Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kéo người nông dân về với ruộng
16 | 06 | 2008
Trong khi Bộ NN&PTNT kiến nghị phải giữ ít nhất 3,9 triệu ha đất trồng lúa trong bối cảnh tốc độ lấy đất lúa chuyển sang mục đích sử dụng khác diễn ra mạnh mẽ thì dường như nông dân lại không thiết tha sản xuất gạo. Giải pháp nào cho an ninh lương thực ở Việt Nam?
Nông dân không thiết tha sản xuất gạo?

Sau tháng 6/2008, Chính phủ sẽ xem xét cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo trong điều kiện giá gạo thế giới được dự báo là sẽ còn ở mức cao một thời gian nữa. Nhiều chuyên gia cho đây là cơ hội cho nông dân sản xuất lúa gạo Việt Nam.

Tuy nhiên gần đây hiện tượng nông dân không thiết tha với sản xuất lúa gạo do lợi nhuận thấp như nông dân ĐBSCL gửi thư cho Thủ tướng, hay nông dân Thái Bình trả ruộng ngày càng phổ biến đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính bền vững của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Các chuyên gia có uy tín cho rằng an ninh lương thực của nước ta có thể bị ảnh hưởng bởi 3 nguy cơ:

Thứ nhất, dân số nước ta sẽ còn tăng, do nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng rất nhanh, hơn nữa gần đây chúng ta đang phải nhập nhiều nguyên liệu làm thức ăn gia súc.

Thứ hai, đất nông nghiệp màu mỡ nhất đang bị mất rất nhanh do đô thị hoá, công nghiệp hoá, đầu cơ ruộng đất và những dự án phiêu lưu như chuyển đất lúa thành sân gôlf...

Thứ ba, nông dân đã chán sản xuất nông nghiệp vì bị thu nhập cao từ thành thị lôi kéo. Nếu để tình trạng di cư ra thành thị tiếp tục diễn ra một cách tự phát như hiện nay, không kèm theo việc quản lỷ ruộng đất để tăng quy mô sản xuất cho những nông dân ở lại sản xuất nông nghiệp sẽ dẫn tới lao động nông nghiệp bị nữ hoá, chăn nuôi và nghề phụ bị giảm sút, nông nghiệp sẽ chuyển từ thâm canh sang quảng canh, đa dạng hoá nông nghiệp sẽ giảm, lao động nông nghiệp sẽ bị thiếu và giá lao động tăng rất cao.

Như vậy, bảo vệ đất nông nghiệp và quy hoạch lao động là vấn đề "nóng" được đặt ra để bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm.

Thách thức với nhiệm vụ bảo vệ 3,9 triệu ha đất trồng lúa

Sau thời kỳ khủng hoảng giá lúa thế giới vừa qua, trong bản báo cáo gửi Chính phủ nhằm đề xuất giải pháp lớn nhằm ổn định tình hình an ninh lương thực ở nước ta, Bộ NN&PTNT kiến nghị phải giữ được ít nhất 3,9 triệu ha đất trồng lúa trong bối cảnh tốc độ lấy đất lúa chuyển sang mục đích sử dụng khác diễn ra mạnh mẽ.

Trong giai đoạn 2000 - 2006, diện tích trồng lúa đã giảm từ 4,47 triệu ha xuống còn 4,13 triệu ha, như vậy trung bình mỗi năm giảm tới 50 nghìn ha.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, mỗi năm nước ta gieo trồng được 7,2 triệu ha diện tích đất lúa. Cụ thể, tổng sản lượng lúa năm 2010 có thể đạt 37,58 triệu tấn, năm 2015 là 38,75 triệu tấn và đến 2020 sẽ đạt 39,63 triệu tấn.

Trong đó, lượng tiêu thụ trong nước sẽ tăng từ 27,6 triệu tấn (năm 2007) lên 33,2 triệu tấn (năm 2020), đồng thời sản lượng lúa dành cho xuất khẩu ổn định trong giai đoạn này cũng dao động khoảng 6,34 – 8,3 triệu tấn (tương đương 3,8-4,5 triệu tấn gạo).

Mặc dù năng suất lúa của nước ta tăng bình quân 2,06% (giai đoạn 1997-2006) tương đương 770.000 tấn/năm nhưng trong giai đoạn 2003-2007 thì sản lượng lúa của chúng ta chỉ ở mức xấp xỉ 36 triệu tấn do giảm diện tích.

Như vậy một mức trần về sản lượng đã được thiết lập nếu không có những biến động đột xuất về năng suất lúa do áp dụng các giống năng suất cao trong vài năm tới.

Theo khảo sát mức sống hộ gia đình 2006 của tổng cục thống kê, mức tiêu thụ gạo trên đầu người trên năm của Việt Nam đã có xu hướng giảm ở mức 109 kg đối thành phố và 142 kg đối với nông thôn.

Bộ NN cũng đã đề xuất một số biện pháp cụ thể và kiên quyết đối với các địa phương về quản lý đất lúa để đảm bảo được 3,9 triệu ha đất trống lúa loại tốt. Tuy nhiên đây còn là một thách thức lớn, vì nếu các tỉnh không đưa trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực vào chiến lược địa phương mà chỉ coi đây là việc của quốc gia như tình trạng hiện nay.!!

Đảm bảo an ninh lương thực rồi mới đến xuất khẩu

Câu hỏi đặt ra là ngành sản xuất lúa gạo của chúng ta có thể đảm bảo tiếp tục xuất khẩu gạo như dự báo mang tính kế hoạch trên, trong khi có rất nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến ngườì sản xuất và môi trường rất cần các chính sách hỗ trợ, điều tiết kinh tế xã hội ngoài các chính sách và hỗ trợ về kỹ thuật và đầu vào sản xuất mà nhà nước đang tập trung hiện nay.

Giá lương thực tăng cao là cơ hội đối với nước xuất khẩu gạo như Việt Nam, tuy vậy chúng ta cũng có những mối lo ngại về mất cơ hội xuất khẩu gạo do hệ thống sản xuất và lưu thông gặp nhiều khó khăn về thể chế tổ chức và chia sẻ lợi ích cần được tháo gỡ.

Để đảm bảo ưu thế cạnh tranh trong xuất khẩu gạo cần giải quyết 2 vấn đề là đảm bảo chất lượng và nâng cao năng suất lao động của nông dân sản xuất lúa, có liên quan đến vấn đề quy mô sản xuất của hộ. Đây là những vấn đề còn ít được nghiên cứu và chưa có giải pháp cụ thể.

Có thể nói đã đến lúc chúng ta cần có một gói chính sách tổng hợp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng lúa gạo với mục tiêu trước hết đảm bảo an ninh lương thực, thứ đến mới là xuất khẩu.

Phân chia lợi nhuận thế nào cho công bằng?

Lúa gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Cửa Long. Tỷ suất lúa hàng hóa đạt 80-85% tổng sản lượng. Lúa hàng hóa phần lớn được nông dân bán cho các lái thu gom tại địa phương hoặc bán trực tiếp cho nhà máy xay xát tư nhân, bán trực tiếp cho các doanh nghiệp rất ít (chỉ có 0,9% số hộ bán trực tiếp cho các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xuất khẩu gạo).

Người trồng lúa thường không có khả năng dự trữ và khả năng mặc cả nên thường bị thua thiệt. Chẳng hạn khi giá lúa xuất khẩu là 1000 USD/tấn thì giá lúa thu mua tối thiểu cũng phải là 8000 đồng/kg nhưng thực tế giá tại thị trường đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ là 5400 đồng/kg.

Phần lợi nhuận này chủ yếu nằm trong tay tư thương chủ vựa lúa, có năng lực tích trữ và hưởng lợi từ thị trường.

Việc phân chia lợi nhuận không công bằng trong ngành hàng như vậy sẽ không khuyến khích nông dân tiếp tục sản xuất lâu dài được. Chính sách quy định giá sàn thu mua thóc gạo của nhà nước mang tính hành chính như hiện nay chỉ mang tính hình thức vì nhà nước không có khả năng kiểm soát.

Tăng cường năng lực cho tổ chức nông dân để có khả năng mặc cả là giải pháp hữu hiệu lâu dài của nông dân sản xuất lúa chuyên nghiệp.

Hơn nữa với xu hướng tăng giá các vật tư đầu vào nhanh do lạm phát phi mã như hiện nay, nguy cơ về tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận của người sản xuất sẽ dẫn đến nông dân rơi vào cảnh nợ nần do đến 95% người dân hoạt động với phương thức vay trước trả sau vào thời vụ thu hoạch. Do hầu hết nông dân phải bán vào thời vụ thu hoạch do vậy không bao giờ có được giá cao bán cao.

Để nông dân có thể yên tâm sản xuất cần có biện pháp chính sách cấp bách để ổn định giá vật tư đầu vào, nếu không thu nhập thực tế của hộ sản xuất có xu hướng giảm đi. Phân tích hoạt động của thị trường lúa gạo trong nước cho thấy nguyên nhân tăng giá lương thực trong nước vừa qua chủ yếu do đầu cơ và hệ thống phân phối kém và nhà nước ít có khả năng điều tiết hơn là do thiếu lương thực.

Các nghiên cứu của thế giới cũng chỉ ra rằng thị trường lương thực cần có điều tiết của nhà nước để ổn định giá, nếu để thị trường tự do sẽ có mức biến động giá ngày càng tăng. Vấn đề điều tiết chỉ có thể thực hiện được thông qua các thể chế tổ chức trong ngành hàng lúa gạo.

Chính sách thuế gạo còn nhiều bất cập

Đối với chính sách thuế trong ngành hàng lúa gạo cũng còn bất cập. Hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đang được nhiều ưu đãi về thuế xuất khẩu, về sử dụng vốn nhà nước, nhưng chưa tham gia thực sự vào việc điều tiết thị trường và đã bỏ lửng thị trường trong nước. Việc áp dụng hạn ngạch trong thị trường cạnh tranh làm triệt tiêu phần nào động lực kinh doanh của nhà xuất khẩu do những quy định về giá của Hiệp hội.

Chính sách thuế xuất khẩu tỏ ra công bằng hơn cho các doanh nghiệp đồng thời nó cũng tạo nguồn thu cho nhà nước và giảm bớt những thủ tục hành chính. Thay đổi phương thức điều hành xuất khẩu bằng hạn ngạch xuất khẩu sang sử dụng thuế xuất khẩu sẽ cho phép tạo nguồn thu ngân sách để hình thành quỹ trợ giúp cho nông dân sản xuất lúa khi bị rủi ro trong khi Việt Nam chưa hình thành được dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp.

Hạn ngạch chỉ có thể quản lý hữu hiệu khối lượng gạo xuất khẩu, nhưng ít có tác dụng điều tiết giá trong nước, trong khi thuế xuất khẩu lại có tác dụng điều tiết thị trường trong nước. Khi giá nội địa đang cao, một mức thuế xuất khẩu cao sẽ khuyến khích nông dân và thương nhân bán lương thực vào nội địa để khỏi phải chịu thuế xuất khẩu, nhờ đó làm giảm giá lương thực trong nước. Khi giá đã xuống ở mức chấp nhận được thì thuế cũng được giảm để tận dụng cơ hội xuất khẩu ra bên ngoài.

Hiện nay với cơ chế hạn ngạch, các doanh nghiệp làm lúa xuất khẩu không muôn bán cho thị trường trong nước do sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng so với miễn thuế hoàn toàn khi xuất khẩu. Chính sách quá ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo mà chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước đã làm các doanh nghiệp quên đi vai trò chủ đạo cung ứng cho thị trường trong nước mà Bộ NN và PTNT mong đợi.

Tóm lại, hiện nay ngành hàng xuất khẩu gạo nước ta còn tồn tại nhiều bất cập về thể chế:

1) Nông dân nhỏ, phân tán, nên không có năng lực mặc cả, chịu thiệt thòi.

2) Tổ chức kênh hàng có nhiều trung gian và thiếu điều phối hiệu quả do đó khả năng truyền thông tin kém, không khuyến khích mua bán theo chất lượng;

3) Năng lực đàm phán ký kết hợp đồng còn yếu do Hiệp hội lương thực hoạt động còn yếu nên một số hợp đồng ký với giá thấp không phù hợp với giá thị trường trong nước. Khi đó để không bị vi phạm hợp đồng, các doanh nghiệp đề nghị chính chính phủ hạn chế xuất khẩu để giảm giá mua của nông dân.

4) Phương thức điều hành bằng hạn ngạch dễ cho chính phủ kiểm soát và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhưng tỏ ra kém hiệu quả so với việc đánh thuế xuất khẩu.

Phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo: Giải pháp nào?

Ưu tiên ổn định đất lúa và theo dõi biến động

Quy hoạch cụ thể phân bố 3,9 triệu ha sản xuất lúa cho từng địa phương, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ sản xuất lương thực và ổn định sản xuất lương thực cho từng địa phương cấp tỉnh dựa trên một định hướng chiến lược sản xuất lúa của từng vùng sinh thái.

Cần tạo điều kiện ổn định để cho nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng nông nghiệp thoái hóa gây lãng phí nông nghiệp. Bộ NN và PTNT cần áp dụng các công nghệ hiện đại như GIS, ảnh vệ tinh (hiện nay Việt Nam đã có trạm thu do Chính phủ Pháp tài trợ) để theo dõi diễn biến đất lúa hàng vụ làm cơ sở cảnh báo an ninh lương thực. Một Hệ thống quan trắc an ninh lương thực quốc gia cần được hình thành để khắc phục tình trạng trễ thông tin như hiện nay.

Hệ thống thông tin thị trường do Bộ nông nghiệp triển khai ở các địa phương có thể kết hợp để thu thập thông tin về an ninh lương thực. Đây là một hoạt động quan trọng mang tính chiến lược, do vậy nhà nước cần đầu tư thích đáng cả con người được đào tạo và phương tiện đầy đủ để thực hiện.

Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề quốc gia, liêm bộ do đó cần thành lập Ủy ban an ninh lương thực quốc gia để quản lý và theo dõi các biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sản xuất-lưu thông lúa để có chính sách điều chỉnh kịp thời. Chính sách thuộc lĩnh vực này đòi hỏi ngắn hạn và hết sức mềm dẻo để ứng phó với các thay đổi, vì vậy cần có các thể chế cho phép ra quyết định được nhanh chóng.

Kết hợp chuyển đổi đất sang công nghiệp với hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân

Đối với khu vực chuyển đổi nông nghiệp sang công nghiệp cần kết hợp đồng bộ chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân sang phi nông nghiệp, nhằm đảm bảo ổn định thu nhập cho các hộ chuyển đổi, trên cơ sở đó họ sẽ nhượng lại các phân đất nông nghiệp bé nhỏ còn lại cho các hộ khác sản xuất nông nghiệp có hiệu quả hơn.

Hiện trạng này ở Đồng bằng sông Hồng gây ra hiện tượng quảng canh nông nghiệp trong điều kiện đất hiếm gây lãng phí nguồn lực quốc gia nghiêm trọng.

Tuy nhiên sản xuất lúa vẫn là một nghề chuyên nghiệp và cần có chính sách hỗ trợ một bộ phận nông dân duy trì sản xuất lúa vì hiện nay thu nhập của người trồng lúa là thấp nhất so với các loại hình sản xuất nông nghiệp khác trong khi đó họ lại có những đóng góp quan trọng cho chiến lược an ninh lương thực.

Giải pháp phát triển ngành hàng gạo xuất khẩu

Giải pháp ở đây cần thiết phải đồng bộ trong ngành hàng: cải tiến tiêu chuẩn trồng lúa theo 3 giảm 3 tăng và nâng tính cạnh tranh trong xuất khẩu bằng cách giúp nông dân nâng cao chất lượng, đổi mới cách tiếp thị gạo, phát triển quản lý bằng cách tối ưu hoá hệ thống kinh doanh gạo của nông dân - nhà máy xay lúa - nhà xuất khẩu; coi trọng phát triển kho vận và phương tiện kinh doanh nhằm hạ giá trong khâu kho vận và gia tăng hiệu quả phân phối ở thị trường trong và ngoài nước.

Trong hệ thống tổ chức này, nông dân được tổ chức thành HTX để tăng vai trò trong chế biến, bảo quản, lưu thông, tránh bị ép giá là hết sức cấp thiết. HTX người sản xuất sẽ giúp nông dân đủ năng lực đảm bảo các hợp đồng với công ty xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, thì các công ty lương thực cần thống nhất với các HTX về hợp đồng cung ứng gạo trong nước để đảm bảo thường xuyên cho thị trường nội địa.

Nhà nước cần thiết nắm thông tin về tình hình lưu trữ lương thực thông qua mạng lưới Hiệp hội sản xuất lúa bao gồm các HTX để điều chỉnh xuất khẩu.

Ở cấp quốc gia có thể thành lập nghiệp đoàn hay Hiệp hội quốc gia của người sản xuất lúa gạo mà thành viên là hộ nông dân hay là HTX. Hiện nay Hiệp hội lương thực mới làm được công việc là giúp nhà nước quản lý xuất khẩu thông qua hạn ngạch, tức là mang tính hành chính nhiều hơn chứ không có vai trò của một nghiệp đoàn đại diện cho người sản xuất để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất.

Việc thành lập được các tổ chức nông dân chuyên nghiệp sản xuất lúa gạo là tiền đề cho việc đàm phán tham gia tổ chức các nước xuất khẩu gạo OREC do Thái lan đề xuất hay không, vì việc tham gia này trước hết phải là công cụ trợ giúp cho người sản xuất lúa gạo hội nhập thị trường quốc tế. Chương trình hỗ trợ HTX và kinh tế tập thể của nhà nước nên tập trung vào các ngành hàng trọng điểm như lúa gạo.

Chính sách về khoa học công nghệ và thể chế quản lý chất lượng

Chính sách cần thiết ưu tiên là sử dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng gạo chế biến, giảm hao hụt sau thu hoạch. Trong thời gian qua đã có công nghệ nhưng chưa được áp dụng do thiếu thể chế điều phối tổ chức trong ngành hàng, dẫn đến ngành hàng không quản lý được chất lượng gạo, không thúc đẩy được việc áp dụng công nghệ.

Vì vậy chính sách về sau thu hoạch cần đồng bộ về thể chế và công nghệ kèm theo để lựa chọn.

Bên cạnh đó cần tăng cường áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp trên diện rộng nhằm tăng hiệu quả chi phí đầu vào trong điều kiện giá đầu vào cao; kết hợp với tối ưu hóa cơ cấu giống để tăng tính bền vững sinh thái vùng là cần thiết.

Giải pháp này có thể áp dụng đối với các vùng thâm canh lúa thuộc các điều kiện sinh thái khác nhau trong điều kiện giá vật tư đầu vào tăng nhanh và hiện tượng thiếu nước trong sản xuất lúa nước thường xuyên diễn ra. Đây là giải pháp nhằm giải quyết tính bền vững của hệ thống canh tác, giảm ô nhiễm môi trường.

Chính sách điều tiết giá

Nhà nước cần ưu tiên các chính sách thương mại cần thiết để điều tiết giá đầu vào, đặc biệt là phân bón để nông dân yên tâm đầu tư. Hiện nay các công ty nhập khẩu phân bón hầu hết là công ty nhà nước, do vậy khả năng điều tiết là hoàn toàn có thể. Trong trường hợp cần thiết, có thể dùng ngân sách hỗ trợ nông dân về đầu vào và ưu tiên đặc biệt về tín dụng đầu vào cho lúa.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giúp nông dân tăng khả năng dự trữ lúa gạo mùa vụ là cần thiết để tạo cơ hội cho nông dân nhỏ có thể hưởng lợi từ giá lương thực tăng cao của thị trường.

Trên đây là một số vấn đề đặt ra, nhiều điểm còn cần được nghiên cứu sâu thêm nhằm tham gia thảo luận về vấn đề lớn là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

TS. Đào Thế Anh và cộng sự
(Trung tâm NC và PTHTNN, Viện KHNN Việt Nam) - VNN



(Nguồn: Kinh Tế Nông Thôn)
Báo cáo phân tích thị trường