Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vụ ĐX 2008: Miền Bắc vượt vũ môn
16 | 06 | 2008
Ngày mùa về Thái Bình, chúng tôi đã cảm nhận được không khí phấn chấn, rộn ràng của vùng quê lúa. Tại XN Giống cây trồng Đông Cường (Đông Hưng), người dân đến xem trình diễn máy gặt đập liên hợp đông như hội. Bởi lẽ, bắt đầu vào vụ gặt nên ai cũng quan tâm đến chiếc máy này.
Bài 1: Đồng bằng Sông Hồng thắng lợi kép

Thái Bình giành giật vụ lúa từ sâu bệnh...

Nông dân Đinh Văn Ba, xã Đông Xá (Đông Hưng) phấn khởi cho biết: “Tôi đến đây từ sớm để xem chiếc máy gặt đập liên hợp. Chỉ 6 phút máy gặt được 1 sào, chi phí tốn 60.000 đồng là tôi mê liền”. Ông cũng cho hay: “Gia đình tôi cấy 7 sào lúa, giữa và cuối vụ bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu phải phun thuốc 6 - 7 lần. Chỉ một tuần nữa thu hoạch, năng suất dự kiến 250 kg/sào, cao hơn vụ xuân năm ngoái”.

Qua những cánh đồng ở huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư... bà con nông dân bắt đầu ra đồng thu hoạch lúa. Ông Mai Xuân Thường, Chủ nhiệm HTX Vũ Vinh (Vũ Thư) cho biết: “HTX gieo cấy 219 ha lúa, trong đó 40% lúa lai. Năm nay rét kéo dài, làm mạ chết phải gieo lại 90% diện tích. Từ 3 - 8/4 toàn bộ lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ đợt 1, bà con chỉ phun 20% diện tích. Từ 30/4 sâu cuốn lá nhỏ bùng phát với mật độ dày đặc, có nơi trên 1.000 con/m2. Rút kinh nghiệm đợt 1, lần này chúng tôi phun toàn bộ diện tích, đồng thời phun kép từ 7 - 8/5. Cũng đợt này rầy nâu xuất hiện, xã phải ban bố “tình trạng khẩn cấp”, huy động tổng lực cán bộ, nông dân xuống đồng. 2 gian hàng thuốc trừ sâu của HTX xuất không kịp bán”.

Ông Trần Đình Nhất, Trưởng ban kiểm soát HTX Vũ Vinh nói: “Chưa vụ nào bà con phun thuốc nhiều như vụ này, từ 7 - 8 đợt phun, chi phí thuốc BVTV mỗi sào hơn 100 nghìn. Bù lại năng suất lúa cao, bình quân đạt 250 kg/sào, cao hơn vụ xuân trước 20 - 30 kg”.

Ông Trần Xuân Định, PGĐ Sở NN - PTNT Thái Bình: Vụ ĐX 2008, toàn tỉnh gieo cấy hơn 84.400 ha, tăng 3.000 ha so kế hoạch; trà xuân muộn chiếm 85% diện tích với cơ cấu 67% diện tích lúa lai. Năng suất dự kiến bình quân toàn tỉnh đạt trên 70 tạ/ha, vượt cả năng suất vụ xuân 2006.

Sang huyện Kiến Xương, ông Trần Ngọc Trảm, Trưởng phòng NN- PTNT tỏ vẻ lạc quan: “Vụ xuân 2008, toàn huyện gieo cấy gần 12.000 ha, do rét đậm đầu vụ đã làm 80% diện tích lúa phải cấy lại trước 10/3. Giữa vụ tình hình sâu bệnh rất phức tạp, sâu cuốn lá nhỏ mật độ cao chưa từng thấy, rầy nâu lại phát triển... nên bà con phải phun thuốc 6 - 7 lần. Chi phí phòng trừ sâu bệnh khá lớn nhưng bù lại lúa phát triển tốt, trỗ thoát, vào mẩy, chắc hạt, năng suất bình quân đạt kỷ lục, tới 73 tạ/ha, cao hơn cả vụ xuân 2006. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, chúng tôi đang chỉ đạo thu hoạch sớm để triển khai vụ mùa”.

Ông Phạm Văn Nhạc, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Thái Bình cho biết: Vụ xuân năm nay ở Thái Bình diễn ra trong bối cảnh sâu bệnh hại chưa từng có. Từ 29/4 - 10/5 toàn bộ diện tích gieo cấy (84.400 ha) trên địa bàn tỉnh bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, cá biệt có nơi nhiễm 1.306 con/m2. Sau ngày 3/5, hơn 35.000 ha lúa lại bị nhiễm rầy, nơi cao lên đến hàng vạn con/m2. Trong những ngày chiến dịch, cả hệ thống chính trị vào cuộc chỉ đạo quyết liệt nên đã bảo vệ an toàn trên 96% diện tích lúa xuân. Có thể khẳng định ngành chúng tôi đã đóng góp 30 - 50% năng suất vụ xuân toàn tỉnh”.

Ông Trần Xuân Định, PGĐ Sở NN - PTNT Thái Bình vừa đi các địa phương đánh giá vụ lúa xuân, cho biết: "Đây là vụ SX cực kỳ khó khăn do rét đậm kéo dài, sâu bệnh... Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao, nông dân Thái Bình đã vượt qua thử thách”.

Hà Nam: Xuân muộn thắng to

Giữa cái nắng gắt gay tháng 6, bà con nông dân các xã dọc triền đê tả sông Đáy bắt đầu thu hoạch lúa xuân. Ông Nguyễn Bá Bang, xóm 1 thôn Kim Thượng, xã Kim Bình (Kim Bảng) dừng tay tuốt lúa, lau mồ hôi nói: “Nhà tôi cấy một mẫu, gồm 7 sào lúa lai, 3 sào Bắc thơm. Sáng nay hai vợ chồng cắt được sào rưỡi, gánh lúa lên đê thuê máy tuốt. Vụ này tôi tưởng mất mùa bởi lúa nhiễm sâu cuốn lá, đạo ôn… phải phun thuốc tới 5 lần. Thế nhưng năng suất vẫn đạt khoảng 220 kg/sào, cao hơn vụ xuân năm ngoái vài yến thóc”.

Qua thị trấn Quế xuống các xã Văn Xá, Hoàng Tây, Nhật Tân (Kim Bảng) đâu đâu cũng thấy không khí lao động khẩn trương của bà con. Hàng chục xe chở đầy bao lúa nối đuôi nhau về nhà… Ông Vũ Trung Tuyến, Chủ nhiệm HTX Văn Xá cho biết, toàn xã gieo cấy 392 ha lúa, cơ cấu 75% lúa lai với bộ giống chủ lực là Nhị ưu 838. Đến nay đã thu hoạch 20% diện tích, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha. Còn ông Đoàn Văn Khương, Chủ nhiệm HTX Hoàng Tây cho rằng, do áp dụng che phủ nilon đúng kỹ thuật nên đợt rét kéo dài đầu vụ, diện tích mạ thiệt hại không đáng kể. Khi gieo cấy, lúa chỉ nhiễm nhẹ sâu cuốn lá nhỏ… Dự kiến năng suất đạt 64 tạ/ha, cao hơn vụ trước 1 tạ, bà con rất phấn khởi.

Bà Phạm Thị Hiệp, Trưởng phòng NN – PTNT Kim Bảng cho biết: Vụ xuân năm nay toàn huyện gieo cấy 5.453 ha, 100% xuân muộn, tỷ lệ 62,4% giống lúa lai với bộ giống chủ lực là Nhị ưu 838. Ở Kim Bảng, việc nông dân áp dụng kỹ thuật mạ che phủ nilon đã thành “truyền thống” nên năm nay dù rét hại kéo dài, diện tích mạ vẫn được bảo vệ tốt. Sau khi cấy, lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh tập trung, không bị nghẹt rễ. Giữa vụ, các xã chỉ phun trừ sâu cuốn lá nhỏ 1 lần, lúa trỗ thoát, cho năng suất khá cao, bình quân toàn huyện đạt 62 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái 1,1 tạ.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, PGĐ Sở NN – PTNT Hà Nam cho biết: Vụ xuân năm nay rét đậm kéo dài, làm khoảng 40% số mạ chết; 100% diện tích cấy trà xuân muộn; thời vụ gieo cấy bị “đẩy” đến ngày 15/3. Tình hình sâu bệnh lại diễn biến phức tạp, toàn bộ 34.000 ha lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ. Do sự chỉ đạo quyết liệt nên vụ xuân đã giành thắng lợi. Theo đánh giá ban đầu, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt hơn 62 tạ/ha. Đặc biệt ở các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng năng suất lúa lai đạt trên 70 tạ/ha



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường