Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Héo hắt vì... tôm
09 | 06 | 2008
Người bỏ nhà lên phố bán vé số, phụ hồ, người vào Nam làm thuê... nhưng cứ gom góp được đồng nào, người dân xã Quảng An, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) lại đổ vào con tôm dù chính tôm đã khiến họ mang nợ.
Nuôi tôm bằng kỹ thuật "nhờ trời"

Nói vậy có vẻ tội cho con tôm, thực ra chính giấc mộng đổi đời nhờ con tôm đã khiến không ít người dân thôn An Xuân (xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) lao vào vay mượn tiền để nuôi tôm, thế nhưng...

Cánh đồng tôm gần 150 ha của thôn An Xuân (xã Quảng An) hơn chục năm trước lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào chăm tôm, nay chỉ thưa thớt một vài người. Trong số ấy, có người cố vớt vát chút tiền để trả lãi ngân hàng, có người cố níu kéo hy vọng "biết đâu...".

Gặp chị Trần Thị Gấm đang chống ghe ra ao tôm, chúng tôi hỏi: "Chị ra hồ sớm vậy? Vụ này nhà chị thả mấy vạn con?". Dừng ghe một lúc, chị than: "Nuôi gì mà nuôi. Có vốn mô mà thả nhiều, một mẫu thả hơn bốn vạn con. Chẳng áp dụng máy móc, kỹ thuật chi hết, chủ yếu là nhờ trời". "Ba năm ni, người nuôi tôm nợ ngân hàng mà không trả nên họ "khoanh" không cho vay nữa. Không có vốn, nhiều người thả tôm theo hình thức quảng canh là chủ yếu, chỉ có hai người thả tôm theo dự án", Phó chủ tịch UBND xã Quảng An, ông Đặng Viết Nước cho hay.

Xã Quảng An hiện có 256 hộ đang nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (riêng thôn An Xuân chiếm hơn 90%) hơn 11 tỉ đồng. Người nợ thấp nhất hơn 50 triệu đồng và nợ cao nhất trên 500 triệu đồng.

Liên tục thua lỗ vì tôm, nhiều nông dân thôn An Xuân phải bỏ quê lên thành phố kiếm sống, nhưng mộng đổi đời từ con tôm vẫn không dứt khỏi tâm trí họ. Đi được vài ba tháng, kiếm được ít tiền, họ lại trở về và lại gắn bó đời mình với tôm. Chị Gấm là một điển hình. Vào Sài Gòn giúp việc một năm, gom góp được chừng bốn, năm triệu, cộng thêm với tiền công phụ hồ mấy tháng của chồng, anh chị lại đầu tư vào tôm. Họ nuôi tôm không theo một một kỹ thuật nào. Cứ mua tôm giống về thả với mật độ thưa. Chờ khi nào tôm lớn mà "chạy" được ít tiền thì mua thức ăn cho tôm ăn. "Có người cứ lên phố làm ăn, đến vụ về mua tôm thả xuống, rồi lại đi, khoảng 2, 3 tháng sau mới về chăm và cho tôm ăn. Nuôi kiểu đó không lỗ mới là lạ", một cán bộ xã buột miệng.

Chị Bùi Thị Nhân, cán bộ khuyến ngư xã cho biết, cả thôn có hơn 250 hộ nuôi tôm, nhưng chỉ có hai hộ đăng ký nuôi theo dự án có hỗ trợ chế phẩm sinh học của huyện, hơn mười hộ có áp dụng kỹ thuật. Còn lại nuôi theo dạng nhờ trời. "Năm ngoái lũ lụt mất trắng, tưởng không nuôi được nữa. May có hai lứa heo con, bán gần chục triệu, lại bỏ cả vào việc cải tạo ao hồ, mua tôm giống. Rồi chờ lứa heo sau bán mua thức ăn, ai ngờ gặp dịch heo tai xanh, heo không còn nữa, trước khóc tôm thì ni khóc theo heo", anh Trần Đình Xuân, một người dân ở đây, bần thần kể.

Nhìn tôm... khóc nợ

Năm 1995, thấy một vài người nuôi tôm trúng đậm, xây được nhà, tậu được xe, sắm sửa tiện nghi, nên người này bắt chước người kia, đua nhau nuôi tôm. Họ đi vay, đi mượn, thế chấp, cầm cố với ngân hàng để lấy tiền nuôi tôm. "Nhà có tiền hùn vốn với nhà có hồ. Có người gom góp được mấy chục triệu làm nhà, nghe thế cũng cho người khác vay nuôi tôm. Cả làng ăn ngủ với tôm", chị Trần Thị Phụng kể. Chưa đầy hai năm, cả thôn An Xuân đã có gần 300 hồ, khuông nuôi tôm, có nhà lên đến sáu bảy mẫu. Quảng An sớm trở thành một trong những xã có diện tích nuôi tôm nhiều nhất huyện.

Năm 2002, tôm bệnh, tôm chết diễn ra nhiều tại miền Trung. Hơn 250 hộ nuôi tôm ở Quảng An cũng mất trắng, người dân nhìn tôm chết mà đờ người ra. Số nợ ngân hàng của người nuôi tôm được tăng theo cấp số nhân, còn người trúng tôm thì chẳng mấy. "Năm nào Quảng An cũng có người thua lỗ, có người cố gắng lắm thì hòa vốn, xem công cán cả vụ là "dã tràng". Nợ chồng thêm nợ, cả làng cùng chua chát với tôm", ông Trần Hữu Ba, trưởng thôn An Xuân, cho biết.

Biết vậy, nhưng các hộ nuôi tôm vẫn cố níu kéo hy vọng. Họ lại xoay xở cho ra mười mấy triệu về mua tôm giống. Còn thức ăn, thuốc men, ký nợ lại các đại lý, hẹn đến vụ thu hoạch tôm sẽ trả, mong vớt vát cho vụ trước. Nhưng nợ vẫn chồng nợ... "Đến vụ thu hoạch, các chủ nợ đã đứng ngay trên bờ để cân tôm trừ nợ. Nợ thức ăn, nợ vay nóng, ai may mắn thì trả bớt, còn thì nợ tiếp, hẹn vụ sau", ông Yên, một người nuôi tôm, nói.

Hai vụ, ba vụ, rồi đến bảy, tám vụ sau, tôm vẫn "úa" với người nuôi tôm Quảng An, đi đâu cũng nghe nhà này, nhà kia nợ ngân hàng bao nhiêu. Có nhà, nợ quá mà bỏ quê đi tha phương cầu thực. Tiếng khóc nợ vẫn lặng thầm trong lòng mỗi người dân, song họ vẫn không thôi ấp ủ mộng đổi đời cùng tôm, bởi "biết đâu chừng, con tôm sẽ giúp chúng tôi trả được nợ nên chỉ còn cách theo nó", chị Trần Thị Phụng bần thần.




Nguồn: thanhnien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường