Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành bán lẻ sau 1 năm gia nhập WTO - Hụt hơi trước thị trường lớn
16 | 04 | 2008
Vào thời điểm Việt Nam (VN) chuẩn bị gia nhập WTO, người ta đã chứng kiến một cuộc chạy đua để giành thị phần của các doanh nghiệp (DN) trong nước với các đại gia thế giới. Đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp các dự án, kế hoạch mở rộng mạng lưới bán lẻ của các DN. Nhưng sau hơn 1 năm VN gia nhập WTO, nhiều DN đã tỏ ra đuối sức.
Thị trường hấp dẫn thứ 4 thế giới

Theo tính toán của TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, năm 2007 doanh thu bán lẻ của VN đạt khoảng 45 triệu USD, tăng 23% so với năm 2006. Về chỉ số lòng tin của người tiêu dùng, VN xếp thứ 5 thế giới, đạt 118 điểm – mức cao kỷ lục, tăng 1 điểm so với năm 2006 trong khi chỉ số này trên toàn cầu giảm 2 điểm, chỉ còn 97 điểm.

VN cũng nằm trong số 10 quốc gia lạc quan nhất về tình hình tài chính cá nhân khi 72% người VN cho biết họ sẵn sàng bỏ tiền trang bị vật dụng kỹ thuật cao, các loại hình giải trí và quần áo mới.

Còn theo Tập đoàn tư vấn đa quốc gia CB Richard Ellis, giá hàng bán lẻ hiện tại của VN đang thấp hơn so với các thành phố lớn trong khu vực như Manila, Bangkok, Jakarta và Thượng Hải. Nguyên nhân là chi phí sử dụng mặt bằng, nhân công rẻ hơn. Điều này giúp nguồn hàng bán lẻ của VN có thể tăng ít nhất 5 lần so với hiện nay.

Năm 2007, theo đánh giá của Công ty AT Kerney, VN là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 4 thế giới, chỉ sau Ấn Độ, Nga, Trung Quốc. So với năm 2006, mặc dù VN bị sụt mất 1 bậc (năm 2006 xếp thứ 3) nhưng VN vẫn giữ ở thứ hạng rất cao. Những dấu hiệu trên cho thấy một cơ hội lớn cho sự phát triển và duy trì một thị trường bán lẻ thuận lợi tại VN đang mở ra.

Thiếu bàn tay quy hoạch

Theo số liệu thống kê không chính thức, cả nước hiện có hơn 9.000 chợ ở nông thôn và 2.275 chợ ở khu vực thành thị, trên 250 siêu thị, khoảng 50 trung tâm thương mại, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động trên 35/64 tỉnh, thành. Ngoài ra, VN còn có khoảng 180.000 cửa hàng tạp hóa.

Theo tính toán, có khoảng hơn 30% lượng hàng hóa lưu thông qua hệ thống phân phối truyền thống; 44% qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ độc lập; 14% qua hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Số còn lại là do các nhà sản xuất bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Riêng tại hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM, lượng hàng lưu thông qua kênh phân phối hiện đại đã tăng từ 15% năm 2004 lên gần 30% trong năm 2007.

Theo các chuyên gia, mặc dù tiềm năng thị trường bán lẻ rất lớn, nhưng thực trạng ngành bán lẻ VN đến thời điểm này lại cho thấy đang thiếu bàn tay quy hoạch của nhà nước. Trên cả nước hiện chỉ có TPHCM bước đầu hoàn thiện việc quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị và trung tâm thương mại đến năm 2010, định hướng đến năm 2015.

Còn về phía ngành, đến nay Bộ Công thương cũng chưa xây dựng được định hướng quy hoạch tổng thể mạng lưới bán lẻ cho cả nước. Chính vì thiếu định hướng và quy hoạch nên việc buôn bán hầu hết vẫn phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ.

Doanh nghiệp trong nước đuối sức

Hàng hóa trong siêu thị nhiều nhưng chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Ngày 5-8-2006, người ta đã chứng kiến cuộc diễu hành của học sinh, sinh viên để khởi động cho chương trình hành động vì thương hiệu Việt tại dinh Thống Nhất TPHCM.

Sau đó, G7Mart cũng chính thức khai trương 500 cửa hàng đầu tiên của hệ thống trên địa bàn cả nước. Theo kế hoạch, đến hết năm 2006 sẽ có khoảng 9.500 cửa hàng thành viên G7Mart tiếp tục khai trương.

Cùng với việc triển khai chuỗi cửa hàng bán lẻ theo đúng chuẩn, G7Mart sẽ cung cấp các dịch vụ tiện ích dành cho người tiêu dùng lần đầu tiên xuất hiện tại VN. Đó là các dịch vụ như “thẻ tiện lợi” và “dịch vụ thanh toán tiện lợi” dành cho những khách hàng không có thời gian cho việc phải trả tiền điện thoại, điện, nước…

Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua, dự án của G7Mart gần như dậm chân tại chỗ và đang tỏ ra đuối sức, nếu không nói là “chết yểu”! Số lượng các bảng hiệu cửa hàng G7Mart được gỡ về, chất đống trong công ty ngày càng nhiều.

Theo lý giải của G7Mart, đó là do các đối tác không thực hiện đúng các cam kết nên họ sẽ chấm dứt hợp đồng… Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của dự án. Cụ thể, theo phân tích của tổng giám đốc một hệ thống phân phối hàng đầu VN, trong ngành bán lẻ ngoài yếu tố về vốn, mặt bằng, có 2 vấn đề lớn mang tính chất quyết định sự thành bại đó là hậu cần (hay còn gọi Logicstic) và nhân lực. Trên thực tế, G7Mart lại đang thiếu, thậm chí không có cả 2 vấn đề này.

Song không chỉ có G7Mart. Cùng chạy đua vào thời điểm này còn có Co.opMart với việc đẩy nhanh việc tìm mặt bằng để xây dựng các siêu thị cũng như các cửa hàng Co.opMart. Ngoài ra, hàng loạt các hệ thống siêu thị khác như Citimart, Maximark, các DN lớn như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tập đoàn Phú Thú, Vinatex,…. cũng đã nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối của mình nhằm chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, những nỗ lực của các DN trong nước vẫn tỏ ra đuối sức so với các nhà bán lẻ nước ngoài đã và đang có mặt tại VN.



Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng
Báo cáo phân tích thị trường