Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải bài toán lương thực năm 2008
08 | 06 | 2008
Chỉ số giá lương thực tháng 5-2008 tăng 22,19% so với tháng 4 và tăng 52,88% so với tháng 12-2007. Đây là tốc độ tăng giá lương thực cao nhất trong 21 năm đổi mới và là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 3,91% so tháng 4 và tăng 15,96% so tháng 12 năm trước. Thực tế đó đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu về an ninh lương thực, liên quan từ sản xuất đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong những tháng tới.
Năm 2008 có khả năng đạt khoảng 36,1 triệu tấn lúa

Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối tháng 5-2008, phía Nam đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân đại trà, sản lượng ước đạt 11,6 triệu tấn, tăng 720.000 tấn (tăng 6,6%) so với vụ đông xuân năm 2007.
Vụ lúa đông xuân 2008, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên thời tiết không thuận lợi nên diện tích, năng suất và sản lượng đều giảm. Vùng duyên hải Nam Trung bộ đạt 831.000 tấn, giảm 107.800 tấn; Tây Nguyên đạt 351.000 tấn, xấp xỉ mức năm ngoái.
Lúa đông xuân các tỉnh phía Bắc diễn biến phức tạp, diện tích giảm, năng suất tuy có khả năng tăng nhưng không nhiều, không đều. Sản lượng ước đạt trên 6,35 triệu tấn, tăng 150.000 tấn.
Tính chung cả nước, sản lượng lúa đông xuân 2008 có khả năng đạt 17,9 triệu tấn, tăng trên 370.000 tấn so với vụ trước. Sản xuất lúa hè thu chính vụ ở các tỉnh phía Nam mới bắt đầu và đang chịu tác động của nhiều yếu tố, cả thuận và nghịch. Dự báo sản lượng lúa hè thu đạt khoảng trên 10 triệu tấn.

Trong khi đó, vụ lúa mùa còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi: thời tiết diễn biến phức tạp, các tỉnh phía Nam giảm diện tích do chuyển vụ sang lúa hè thu và đông xuân, giá cả phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống tăng. Do đó khả năng diện tích giảm, năng suất không tăng nên sản lượng sẽ giảm, dự kiến đạt khoảng 8,1 triệu tấn. Như vậy sản lượng lúa năm 2008 có khả năng đạt khoảng 36,1 triệu tấn trong điều kiện thời tiết bình thường, không có bão lũ lớn.

Lương thực bình quân đầu người ngày càng giảm

Năm 2008, dân số cả nước sẽ tăng thêm khoảng 1,3 triệu người (1,2%). Như vậy, lương thực cung cấp cho khoảng 87 triệu dân cả năm sẽ tăng so với năm 2007, chưa kể lương thực dành cho chăn nuôi và dự trữ. Tốc độ tăng sản lượng lương thực năm 2008 chỉ đạt dưới 1%, thấp hơn tốc độ tăng dân số, nên lương thực bình quân đầu người chỉ còn 459 kg, giảm so với năm 2007 và 2006 (tương ứng 465 kg và 471,1 kg).

Trong khi đó, giá lương thực tháng 5 tăng 64,54% so cùng kỳ. Lạm phát cao và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nên tâm lý dự trữ lương thực trong dân cư nông thôn còn nặng nề hơn, sẽ tác động trực tiếp đến thị trường và quan hệ cung cầu của mặt hàng chiến lược này trong cả năm 2008. Những yếu kém, hạn chế trong công tác tổ chức mua, dự trữ, quản lý thị trường lương thực của Nhà nước vẫn chưa được khắc phục. Do đó tình trạng đầu cơ, tích trữ lương thực trong những tháng còn lại của năm 2008 vẫn có thể xảy ra.

Xuất khẩu gạo cần thận trọng

Kế hoạch đề ra từ đầu năm là xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo trong năm nay, nhưng do giá lương thực tăng cao và để kiềm chế tốc độ lạm phát, vừa qua Chính phủ đã quyết định tạm ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo và sẽ xem xét điều chỉnh vào thời gian thích hợp. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 5, nước ta đã xuất khẩu 2,124 triệu tấn gạo (tăng 13%), thu về 1,166 tỉ USD (tăng 94%), trong tổng số 2,4 triệu tấn gạo của các hợp đồng đã ký.

Giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 548 USD/tấn, tăng 198 USD (68,5%) so với cùng kỳ. Hiện nay một số nước như Ấn Độ, Campuchia đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và triển vọng vụ lúa đông xuân Việt Nam được mùa nên giá lương thực có xu hướng giảm nhẹ.

Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng lương thực thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường nên vấn đề xuất khẩu gạo của nước ta cũng cần tính toán thận trọng. Nếu tiếp tục xuất khẩu 4 triệu tấn gạo cả năm như Bộ Công thương đề nghị tại cuộc họp ngày 28-5 vừa qua, thì lượng lúa còn lại để tiêu dùng trong nước (lương thực cho người, chăn nuôi, để giống, dự trữ...) còn khoảng 28 triệu tấn, tính bình quân là 321,8 kg/người. Với mức này, nếu thời tiết không có biến động lớn như các năm gần đây thì an ninh lương thực trong nước đảm bảo, ngược lại thì quan hệ cung cầu lương thực trong nước cả năm sẽ bị ảnh hưởng và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn.
Giải pháp

Trong những tháng còn lại của năm 2008, các ngành, các cấp, doanh nghiệp có liên quan nên tập trung nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân để tăng cường đầu tư thâm canh cây lúa, bắp vụ hè thu và vụ mùa nhằm đạt năng suất và sản lượng cao nhất có thể. Nhà nước và các tổng công ty lương thực cần có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất lương thực theo các phương thức phù hợp với cam kết WTO để khuyến khích người sản xuất lúa, bắp yên tâm đầu tư vốn, lao động, khoa học công nghệ nhằm tăng vụ, tận dụng đất, thâm canh tăng năng suất, sản lượng, tăng sản lượng lúa hàng hóa.

Thứ hai, cần chủ động tổ chức lại hệ thống điều phối, thu mua, chế biến, bảo quản, kho gạo dự trữ, quản lý thị trường lương thực trong nước để chủ động đối phó với những diễn biến bất thường về lương thực, chống đầu cơ tích trữ. Cần có những giải pháp đồng bộ để củng cố, phát huy vai trò chủ đạo đúng nghĩa của các doanh nghiệp nhà nước trong kinh doanh, điều phối lương thực trên phạm vi cả nước.

Về xuất khẩu gạo của 7 tháng còn lại cần được tính toán theo nhiều phương án để vừa đảm bảo lợi ích của nông dân trồng lúa, của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, của Nhà nước và của người tiêu dùng trong nước. Trong điều kiện hiện nay, trước mắt chỉ nên xuất khẩu trong phạm vi lượng gạo đã ký theo hợp đồng (2,4 triệu tấn).

Việc ký kết 1,6 triệu tấn dự kiến còn lại nên lùi lại sau khi thu hoạch lúa đông xuân các tỉnh phía Bắc để chủ động đảm bảo an ninh lương thực và góp phần kiềm chế lạm phát. Khắc phục tình trạng bất hợp lý đã và đang xảy ra: lợi nhuận xuất khẩu gạo tăng do giá cao, doanh nghiệp được lợi nhiều, nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa không tăng tương ứng do giá đầu vào tăng cao và nhanh hơn giá bán lúa cho doanh nghiệp.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường