Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra, cá basa ở ĐBSCL: Khốn đốn vì mạnh ai nấy làm
19 | 06 | 2008
Sau hơn 10 ngày “bơm khẩn cấp” thêm 1.000 tỷ đồng cho ĐBSCL mua cá tra, cá basa nhưng lượng tiền được giải ngân chỉ đạt khoảng 10%. Trong lúc giá cá tra, basa vẫn xoay quanh 14.000 đồng/kg và người nuôi ngày càng lỗ nặng.
Ở Cần Thơ, diện tích nuôi cá tra, basa tập trung ở huyện Thốt Nốt với 843ha. Đến nay, Thốt Nốt đã thu hoạch 93ha và sau khi thu hoạch nông dân “treo” 44ha, không tiếp tục nuôi vì đã lỗ nặng.

Năng suất bình quân 600 tấn/ha/vụ và mỗi ký cá bán thời điểm hiện nay lỗ 2.000 đồng. Với 93 ha đã thu hoạch, người nuôi cá lỗ hơn 111 tỷ đồng. Người nuôi ít nhất chừng 0,5 ha đã lỗ 600 triệu đồng. Người nuôi nhiều thì lỗ hàng tỷ đồng.

Tỉnh Tiền Giang chỉ có 110 ha nuôi cá tra, basa, bên cạnh 8 doanh nghiệp chế biến cam kết mua hết cá cho nông dân. Đến nay vẫn còn 7.000 tấn chưa thu hoạch, trong đó 2.000 tấn đã quá lứa.

Như thế không phải vì doanh nghiệp thiếu tiền mua mà cá tra, ba sa ứ đọng, nghĩa là không có nguyên nhân “thiếu vốn”. Nói như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng: Vừa qua mới nghe “khai bệnh” chứ chưa “khám bệnh” nên thiếu chính xác.

Căn bệnh chính ở đâu?

Ngày 16/6, ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi, Chế biến, Xuất khẩu thủy sản Cần Thơ nói với PV Tiền phong: “Cá tra, ba sa Việt Nam đang bị ép giá ở thị trường ngoài nước. Giá xuất khẩu vừa thấp vừa bị o ép nên các doanh nghiệp chế biến không thể mua nhiều với giá cao cho nông dân”.

Tại sao cá tra, ba sa là mặt hàng “độc quyền” của Việt Nam mà để bị nước ngoài o ép?

Ông Bùi Hữu Trí nói: “Xin hãy hình dung, giá xuất khẩu cá tra, ba sa của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay từ 1,6 USD đến 6,7 USD/kg fillet. Chênh lệch không bình thường như thế do các doanh nghiệp xuất khẩu của ta cạnh tranh lẫn nhau. Tự ta làm hại ta”.

Trước sự o ép của khách hàng nước ngoài, để kiếm lời đã xuất hiện hiện tượng ngâm nước sản phẩm xuất khẩu để tăng trọng lượng (lượng nước có thể chiếm đến 40%). Đây lại là hành vi phá hoại nhanh nhất uy tín sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam dày công xây dựng những năm qua.

Dù đã có Hiệp hội Chế biến –Xuất khẩu cá tra, ba sa nhưng thực tế hoạt động còn xa mới đạt yêu cầu. Chỉ riêng số lượng các nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra, ba sa cũng như sản lượng chế biến hàng năm đều không có nguồn chính xác.

Một quan chức ở Hiệp hội Nghề cá Việt Nam nói với PV Tiền phong là năm 2007, cả nước ta có 263 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ba sa, trong đó 80 doanh nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 triệu USD. Nhưng bao nhiêu doanh nghiệp ở ĐBSCL thì vị quan chức không biết.

Việc nuôi cá tra, ba sa cũng còn tự phát. Hiện nay, chưa có cơ quan hay cá nhân nào trả lời được chính xác: Tổng diện tích nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL bao nhiêu? Sản lượng cá tra, ba sa thu hoạch hàng năm cũng khá mơ hồ. Có người khẳng định năm 2007 ĐBSCL đã đạt 1 triệu tấn cá tra, ba sa nhưng có người bảo năm 2008 mới đạt con số ấy.

Rõ ràng cả trong nuôi, chế biến lẫn xuất khẩu cá tra, ba sa, chúng ta chưa hiểu biết đầy đủ về chúng ta. Vậy làm sao bảo vệ mình trên thương trường quốc tế rộng lớn?

Ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng: “Trước tiên các tỉnh ĐBSCL phải liên kết với nhau, không nên chờ đợi bên ngoài lâu hơn nữa”.

Năm 2005, các địa phương ở ĐBSCL đã bàn bạc và cho ra đời “Ban điều hành thành lập Hiệp hội cá da trơn ĐBSCL”. Tiếp đó, năm 2006 tổ chức Ban vận động thành lập Hiệp hội cá da trơn.

Tuy nhiên, thành viên của các tổ chức này chủ yếu là quan chức hành chính đương quyền (Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND, GĐ Sở NN&PTNT…) nên có thành lập mà không hoạt động.

Khi nuôi trồng và chế biến xuất khẩu đều tự phát, manh mún, sẵn sàng “chụp giựt” lẫn nhau, thì sự khốn đốn của người nuôi cũng như những rối ren trong kinh doanh mặt hàng này hiện nay là điều dễ hiểu. Đó chỉ là triệu chứng của căn bệnh mạnh ai nấy làm.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường