Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu lợn đi Trung Quốc: Lợi ngắn, hại dài!
16 | 04 | 2008
Mỗi ngày tại các khu vực biên giới tiếp giáp giữa Việt Nam- Trung Quốc, hàng ngàn tấn lợn vẫn được “xuất khẩu” qua đường tiểu ngạch. Một bức tranh tương phản thấy rõ: trong khi chúng ta nhập gà thải loại từ TQ về thì lại xuất đi những con lợn giống tốt nhất, lợn thịt ngon nhất...
Buôn lợn mua "Mẹc"

Có lẽ chưa bao giờ nghề “lái lợn” lại thịnh vượng như thời điểm này. Theo cách tính của các thương lái tại Quảng Ninh thì hiện nay buôn lợn là nghề “hót” nhất vì vừa hợp pháp lại cho lợi nhuận lớn. Chỉ cần nhập lợn tại Móng Cái, mỗi xe khoảng 10 tấn lợn xuất sang Trung Quốc trừ tất cả chi phí thương lái “bỏ túi” tối thiểu 20 triệu đồng.

Trong những tháng qua, thị trường thịt lợn tại Trung Quốc nóng bỏng việc chủ buôn lợn kiếm lãi ròng 200-300 triệu/ngày là chuyện bình thường. Giá lợn cao, cung không đủ cầu vì vậy hàng đêm từ 7-11 giờ, xe chở lợn từ các tỉnh Hà Tây, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình… nối đuôi nhau chạy rầm rập qua TP Hạ Long, nhiều đến nỗi mùi lợn thường trực phảng phất trong không khí 24h/ngày.

Tại các huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, khoảng 40km dọc theo quốc lộ 18, đoạn từ huyện Hải Hà đến TX Móng Cái người dân địa phương đổ xô khoanh đất ven đường dựng trại tập kết, thu mua lợn. Kèm theo đó là hàng loạt dịch vụ ăn theo như: cân lợn, “bơm” lợn và rửa xe chở lợn.

Thời điểm từ 1-4 giờ sáng là lúc hoạt động “xuất khẩu” lợn tại vùng biên diễn ra sôi động nhất. Ông Trần Anh Tú, một lái lợn tại Móng Cái khẳng định nếu “làm” lợn 3-4 tháng đảm bảo sẽ có tiền tỉ trong tay. Giá lợn Trung Quốc bao giờ cũng chênh với Việt Nam chừng 5-6 ngàn đồng. Đầu tháng 4, tiền TQ tăng giá nên hàng bán ra lợi nhuận hơn nhiều, giá lợn thịt ở Việt Nam tại Móng Cái nhập vào 31-33.000/kg tuỳ loại, xuất sang bên kia chừng 16-17 NDT tương đương với 36-38.000/kg. Mỗi đêm một trại lợn trung bình phải tổ chức xuất nhập trên 70-100 tấn. Nhẩm tính ra có thể thấy sức hấp dẫn từ món lợi khổng lồ mà các ông chủ trại thu được.

Chính vì vậy, gần đây ở TX Móng Cái xuất hiện một lớp tỉ phú đi ô tô nhãn hiệu “Mec”nổi lên từ nghề lái lợn. Nhiều lái buôn điện tử, hàng tiêu dùng trước đây phá sản nợ đầm đìa nhưng chỉ một thời gian đi buôn lợn đã trả hết nợ và bỏ ngân hàng vài tỉ đồng. Chuyện “làm giầu” của các lái lợn đã và đang trở thành huyền thoại ở Móng Cái.

Ngoài số tiền chênh lệch giá thị trường, các chủ buôn còn nghĩ ra nhiều “mánh” để ăn tiền đối tác TQ như “bơm” bột đá vào cho lợn nặng cân hơn. Mỗi con lợn được “bơm” bột đá sẽ tăng từ 3-5kg, tiền “bán” bột đá theo giá lợn là 160-200 ngàn đồng nhưng chủ buôn chỉ phải trả cho người “bơm” 10.000/lần bơm.

Trung Quốc thiếu thịt lợn

Nguyên nhân dẫn tới việc đàn lợn trong nước “ùn ùn” xuất ngoại sang Trung Quốc trong thời gian qua do từ giữa năm 2006, bị dịch "tai xanh" bùng phát dữ dội, hàng triệu con lợn bị tiêu huỷ khiến TQ tổn thất nặng nề. Mặc dù Chính phủ TQ đã có chính sách trợ giá 50 NDT/con lợn giống nhưng sau "tai biến" này người nông dân TQ khá dè dặt khi gây đàn.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đánh giá nếu thuận lợi cũng phải mất ít nhất hơn năm nữa mới có thể khôi phục lại đàn lợn bị tổn thất do dịch "tai xanh" năm 2006 gây ra. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chuẩn bị cho thế vận hội Olympic, đang cần rất nhiều thực phẩm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khiến nhu cầu thịt lợn tại TQ tăng mạnh đẩy giá lên cao.

Từ cuối năm 2007, giá thịt lợn trên thị trường TQ trung bình đã ở mức 18,7 NDT/kg (trên 40.000 VNĐ). Thấy nhu cầu lớn, thương lái TQ tự tìm đường sang mua lợn Việt Nam. Hầu hết lợn Việt Nam sau khi vượt sông Kalong sang TQ sẽ được chuyển thẳng về Nam Ninh. Tại đây, nước bạn có hai lò giết mổ cỡ lớn với quy mô 10.000 con/lò. Nếu tính trung bình 75 kg/con lợn thì mỗi ngày Việt Nam phải xuất khoảng 1.500 tấn cũng chỉ vừa đủ công suất cho 2 lò giết mổ này hoạt động.

Hiện nay, hầu hết những nhà chức trách VN đều hiểu đơn giản rằng xuất khẩu lợn với giá cao là có lợi, giá lợn tăng người nông dân bán được càng nhiều lợn càng tốt… Không ai đặt vấn đề ngược lại, dịch "tai xanh" đang bùng phát tại Việt Nam đã tiêu huỷ rất nhiều lợn, trong khi mỗi năm VN cần 2,6-2,8 triệu tấn thịt lợn, cho thấy nhu cầu thịt lợn trong nước là rất lớn. Dịch bệnh cộng thêm tốc độ “xuất” lợn sang TQ chóng mặt như hiện nay thì chẳng mấy chốc thị trường Việt Nam sẽ phải “nhập” lại lợn giống cũng như các sản phẩm thịt lợn từ nước bạn với giá cao hơn rất nhiều.



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường