Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dịch heo tai xanh có thể tấn công miền Bắc và miền Nam
08 | 04 | 2008
Trước tình hình dịch bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản (heo tai xanh) ở heo bùng phát dữ dội tại các tỉnh miền Trung, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng (ảnh) về nguyên nhân và cách đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
- Thưa Thứ trưởng, sau khi Hà Tĩnh phát dịch heo tai xanh, đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ lây lan của dịch bệnh này và các biện pháp phòng chống, song hiện nay, dịch đã bùng phát dữ dội. Có phải các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quá chủ quan đối phó với dịch heo tai xanh?

Dịch heo tai xanh do virus gây ra ở heo đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã quá chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Theo xác định bước đầu của Bộ NN-PTNT, nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát là do người dân bán chạy heo bệnh mà hầu như không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, khiến cho miền Trung bị bùng phát dịch heo tai xanh. Nếu tiếp tục buông lỏng các biện pháp đối phó với dịch bệnh, thì dịch có thể tấn công tới miền Bắc và cả miền Nam.

- Phải chăng do không lường trước được tốc độ lây lan dịch bệnh mà Bộ NN-PTNT đã phản ứng chậm?

Ngay từ khi dịch mới nhen nhóm ở Hà Tĩnh, chúng tôi đã liên tục có công điện yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch bệnh. Song việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển heo gặp nhiều khó khăn, trong khi bệnh tai xanh có tốc độ lay lan rất nhanh và là bệnh mới ở heo nên nhiều người chăn nuôi chưa có hiểu biết về biện pháp phòng chống, có những nơi, những lúc làm còn lúng túng. Trong khi đó, tư thương mua bán và vận chuyển trái phép gia súc mắc bệnh diễn ra khá phổ biến; một số người dân thiếu ý thức vứt xác heo bệnh bừa bãi ở nhiều nơi khiến mầm bệnh phát tán rộng. Hiện nay các lãnh đạo của Cục Thú y đang có mặt ở những điểm nóng chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó với dịch bệnh. Chúng tôi thống nhất hành động tiêu hủy ngay, triệt để toàn bộ số heo bị bệnh, không giữ để chữa trị. Huy động lực lượng thực hiện nhanh, gọn việc tiêu hủy.

- Hiện chưa có vaccine đặc trị cho heo nhiễm bệnh heo tai xanh, Thứ trưởng có khuyến cáo gì với người chăn nuôi phòng dịch bệnh này?

Ngoài các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên, Bộ NN-PTNT khuyến cáo các địa phương có chương trình, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân tăng cường dinh dưỡng cho heo; tiêm thuốc tăng lực, kháng sinh chống các bệnh bội nhiễm khác cho heo theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Khi nào sẽ có chính sách mới về hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy, thưa Thứ trưởng?

Bộ NN-PTNT đã thống nhất với Bộ Tài chính tăng mức hỗ trợ hiện nay đối với đàn heo bị tiêu hủy lên sát với giá thị trường. Trong tuần này, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Cảm ơn Thứ trưởng.

Thành Nam (thực hiện)

Thanh Hóa: Đã tiêu hủy gần 15.000 con heo bị bệnh
Tính đến ngày 6-4, tỉnh Thanh Hóa đã có 40.931 con heo bị ốm chết do bệnh heo tai xanh. Trong 2 ngày 5 và 6-4, tại các địa phương có heo bị ốm chết đã đào hố tiêu hủy được 14.742 con. Từ nay đến ngày 10-4 phải tiêu hủy hết số lượng heo đã bị ốm chết. Đồng thời thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch, chống lây lan như: lập các chốt trạm kiểm dịch tại các thôn xóm nơi có dịch; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên phạm vi rộng nơi có dịch…

Đến nay, dịch heo tai xanh đã bùng phát tại 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thanh Hóa và Nghệ An.

Đ. Hợp - V. Nghĩa




Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn


Báo cáo phân tích thị trường