Nhiều kế hoạch huy động vốn bị phá sản
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán liên tục tụt dốc, nhiều DN đã phải chật vật với các kế hoạch tăng vốn của mình khi trình đại hội cổ đông. Hàng loạt kế hoạch niêm yết, tăng vốn điều lệ, phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn cho các dự án đầu tư mới bị phá sản. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy sản – Incomfish vừa tạm dừng việc triển khai 3 dự án đầu tư, đồng thời hoãn kế hoạch phát hành 24 triệu cổ phiếu ra công chúng; Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN) cũng vừa tuyên bố hoãn vô thời hạn việc phát hành 7,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 70 tỉ đồng lên 140 tỉ đồng do giá cổ phiếu của công ty rớt quá mạnh. Gần đây, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa – Bibica cũng có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xin hoãn kế hoạch phát hành 4,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vì xét thấy việc phát hành thêm vào bối cảnh thị trường hiện nay không thuận lợi...
Theo số liệu từ SSC, từ đầu năm đến nay SSC đã cấp phép phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng cho 30 công ty và một ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay nhiều công ty còn đang chần chừ trước kế hoạch tăng vốn vì họ dự đoán trước kết quả sẽ không đạt được vì thị trường quá ảm đạm. Trong số đó, hiện đã có tới 10 công ty xin hoãn phát hành sau khi đã được cấp phép. Tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, trái ngược với thời điểm cách đây một năm, khi đó các DN phải “xếp hàng”, ồ ạt xin niêm yết thì nay, đã có khá nhiều DN xin hoãn vô thời hạn mặc dù hồ sơ niêm yết đã được chấp thuận.
Niêm yết thị trường nước ngoài: Quá khó
Trước tình trạng kênh huy động vốn trong nước bị tắc, nhiều DN đã tính đến phương án niêm yết trên các thị trường chứng khoán nước ngoài, đặc biệt là thị trường chứng khoán Singapore. Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng Ban Phát triển thị trường, SSC, cho biết SSC rất khuyến khích các DN tham gia “xuất ngoại”. Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận các quy định và thủ tục để DN VN xuất ngoại còn khá phức tạp, trong khi đó các hướng dẫn lại chung chung, chưa thực sự cụ thể và đầy đủ, trong khi các DN cũng chưa thực sự sẵn sàng cho hoạt động này.
Tại hội thảo tham gia toàn cầu hóa thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore do Ủy ban Hợp tác Quốc tế, SSC phối hợp với Công ty Tư vấn Tài chính Singapore tổ chức tại TPHCM mới đây, đại diện SSC cho biết nhu cầu được niêm yết trên thị trường nước ngoài của các DN VN hiện nay rất lớn nhưng số lượng DN đủ tiêu chuẩn hiện không có nhiều. Nguyên nhân là do khi niêm yết trên thị trường nước ngoài, vấn đề công khai, minh bạch trong các báo cáo tài chính là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài lại đánh giá rất thấp vấn đề minh bạch thông tin của các DN VN. Một số tiêu chí để được niêm yết như: Lợi nhuận cộng dồn trước thuế trong 3 năm gần nhất là 7,5 triệu đô la Singapore; báo cáo tài chính theo các chuẩn mực kế toán quốc tế (Mỹ, Singapore); áp dụng tiêu chuẩn quản trị của Singapore... là những vấn đề mà các DN hiện khó có thể đáp ứng. Vì thế, các chuyên gia cho rằng cánh cửa niêm yết trên thị trường nước ngoài của DN VN hiện vẫn chưa thực sự mở ra. Bài toán vốn cho DN trong thời điểm hiện nay còn chưa có lời giải hiệu quả.
Niêm yết thông qua sáp nhập Trước khó khăn trong việc huy động vốn của các DN, liên tục trong tuần cuối tháng 5 vừa qua, Ủy ban Hợp tác Quốc tế, SSC đã tổ chức 3 cuộc hội thảo về niêm yết trên thị trường nước ngoài tại Hà Nội và TPHCM. Tại cuộc hội thảo niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ gần đây nhất, các chuyên gia cho rằng tham gia thị trường chứng khoán Mỹ thông qua hình thức mua bán, sáp nhập DN (SPAC) là một chiến lược hợp lý, phù hợp với điều kiện của các DN VN. SPAC là mô hình một công ty được thành lập với mục đích hợp nhất với một công ty đang hoạt động (còn gọi là công ty mục tiêu). Sau khi sáp nhập, SPAC sẽ huy động vốn thông qua một đợt IPO và công ty mục tiêu sẽ được niêm yết chính thức tại mọi sở giao dịch chứng khoán ở Mỹ.
B.Dương |