hàng, không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu mà còn khiến người trồng mất đi cơ hội liên kết làm ăn lớn.

Chất lượng xoài Việt Nam không hề thua kém Thái Lan, tuy nhiên, những hạn chế trong việc trồng, chăm sóc đang là rào cản lớn nhất khiến chúng ta không thể xuất khẩu nhiều như nước bạn. Ngay từ khâu đầu tiên là chọn giống, các nhà vườn đã vấp phải “chướng ngại vật” là nguồn giống kém chất lượng. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều thiếu vườn cây đầu dòng, hoặc không có vườn cây cung cấp mắt ghép nhân từ cây đầu dòng được xác nhận nên cây giống yếu ớt, còi cọc. Chọn giống đã khó, chăm sóc để cây đạt năng suất, hiệu quả như mong muốn càng khó hơn. Đa số nhà vườn không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... Cũng từ nguyên nhân trên mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, khó thâm nhập vào các thị trường lớn, tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Thách thức mà xoài Việt Nam phải đối mặt là thực hiện các luật, hiệp định và cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp các sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Chính vì vậy, chứng chỉ GAP là một trong những chỉ tiêu quan trọng, là uy tín để xoài tham gia thị trường xuất khẩu.

Ở ĐBSCL, mô hình trồng cây ăn trái theo hướng GAP đang được triển khai trên một số loại cây, trong đó có xoài cát Hòa Lộc. HTX Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) là một trong số các đơn vị đang thực hiện trồng xoài theo tiêu chuẩn GAP trong chương trình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây an toàn (GAP) khu vực sông Tiền”. Phó chủ nhiệm HTX Hòa Lộc, HTX hiện có 21 hộ tham gia chương trình với 17ha xoài cát Hòa Lộc. Vụ xoài sắp tới (cuối tháng 04/2008) những trái xoài được chăm sóc theo quy trình này sẽ được thu hoạch và cung cấp cho thị trường.

Chủ nhiệm Hợp tác xã xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc - Đồng Tháp) cho biết, điều quan trọng nhất là làm thế nào để phát huy được sức mạnh của tập thể. Chính vì vậy, từ khi hình thành, Ban lãnh đạo HTX đã đề ra tiêu chí hoạt động: sản xuất xoài sạch theo hướng GAP và đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu để dễ tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. Ngoài việc tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất, HTX còn chủ động hoạt động theo phương châm: Ban lãnh đạo phải hy sinh lợi ích cá nhân, bù lỗ những chi phí nhỏ; xã viên không phải đóng một khoản phí nào. Song song đó, HTX vừa lo đầu ra cho các sản phẩm, vừa tiến tới thành lập nhà xưởng và dây chuyền sơ chế đóng gói trái cây trước khi đưa ra thị trường.

Sản xuất xoài theo hướng GAP có nhiều ưu điểm: Giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, an toàn hơn cho người sử dụng. Trái xoài được sản xuất theo quy trình GAP là đòi hỏi của người tiêu dùng trong những năm tới.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường