Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường điều thế giới 2007 sẽ khởi sắc
07 | 04 | 2008
Giá điều thế giới tăng nhẹ trong những tháng đầu 2007 trong bối cảnh cung - cầu tương đối cân bằng. Các nhà chế biến bắt đầu tiến hành mua điều vào, trong khi nguồn cung khá dồi dào. Điều W 320 của Ấn Độ giá tăng nhẹ, từ 2,14 USD/lb lên 2,2 USD/lb, trong khi điều W 3 của Braxin tăng từ 1,85 USD/lb lên 1,88 USD/lb. Giá điều xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 15 USD/tấn lên 4.410 USD/tấn, FOB. Dự báo giá điều sẽ tiếp tục vững trong những tháng tới nhờ nhu cầu tăng.
Ấn Độ tiếp tục là nước sản xuất và xuất khẩu điều lớn nhất thế giới. Sản lượng điều Ấn Độ hiện đạt khoảng 450.000 tấn/năm, và mục tiêu tăng tới 1,95 triệu tấn vào năm 2020. Xuất khẩu điều nhân của Ấn Độ hàng năm đạt khoảng 114.000 tấn, trị giá 23 tỷ Rupi. Trong 5 năm qua, khối lượng và trị giá xuất khẩu điều của Ấn Độ biến động theo chiều hướng tăng. Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ điều chính của Ấn Độ, với khối lượng nhập mỗi năm khoảng 50.000 tấn. Các thị trường lớn khác là Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật Bản…
Nhu cầu điều ở thị trường Nhật Bản đang tăng nhanh cùng với sự phát triển của ngành sản xuất thực phẩm và bánh kẹo – ngành có mức tăng trưởng hàng năm khoảng 20%. Hàng năm Nhật nhập khẩu khoảng 6.100 tấn điều từ Ấn Độ, trong đó 90% là điều nguyên hạt và 10% là điều vỡ. Nhu cầu điều vỡ ở thị trường này đang tăng rất nhanh. Xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ trong 9 tháng đầu tài khoá 2006/07 đạt 89.586 tấn, trị giá 18.664,4 triệu rupi, so với mức tương ứng 86.404 tấn và 19.293 triệu rupi cùng kỳ tài khoá trước.
Sản lượng điều Việt Nam năm 2006 giảm mạnh so với năm trước, giảm trên 70.000 tấn, xuống 280.000 tấn do thời tiết bất lợi. Sản lượng năm 2007 dự kiến sẽ đạt 350.000 tấn. Cộng thêm 50.000 tấn nhập khẩu từ Campuchia, tổng sản lượng điều nguyên liệu cho các DN chế biến - XK sẽ là hơn 400.000 tấn. Xuất khẩu điều năm qua đạt 130.000 tấn, trị giá 520 triệu USD, tăng 35 triệu USD so với năm trước mặc dù giá điều xuất khẩu giảm 10%. Xuất khẩu điều năm qua chủ yếu là điều chế biến từ điều thô nhập từ châu Phi và Indonexia vì nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Dự kiến xuất khẩu năm 2007 sẽ đạt 700 triệu USD. Việt Nam đặt mục tiêu tăng diện tích điều lên 450.000 ha vào 2010, so với 350.000 ha hiện nay để đáp ứng đủ nguyên liệu cho ngành chế biến điều.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu điều nước ta đạt khoảng 19.000 tấn, trị giá 75 triệu USD, tăng 127% về lượng, 122% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2006, trong đó riêng sang Mỹ đạt 3.080 tấn, kim ngạch đạt 13,22 triệu USD. Giá hạt điều xuất khẩu trung bình vào thị trường này đạt 4.279 USD/tấn, tăng 6% so với tháng 12/2006. Xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Singgapore, Hồng Kông và Đài Loan tiếp tục tăng, trong khi xuất khẩu sang các thị trường mới như UAE, Đức, Thái Lan và Na Uy cũng tăng rất mạnh, tăng 300% về lượng trong tháng 1/2007 so với tháng 12/2006.
Ngành điều trên thế giới đã có từ lâu nhưng hoạt động còn mang tính riêng lẻ, chưa có sự hợp tác để đề ra phương hướng phát triển chung. Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam cùng Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu điều Ấn Độ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn cầu quảng bá xúc tiến điều. Biên bản này sẽ được gởi sang Hiệp hội Những nhà sản xuất điều Brazil, sau khi xác nhận và bổ sung của tổ chức này thì 3 bên sẽ kí biên bản ghi nhớ hợp tác toàn cầu trong tháng 4/2007. Brazil là nơi khai sinh của điều, Ấn Độ là quốc gia trồng điều và đi tiên phong trong việc phát hiện điều nhân có thể ăn được và phát triển ra thị trường quốc tế. Những năm gần đây, 3 quốc gia này nhận thấy một số vấn đề liên quan đến lợi ích chung, lợi ích hợp tác, lợi ích thương mại khác nhau của 3 nước đã và đang tác động qua lại lẫn nhau. Cả 3 quốc gia này đang gặp nhau tại điểm chung: cần quảng bá xúc tiến điều, coi điều như sản phẩm xứng đáng được tiêu thụ mạnh hơn. Cả 3 tổ chức ngành điều nhận ra rằng thị trường điều thế giới có thể được mở rộng bởi quá trình xúc tiến liên kết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang tăng.
Nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác toàn cầu là 3 nước chung sức thuyết phục các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Thương mại Quốc tế, Cơ quan tư vấn cải cách của Liên hợp quốc..., nhằm mục đích coi điều như một loại thực phẩm trọng yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Cũng theo biên bản, các nước sẽ phối hợp quảng bá tiêu thụ hạt điều trong những lĩnh vực hàng hoá mới đang phát triển như hạt điều phụ liệu trong sôcôla nhân điều, bánh kẹo điều..., hợp tác với nhau trong lĩnh vực nghiên cứu về ảnh hưởng tích cực của hạt điều đến dinh dưỡng và sức khoẻ con người. Đồng thời, xin gia nhập Hội đồng Hạt và Hoa quả khô thế giới nhằm xúc tiến, đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ hạt điều trên thế giới.
Dự kiến thị trường điều thế giới năm 2007 sẽ khởi sắc sau nhiều nửa thập kỷ khó khăn. Mặc dù giá còn bấp bênh, xong dự báo giá điều thô và điều nhân sẽ đều tăng trong năm 2007 sau năm 2006 mất mùa ở nhiều nơi. Nhu cầu điều nhân của người tiêu dùng sẽ tiếp tục xu hướng tăng.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường