Theo Sang, chính nhờ trồng trên vùng đất màu mỡ được bồi đắp bằng phù sa của sông Đồng Nai nên trái bưởi Tân Triều có hương vị rất đặc biệt. Nhưng dù vậy, bưởi Tân Triều cũng có một thời gian lao đao, giá bán thấp do chưa có thương hiệu. Anh nói: “Lúc còn làm việc ở siêu thị, nhìn những trái cây ngoại được trưng bày với tem mác rất bắt mắt, tôi không khỏi chạnh lòng cho trái bưởi quê mình”. Chính vì vậy, Sang luôn mong muốn tự mình viết tên quê hương lên từng trái bưởi để chúng bay đến mọi miền và ra thế giới. Anh quyết tâm tạo dựng thương hiệu cho bưởi Tân Triều. Cuối năm 2003, anh lập website: buoibienhoa.vn và lặn lội lên TP.Hồ Chí Minh đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền cho bưởi Tân Triều. Song song đó, anh thành lập DNTN Quê Hương Tân Triều (95 Cách Mạng Tháng Tám, TP Biên Hòa) với mục đích đưa bưởi vào siêu thị.
Nhưng để bưởi Tân Triều vào được siêu thị, ngoài những đòi hỏi về chất lượng cần bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, mẫu mã đẹp. Năm 2004, Sang ra Hà Nội, tìm đến Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam mua máy ozon xử lý bưởi. Giữa năm 2004, trái bưởi Tân Triều được xử lý ozon với vỏ xanh, da láng, bọc trong giỏ lưới có tem, hạn sử dụng, xuất hiện trên thị trường thông qua các siêu thị lớn như Maximark, Co.opMart, Big C. Tại Hội chợ triển lãm Festival Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Lắk năm 2005, một Việt kiều Đức đã ký hợp đồng với Quê Hương Tân Triều đưa bưởi sang Đức tiêu thụ.
Giờ đây bưởi Tân Triều đã được nhiều người biết đến. Ngoài các siêu thị, Sang còn có 4 đại lý chính thức tại TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Quan trọng hơn, anh đã đưa bưởi Tân Triều sang các nước như Hà Lan, Đức và chế biến bưởi thành rượu, nem... Theo quy hoạch, từ nay đến cuối năm 2010 tỉnh Đồng Nai sẽ tăng diện tích đất trồng bưởi từ 240ha lên 1.000ha. “Với quy hoạch này, tôi đang ấp ủ ý định sẽ làm một trạm dừng chân cho du khách. Tại đây, tôi muốn giới thiệu đặc sản bưởi Tân Triều và các sản phẩm chế biến từ bưởi với du khách trong và ngoài nước” - anh tiết lộ.