Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xứ Huế khóc tôm
30 | 05 | 2008
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục nghìn hộ nông dân nuôi tôm ở TT- Huế rơi vào cảnh trắng tay và nợ nần chồng chất bởi tôm nuôi đồng loạt chết.
Phát điên vì… tôm

Về xã Vinh Hà, huyện Phú Vang những ngày này mới thấy hết sự mất mát của người nông dân. Phong trào nuôi tôm ở Vinh Hà có từ những năm 1999. Đã có thời điểm nơi đây được xem là “thánh địa nuôi tôm” của cả tỉnh. Nhà nhà đổ xô đi nuôi tôm. Toàn bộ gia sản đều thế chấp ngân hàng dốc hết vào tôm. Thực tế những năm đầu, nghề nuôi tôm đã làm đổi thay đời sống của xã nghèo này. Mỗi vụ có gia đình lãi hàng trăm triệu đồng. Nhưng rồi “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

“Mấy ngày ni ra đồng, tui bắt gặp nhiều người dân ngồi nhìn hồ tôm rồi khóc. Không khóc sao được khi mà tất cả tài sản của mình trong chốc lát đã chôn vùi theo xác tôm”- ông La Văn Quang, thôn trưởng thôn 1, xã Vinh Hà buồn bã. Theo bước chân ông Quang chúng tôi ra cánh đồng tôm của xã. Dưới hồ xác tôm chết trắng, trên bờ nông dân ngồi khóc. Các hồ tôm nằm san sát, hầu như hồ nào cũng đầy rẫy xác tôm. Thứ chết hẳn đã dạt vào bờ, thứ còn lại cũng lờ đờ khi chìm khi nổi. Dọc theo các bờ hồ, vôi rải trắng xoá phòng dịch. Không khí “tang thương” bao trùm lên toàn bộ cánh đồng tôm rộng hàng chục ha. Một số người tiếc của đang nuốt nước mắt ngâm mình vớt tôm đem bán bòn ít đồng mua gạo.

Đã từng là một “triệu phú tôm”, ông Lê Khắc Phái không ngờ có ngày cả nhà lại lao đao vì tôm như lúc này. Với gần 100 vạn tôm giống trên gần 5ha hồ nuôi, gia đình ông Khái là một trong những hộ có diện tích nuôi tôm lớn nhất xã Vinh Hà. “Hai tháng trời cả nhà mất ăn mất ngủ với các hồ tôm, một đống tiền đầu tư vào tôm để rồi phải nhìn tôm chết sạch như thế này. Tui muốn phát điên lên mất. Mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi học không biết còn được đến trường được bao lâu nữa”-ông Khái cay đắng tâm sự. Cùng cảnh ngộ ông Khái là gia đình anh Nguyễn Hữu, chị Nguyễn Thị Ngọc và hàng trăm hộ nuôi tôm trong xã.

Không chỉ riêng Vinh Hà mà hầu hết các địa phương nuôi tôm ở TT- Huế cũng đều chịu chung số phận. Tại Phú Lộc, nông dân cũng trong tình trạng tất bật đi gom tôm…chết. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Những xã có diện tích nuôi trồng càng lớn thì càng lao đao như: Lộc Vĩnh, Lộc Bình…Những cánh đồng tôm hàng chục ha, hôm trước còn nuôi bao nhiêu hi vọng thì hôm sau đã chôn vùi dưới đáy hồ cùng với xác tôm.

Rồi những địa phương được xem là vựa tôm như Vinh Hưng, Vinh An, Vinh Phú, Vinh Xuân, Phú Xuân (Phú Vang) cho đến thị trấn Sịa, Quảng Phước, Quảng An…(Quảng Điền), xã nào cũng có hàng chục ha tôm dính dịch đốm trắng.

Người dân sạt nghiệp

Tôm chết, những gia đình như ông Khái ôm số nợ khổng lồ không biết bao giờ mới trả được. Vụ vừa rồi cả nhà ông đầu tư vào tôm hơn 100 triệu đồng, cộng với những vụ trước cũng trên 200 triệu. Toàn bộ đều vay ngân hàng cả. “Ở cái xã này ai nuôi tôm cũng đều ôm nợ cả. Nhà nào nhà nấy nợ hàng trăm triệu đồng”. Theo thống kê số tiền mà người nuôi tôm ở Vinh Hà nợ ngân hàng đã lên đến gần 30 tỷ đồng, chưa kể nợ từ những nguồn vay khác. Điều đáng nói là hầu như 100% người nuôi tôm ở xã nghèo này không có khả năng trả nợ.

“Cũng vì đeo đuổi giấc mơ đổi đời từ con tôm mà 90% hộ dân trong xã đều rơi vào cảnh nợ ngập đầu, trong đó, khoảng 80% hộ dân nợ quá hạn, không thể hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Sau những vụ tôm thất bát, nhiều gia đình đã di cư ra Bắc, vào Nam để trốn nợ ngân hàng”- ông Lê Túy, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc thở dài. Nằm ven phá Tam Giang, xã Lộc Bình là một trong những địa phương tiên phong trong việc nuôi tôm. Thế nhưng, nhiều năm liền do thua lỗ nên 95% hộ dân ở đây đều trở thành con nợ của tôm. Nuôi càng nhiều thì nợ càng lớn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay toàn tỉnh TT- Huế có hơn 50% hộ nuôi tôm hoàn toàn tự phát, không tuân thủ quy trình và kỹ thuật nuôi. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến tôm bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Dương, PGĐ Sở NN-PTNT TT-Huế cho biết, do nợ quá nhiều, kinh tế kiệt quệ, người nuôi tôm không đủ vốn để đầu tư xử lý hồ nuôi theo đúng quy quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, thiếu vốn cũng buộc người dân phải mua giống tôm với giá rẻ, không bảo đảm chất lượng từ các tỉnh lân cận và mang nhiều mầm bệnh



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường