Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Ba nhà" chung tay xây thương hiệu chè Tuyên Quang
18 | 04 | 2008
Nhà nước mở cơ chế thông thoáng, đầu tư dự án và hỗ trợ khoa học kỹ thuật (KHKT); Nhà doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ hiện đại, tìm kiếm thị trường; còn nhà nông biến các dự án thành hiện thực. "Ba nhà" này của Tuyên Quang đang nỗ lực chung tay xây dựng một thương hiệu cho cây chè xứ Tuyên.
Năm 2007, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây chè đến năm 2010. Theo đó, tổ chức, cá nhân đầu tư thâm canh chè được ưu tiên tham gia các chương trình, dự án về khuyến nông, ứng dụng KHKT, công nghệ mới trong sản xuất, thâm canh; được hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình trình diễn công nghệ cao; được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay đầu tư thâm canh chè; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất... Tỉnh Tuyên Quang đã triển khai dự án phát triển chè ở các huyện Sơn Dương và Hàm Yên, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa những giống chè mới năng suất cao vào sản xuất.Tuyên Quang có 3 doanh nghiệp chè quốc doanh là Công ty chè Mỹ Lâm, Sông Lô và Tân Trào. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng năm 2007, giá trị hàng hóa xuất khẩu của các sản phẩm chè Tuyên Quang tăng từ 17 % đến 25%. Mở rộng diện tích trồng chè, đa dạng cơ cấu giống và đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm chè thương phẩm là nguyên nhân dẫn đến thành công của cây chè Tuyên Quang trong thời kinh tế hội nhập. Các doanh nghiệp chè Tuyên Quang đã chủ động thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 - 2000, tiêu chuẩn HACCP về vệ sinh an toàn thực phẩm và đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời xây dựng chiến lược chuyển đổi cơ cấu giống chè, tập trung chuyển từ việc trồng chè trung du búp nhỏ, năng suất thấp, sang trồng chè các giống có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, LDP2, giống chè đặc sản Bát tiên, Đại bạch trà... Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty chè Sông Lô cho biết: có thương hiệu, có thị trường lớn nên số lượng sản phẩm tiêu thụ trực tiếp ngày càng lớn, giá bán tăng 20% so với những năm trước, trong đó chè chất lượng cao đạt mức bình quân trên 25 triệu đồng/tấn. Sản phẩm chè của Sông Lô hiện đã có mặt ở 10 nước trên thế giới. Từ năm 1991 đến nay, Công ty chè Sông Lô đã đầu tư cho hơn 1.000 lượt hộ nông dân với tổng số tiền 4,8 tỷ đồng để trồng mới 800 ha chè với mục đích "Dân có việc làm, tăng thu nhập từ chè, công ty có nguyên liệu chè để chế biến". Nhờ vậy, Công ty hiện có vùng nguyên liệu ổn định với hơn 1.500 ha. Thương hiệu chè Tuyên Quang là một cái đích mà các doanh nghiệp hướng tới trong tương lai. Vì vậy, các doanh nghiệp chè Tuyên Quang đã dồn hết cả vốn cho việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo đội ngũ cán bộ tay nghề cao; Đẩy mạnh công tác tiếp thị, xúc tiến đầu tư, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều sản phẩm chè của Tuyên Quang đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là Hàng nông sản Việt Nam chất lượng cao như sản phẩm: Chè xanh Bát Tiên và chè đen OTD (công ty Sông Lô). Ngoài ra, các doanh nghiệp chè Tuyên Quang chủ động tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, cắt giảm những khâu trung gian và giảm chi phí giao dịch xuống mức thấp nhất. Để tạo dựng được thương hiệu, yếu tố quan trọng là duy trì chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chè cũng áp dụng chính sách khuyến khích các hộ thu hái phân loại chè A, B nhằm bảo đảm giá thu mua công bằng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến. Giá thu mua nguyên liệu năm nay bình quân từ 2.600 đồng đến 3.000 đồng/kg búp tươi, cao hơn 400 đồng đến 700 đồng/kg so với năm trước, nên càng khuyến khích các hộ dân chú trọng khâu chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nguyên liệu chè. Điều đáng mừng là kể từ sau khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, mặc dù các mặt hàng nông sản xuất khẩu bị kiểm duyệt khá gắt gao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng sản phẩm của các doanh nghiệp chè Tuyên Quang xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài chưa có lô hàng nào phải trả lại. Một thương hiệu chè Tuyên Quang đang đến rất gần với sự vào cuộc rất tích cực của cả nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Không lâu nữa, cây chè xứ Tuyên sẽ được nâng lên một tầm cao mới, bắt kịp với nhịp độ phát triển chung của nền kinh tế đất nước trước thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế./.




Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường