Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mùa mía đắng...
28 | 05 | 2008
Chưa năm nào, người dân vùng nguyên liệu mía Phủ Quỳ, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An lại chịu cảnh ứ đọng hàng như năm nay. Hàng nghìn ha mía thu hoạch chậm tới 2, 3 tháng, người trồng mía thiệt hại không chỉ vụ này, mà còn ảnh hưởng cả đến vụ sau. Thực tế này đang khiến nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm và khả năng hoạt động của Nhà máy Đường liên doanh TATE&LYLE.
Chị Trương Thị Nguyên, xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Đáng ra, ruộng mía nhà chị phải được thu hoạch từ tháng 2, nhưng nay gần cuối tháng 5, mới có lệnh chặt. Mía lên mầm, trổ bông và khô lại, dù chữ đường có cao thì cũng không bù được sản lượng hao hụt quá lớn".

Về phía nhà máy, sự mong mỏi của người dân cũng khó đáp ứng, do thời tiết mưa đầu vụ, máy móc bị trục trặc, nên ngay cả mía đã chất lên xe cũng không được ép ngay. Trong khi thời vụ của nông dân là gấp gáp, nhưng không khí ở nhà máy lại khá vắng vẻ, xe chở mía từ 380 chiếc giảm xuống còn 200.

Một cuộc họp giữa các bên đã diễn ra, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Theo thống kê, Nghĩa Đàn là huyện có diện tích mía thu hoạch chậm nhiều nhất, hiện vẫn còn 100.000 tấn, tương đương 2000ha. Mặc dù Nhà máy đã xác định trách nhiệm ép đến cây mía cuối cùng cho nông dân, nhưng mục tiêu trong tháng 5 là khó bảo đảm.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn khẳng định: "Mục tiêu hoàn thành thu mua mía trong tháng 5 không thể xong được, mà phải sang tháng 6 đến 10 ngày". Như vậy là Nhà máy sẽ ép mía quanh năm, nông dân thiệt. Nếu thu hoạch tháng 2 được 70 tấn/ha; nhưng thu tháng 5 thì 50 tấn cũng khó đạt được.

Những nguyên nhân được T&L cho là bất khả kháng, dẫn đến thu hoạch mía chậm, nhưng có thể thấy cách giải quyết của Nhà máy đã không vì quyền lợi của người trồng mía. Hiện những hộ thu hoạch vào thời điểm này thiệt thòi đủ đường, nhưng họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Vùng nguyên liệu bền vững trong những năm qua sẽ khó bảo đảm với cách làm này, vì hiện nay, người trồng mía đã âm thầm chuyển sang trồng loại cây khác như sắn, cao su...

Theo ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An: "Nông dân bị thiệt hại mà không được bù đắp, thì việc chọn lựa cây trồng sắp tới là quyền của họ, hậu quả về sau sẽ rất lớn, nếu chủ doanh nghiệp không nghĩ đến điều mà chúng tôi đã khuyến cáo".




Nguồn: vietlinh.vn
Báo cáo phân tích thị trường