Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôm chết hàng loạt ở Phú Tân
18 | 06 | 2008
Mặc dù đang vào thời điểm thu hoạch tôm sú nhưng tại xã chuyên ngư Phú Tân, huyện Tân Phú Ðông, Tiền Giang lại trở nên yên ắng lạ thường. Bà con cho biết, vùng này đang trải qua đợt dịch bệnh trên tôm sú gây chết hàng loạt. Không ít hộ đã lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần...
Hơn một tháng qua, bệnh trên tôm sú hoành hành khiến hàng trăm ha nuôi tôm sú ở xã Phú Tân bị thiệt hại nặng nề. Tại ấp Pháo Ðài, anh Lê Văn Ðáng, ngậm ngùi kể: "Tôi thả tôm vào đầu tháng 3. Chỉ gần một tháng sau khi thả, tôm bắt đầu nổi lên mặt nước, đâm đầu vào bờ rồi chết. Số lượng chết nhiều đến nỗi không thể vớt xuể nên tôi xổ đầm bỏ luôn. Tổng số tôm sú giống thả nuôi của tôi vụ này là 360 nghìn con, cộng với các chi phí khác lên đến 60 triệu đồng xem như bỏ biển". Thực tế ở Phú Tân cho thấy, gần như 100% diện tích nuôi tôm sú công nghiệp đều bị bệnh. Các đầm bị bệnh chỉ cách nhau vài ngày. Nhiều hộ nuôi tôm được xem là "đại gia" cũng đang lao đao như hộ ông Lê Văn Chuộng nuôi ba đầm (bình quân mỗi đầm: 0,5 ha) đều bệnh hết; ông Trần Văn Phước nuôi năm đầm, thiệt hại hết bốn đầm; ông Trần Văn Mừng nuôi 12 đầm tôm đều thiệt hại 100%...


Ông Nguyễn Văn Bia, ấp Bà Từ cho biết, những hộ nuôi quảng canh cũng cùng chung cảnh ngộ: "Vụ này, tôi thả 200 nghìn con nuôi quảng canh cũng biến mất luôn, không thu được đồng nào. Sau đợt này, tôi chắc giã từ nghề nuôi tôm sú, vì quá rủi ro". Theo ước tính của ông, ấp Bà Từ có đến khoảng 80% đầm đều có tôm bị nhiễm bệnh. Tình hình lây lan dịch đang khiến hàng nghìn hộ nuôi khác thắc thỏm lo sợ lây nhiễm. Với tình hình giá cả xăng dầu, giống, thức ăn hiện đều tăng thật sự đã gây áp lực nặng nề đối với người nuôi. Nợ quá hạn ngân hàng mấy năm nay không trả nổi. Cơn dịch bệnh này tiếp tục đẩy người nuôi tôm lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.


Theo lời của một số bà con, nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh không phải là chuyện lạ ở đây, song, năm nay bệnh bùng phát trên diện rộng hơn. Dù vậy, nhiều hộ nuôi đang chuẩn bị đầm thả tôm lại. Bởi theo họ, nếu không nuôi tôm thì không biết sản xuất cái gì?


Theo thống kê của UBND xã Phú Tân, toàn xã có hơn 2.200 ha nuôi tôm, trong đó nuôi công nghiệp 384 ha, còn lại nuôi quảng canh. Thế nhưng đến nay, tổng diện tích tôm bị thiệt hại đã lên đến trên 363 ha với hơn 42 triệu con, trong đó 92 ha nuôi công nghiệp, tập trung nhiều nhất ở khu vực ấp Pháo Ðài, Bà Từ; kênh Võ Văn Hên thuộc ấp Pháo Ðài và ấp Phú Hữu. Ngành nông nghiệp huyện cho biết, những đầm xảy ra bệnh đều mua giống từ các trại tôm tư nhân chưa qua kiểm dịch, xử lý tôm bị bệnh không theo quy trình dẫn đến lây lan diện rộng.


Chi cục Quản lý Nguồn lợi, Chất lượng và Thú y thủy sản xác định, lúc đầu chỉ vài hộ có tôm bị bệnh rồi xổ tôm bệnh ra môi trường bên ngoài cộng với diễn biến thời tiết không thuận lợi (nắng nóng, mưa lớn) nên chỉ trong khoảng tuần cuối tháng 4 và giữa tháng 5, tôm nuôi ở các hộ khu vực này có triệu chứng bệnh đốm trắng gây nên thiệt hại hàng loạt, kéo dài. Mặt khác, cơ chế hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình kinh phí phòng, chống dịch bệnh tôm sú theo Quyết định 3373/QÐ-UBND của UBND tỉnh vì nhiều lý do chưa thể triển khai được. Cho nên, việc hỗ trợ hóa chất tiêu diệt mầm bệnh trước khi thải ra môi trường (chưa thành lập các Tổ Quản lý cộng đồng vùng nuôi) không thực hiện. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lây lan mầm bệnh gây thiệt hại cho người nuôi tôm trong thời gian qua.


Vừa qua, Chi cục đã lấy mẫu phân tích mầm bệnh, chủ động hướng dẫn các hộ nuôi thiệt hại dùng hóa chất dập mầm bệnh tránh xổ xả ra môi trường, hướng dẫn những hộ nuôi còn lại các biện pháp phòng tránh. Mặt khác, tiến hành quan trắc mầm bệnh đốm trắng ngoài môi trường từ đầu vụ đến nay, Chi cục đã phát hiện 8 mẫu bị nhiễm bệnh đốm trắng tại một số khu vực nuôi tôm tập trung như kênh Tám Mẹo, rạch Bà Từ, kênh 2 và kênh Cầu Kinh mới. Vì thế, Chi cục khuyến cáo, tạm ngưng thả tôm khu vực này chờ theo dõi kết quả quan trắc mầm bệnh của Chi cục tốt mới thả lại; yêu cầu các hộ nuôi không được tự ý xổ xả ra môi trường bên ngoài nếu chưa xử lý mầm bệnh triệt để nhằm khống chế tình trạng tiếp tục lây lan trên diện rộng...




Nguồn: Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường